Con hãy làm điều con muốn

Thương Huyền
Chia sẻ

(PNTĐ) - 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, vợ chồng tôi quyết định cho con gái du học nước ngoài ngành công nghệ thông tin bậc cao đẳng. Với suy tính của chúng tôi, ngành học này vẫn phát triển trong tương lai, nên đảm bảo sau này con sẽ có tương lai tươi sáng.

Từ bé, tôi đã nổi tiếng là chăm chỉ học và rất ít khi để ý đến vẻ bề ngoài. Sự giản dị đó theo tôi đến tận bây giờ. Tôi chưa từng quan tâm tới mốt quần áo, phong cách tóc thời trang. Tôi thấy chỉ cần mình ăn mặc gọn gàng, lành lặn, tóc tai chải buộc cẩn thận là đủ. Nhưng, chẳng hiểu sao, con gái tôi lại không giống mẹ chút nào. Từ nhỏ con đã thích làm đẹp. Con có thể bỏ ra cả tiếng để trang điểm và chỉ ra khỏi nhà khi đã thấy hài lòng với diện mạo xinh tươi của mình.

Cho con ra nước ngoài du học, chúng tôi gửi hết vào con những kỳ vọng, mong đợi. Mỗi lần con gọi điện về, chúng tôi thay nhau căn dặn con phải học cho tốt, sau này còn học tiếp lên đại học. Nhưng con buồn buồn nói con không thích học tiếp nên học xong là con về thôi. Việc này thì chúng tôi không quyết thay con được, hơn thế tranh luận qua điện thoại không giải quyết được gì nên chúng tôi đành chịu. Vậy là 2 năm sau, con tôi trở về nước.

Con hãy làm điều con muốn - ảnh 1
Ảnh minh họa.

Con về tháng trước thì tháng sau con đã tìm được việc làm ở một công ty về công nghệ thông tin, lương không quá cao nhưng cũng không tệ. Chúng tôi tạm yên tâm về con phần nào, còn âm thầm nghĩ con cứ đi làm tích lũy kinh nghiệm một thời gian rồi học tiếp lên cao cũng chưa muộn.

Thế nhưng, tôi thấy con vẫn có vẻ không vui. Mỗi tối gặp nhau trong bữa cơm, tôi hỏi con công việc thế nào thì con chỉ buông mấy lời vắn tắt: “Bình thường”, “Tạm được” và rồi “Nói chung con không có cảm xúc gì nhiều”... Tôi lại tự an ủi mình, mấy ai đi làm mà tìm được môi trường như mình mong muốn nên con cũng phải học cách thích nghi thôi.

Rồi tới đúng sinh nhật con 23 tuổi, con chủ động xin được nói chuyện với chúng tôi. Con thú thật là con không muốn tiếp tục công việc hiện tại. “Con cảm thấy đây không phải là nghề dành cho con, việc du học cũng không hợp với con. Năm đó, con du học là vì không muốn bố mẹ buồn. Con chỉ muốn được làm việc trong lĩnh vực làm đẹp. Con sẽ mở một cửa hàng trang điểm cho các cô dâu. Con xin lỗi, giá như con kiên quyết hơn để không làm tốn tiền của bố mẹ”.

Tôi nghe con nói mà như sét đánh ngang tai, thật khó mà chấp nhận. Nhìn thái độ của bố mẹ, con tôi không nói thêm nữa mà những ngày sau vẫn đi làm, nhưng tôi quan sát thấy chẳng vui vẻ gì. Có hôm, tôi có cảm giác con hình như mới khóc vì hai mắt con hơi sưng lên.

- Em à, có lẽ vợ chồng mình hãy để con được làm điều con thích. Từ nhỏ con đã thích làm đẹp mình không nên ép con phải sống theo mong muốn của mình. Việc làm lại bây giờ chưa muộn, còn hơn là cố đi tiếp rồi cả quãng đường sau này con sẽ thấy ân hận, tiếc nuối.

Với những người làm cha, mẹ như chúng tôi, mong ước cuối cùng vẫn là thấy con hạnh phúc. Tôi bảo với chồng: “Thôi được, nếu đó là con đường con mong muốn và giúp con hạnh phúc thì em đồng ý”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.