Con giời

Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nghe vợ bảo tháng này chịu khó đi làm bằng xe máy, Dũng giật nảy mình: “60 cây số cả đi lẫn về mà em bảo anh đi xe máy thì về tới nhà, anh tắm bằng bụi à?”.

Tháng này con trai của hai vợ chồng Mai bị viêm tai giữa nên phải đưa đi thăm khám rất nhiều, mà mỗi lần đi là đều đến các phòng khám lớn, bệnh viện hạng sang, đề nghị khám toàn là giáo sư, tiến sĩ. Vì thế, chi phí điều trị chỉ trong tuần đầu tiên đã ngót nghét hơn chục triệu đồng rồi. Khi Dũng bảo, “em đưa đi khám 1, 2 chỗ thôi là được, đi nhiều thế cũng có khác gì đâu, mà còn mệt con ra!” thì Mai gạt phắt: “Không được, em phải biết chính xác con bị gì, chứ nhìn nó phải uống kháng sinh, em xót lắm!”.

Suy nghĩ của Mai không phải là không có lý, nhất là với người đang có con nhỏ - mới 4 tháng tuổi như cô. Nhưng nếu xét trong hoàn cảnh gia đình cô - kể từ ngày cô bắt đầu có ý định mang thai tới giờ, thì nó oái oăm tới mức nhiều khi phi lý.

Mai lấy Dũng và trở thành con dâu duy nhất trong nhà anh khi bụng bầu của cô đã lùm lùm gần 4 tháng. Khi đó, vừa “ăn cơm trước kẻng”, vừa bầu con gái nên dù bố mẹ chồng không có ý kiến gì, đồng ý cho cưới ngay, nhưng dư âm của những ký ức buồn vì là con gái vẫn thường trực trong tâm trí cô. Lớn lên trong gia đình trọng nam khinh nữ, trong khi anh trai không phải làm bất cứ việc gì, được chiều chuộng và đáp ứng mọi nhu cầu thì những điều đó, bố mẹ làm với Mai rất dè sẻn. Bởi vậy, càng lớn, Mai càng nghĩ, chỉ có sinh được con trai mới mong có được vị trí trong nhà chồng.

Con giời - ảnh 1
Ảnh minh họa

Lần đầu tiên “thất bại” vì sinh con gái, Mai càng nung nấu ý định có bầu con trai hơn. Khi con gái đầu được 3 tuổi, cũng là lúc Mai tính, nếu mang bầu lúc này thì khi sinh con ra sẽ đúng vào năm được tuổi. Mai tìm đọc và tham gia rất nhiều hội nhóm mong muốn sinh con trai, chăm chú ghi lại cách tính ngày để sinh hoạt vợ chồng, cách ăn uống, bồi bổ cho chồng… làm thế nào để khả năng sinh con trai được cao nhất. Về ý định có bầu này, Mai chỉ dám nói với mẹ mình, chứ chưa dám nói với mẹ chồng. Mẹ Mai – vì quá hiểu lần mang bầu trọng đại này có ý nghĩa ra sao với con gái mình, nên ra sức giúp con gái. Nhưng thay vì những cách làm khoa học, bà dặn Mai ngày nào cũng phải thắp hương khấn các cụ, xin các cụ bằng được thằng con giai. “Không những vậy, ngày rằm, mùng 1, con phải làm cỗ thật thịnh soạn, không chỉ ở nhà mà phải đi ra chùa nữa, để thể hiện mình rất có lòng, thành tâm xin các cụ thằng cu”, bà dặn đi dặn lại con gái như thế. Nghe lời mẹ, cứ tháng đôi lần, căn chung cư nhỏ của vợ chồng Mai lại bày rất thịnh soạn cỗ bàn, khói hương nghi ngút. Ông trưởng tầng chưa rõ chuyện nên mới bảo, “con bé này thế là tốt, biết hướng về cội nguồn, cha ông!”.

Thế rồi cũng tới ngày Mai có bầu. Những tuần đầu, cô ăn ngủ không ngon, chập chờn vì hóng tới ngày có thể biết được giới tính của con. Vì bây giờ hầu như các bệnh viện, phòng khám đều không tiết lộ giới tính thai nhi, nhưng nhờ đã nằm vùng khá lâu trong các hội nhóm mong sinh con trai nên cô dễ dàng tìm được phòng khám cho biết giới tính. Ngày nhận tin đó là con trai, Mai thở phào, cứ như lâu nay ngạt thở vậy. Mai về báo tin cho bố mẹ chồng trong sự tự hào và có phần… kiêu. Dĩ nhiên, giờ được cả nếp lẫn tẻ nên bố mẹ chồng Mai cũng rất vui, chờ đón ngày được bế cháu đích tôn.

Con giời - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhưng càng ngày, sự thái quá của Mai với con trai càng lớn. Cô quan tâm quá mức tới độ, đi siêu âm liên tục, bổ sung đủ loại thuốc, vitamin vì chỉ sợ con ra đời… kém thông minh! Ban đầu, Dũng còn hiểu cho vợ. Nhưng tới khi sinh con ra, sự khác nhau hoàn toàn giữa chăm con gái và con trai của Mai khiến anh thấy… hoảng!
Mai lúc nào cũng bảo, “con trai mình là con giời con phật, con cầu con khấn nên phải chăm thật kỹ, không như những đứa bình thường được!”. Dũng cười vợ: “Em nói linh tinh cái gì đấy, tự dưng bảo con mình không bình thường. Ngày trước bé Thỏ (con gái đầu) em chăm thế nào thì giờ cứ thế mà chăm Bối (nghĩa là bảo bối – con trai mới sinh) thôi”. Đáp lại chồng là ánh nhìn rất hình sự của Mai: “Giống là giống thế nào, nó phải được nhận những thứ tốt nhất!”.

Và thế là cuộc sống gia đình đảo lộn vì cậu con giời. Mai đang nghỉ sinh nên nhà chỉ còn mỗi Dũng đi làm. Với 1 suất lương đó của anh, trước Mai còn cố gắng chi tiêu để tiết kiệm, nhưng giờ cô thẳng tay tiêu gần hết vào con trai. Từ các loại vitamin, khoáng chất được quảng cáo giúp em bé thông minh, nhanh lớn, bụ bẫm, đến các loại sữa ngoài đắt nhất, bỉm đắt nhất, quần áo xịn nhất, của thương hiệu lớn có tiếng… cô đều sắm hết cho con. Ngược lại, với con gái, cô vẫn chủ yếu mua những thứ đồ bình thường như lâu nay vẫn sắm. 

Thế nên chuyện bắt chồng đi làm bằng xe máy để tiết kiệm tiền cũng là đương nhiên. Dũng là kỹ sư xây dựng, ngoài 60km được ngồi ôtô đi làm ra thì cả ngày anh phơi mặt ngoài công trường, nắng gió táp vào mặt. Giờ vợ bắt phải đi xe máy, chắc anh không còn lúc nào được che mặt trong bóng mát. Nhưng vì vợ quyết quá, Dũng buộc phải nghe theo. Phần vì anh quá bận, và cũng vì sợ vợ rơi vào “trầm cảm sau sinh” như báo đài nói nên anh đồng ý. Thế nhưng, sự thái quá ấy của vợ còn nhằm cả vào con gái đầu thì anh thực sự bất bình.

Con giời - ảnh 3
Ảnh minh họa

Bé Thỏ đã vào mẫu giáo, được cô giáo lựa chọn dự thi văn nghệ ở trường. Cô giáo có nhắn Mai chuẩn bị giúp cho Thỏ một bộ váy thật xinh. Nhưng Mai thấy như vậy là thừa thãi. Mua một cái váy mới rồi chỉ mang đi múa mỗi 1 lần, xong về vứt xó, thà để tiền mua bỉm, mua sữa cho Bối còn hơn, Mai nghĩ. Vậy là Mai từ chối cho con thi văn nghệ. Khỏi cần nói Thỏ buồn và khóc nhiều vì tủi thân đến thế nào. Vốn dĩ mẹ đã dành ít thời gian hơn cho mình, giờ còn không được đi múa, Thỏ về nhà là trốn trong phòng, bỏ cả ăn, chẳng chịu nghe ai nói.

Ông bà nội cứ 2-3 tuần lại khăn gói từ quê lên thăm các cháu nội một lần. Hôm nay, họ lên đúng lúc Mai đang lôi xềnh xệch con gái từ phòng ra, bắt ngồi ăn. Thỏ không chịu ăn, Mai lấy roi vung ra đánh. Bà nội xót cháu, chạy vội vào can. Chuyện sẽ không có gì thêm nếu tối hôm ấy, Dũng về nhà khá muộn, chân tay trầy xước vì đi xe máy đường tối về nhà, mắt anh không thể nhìn rõ nên va vào chướng ngại vật. Hai ông bà lại xót con trai lần nữa. Nhưng về Mai, cô nào có để tâm. Cô chỉ lo “đúc” cho cậu con giời của mình. Vì đúc cho ăn, cho bổ sung đủ thứ thuốc, vitamin suốt ngày mà thằng bé bỗng dưng bỏ ăn, đi ngoài xoèn xoẹt, nôn trớ… Mang đi khám, bác sĩ cũng kêu trời vì độ “nhét” vào bụng con đủ thứ chưa cần đến của Mai.

Nhà cửa cứ thế lanh tanh bành, Dũng phải nghỉ làm để trông đứa lớn không chịu đi học, còn đứa bé thì ốm. Công trình đang vào giai đoạn cao điểm nên anh càng cáu um lên với vợ. Dũng trách Mai phân biệt đối xử với các con, trọng nam khinh nữ, “con Thỏ nó ra thế này là từ sự vô tâm của em!”, anh nói. Mai cũng không vừa: “Thế chẳng nhẽ anh với nhà anh không muốn đứa con trai, cháu trai này chắc!”. Dũng đập bàn, Mai bế con trai đốp lại, chẳng ai để ý Thỏ ngồi bó gối trong góc phòng, khóc nức nở vì đói và vì cảm thấy bị bỏ rơi trong chính nhà mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chỗ dựa cho con

Chỗ dựa cho con

(PNTĐ) - Trong khi các con tập trung hết tâm sức để ôn luyện trước các kỳ thi chuyển cấp, tuyển sinh sắp tới, bố mẹ đóng vai trò không thể thiếu để chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần và trở thành chỗ dựa tin cậy giúp các em giảm bớt áp lực, để vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất.
Hạ mình xuống để yêu

Hạ mình xuống để yêu

(PNTĐ) - Để có một cuộc hôn nhân lâu dài, điều đáng quý nhất là cả người phụ nữ và người đàn ông đều dành cho nhau sự trân trọng và chân thành. Đôi khi, để tìm thấy điều quý giá đó, người ta còn phải hạ mình xuống.
Yêu thương, sẻ chia làm nên nếp nhà vững chắc

Yêu thương, sẻ chia làm nên nếp nhà vững chắc

(PNTĐ) -Tôi là Nguyễn Thị Bích Vân, cán bộ Hội Phụ nữ huyện Thạch Thất. Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” với chủ đề “Xây chắc nếp nhà” lần thứ XIII năm 2023 do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức trên Báo Phụ nữ Thủ đô là một chủ đề thiết thực, gần gũi với đời sống. Chủ đề của cuộc thi cũng mang tính thời sự, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, sự phát triển của mạng xã hội đang ít nhiều ảnh hưởng tới tính bền vững của nếp nhà.
Giao tiếp với con là cốt lõi trong việc giáo dục tinh thần, trí tuệ

Giao tiếp với con là cốt lõi trong việc giáo dục tinh thần, trí tuệ

(PNTĐ) - Triệu Nguyễn Tài, admin group “giáo dục con toàn diện từ sớm” đồng thời cũng là một “ông bố bỉm sữa” với nhiều bài viết giáo dục con được cộng đồng mạng yêu thích. Đời sống gia đình đã có cuộc trò chuyện với anh về kinh nghiệm trò chuyện với con cho các bậc cha mẹ đang nuôi con nhỏ. Đây cũng là vấn đề mà đông đảo các bậc phụ huynh cảm thấy khó khăn.