Con sống trăng hoa, cha mẹ nặng gánh

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sắp cưới vợ thì con trai bà bị hai cô gái mang con tìm đến nhà nhận cha, rồi yêu cầu phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con đến 18 tuổi. Nhà gái biết chuyện đòi hủy hôn, vì con dâu tương lai của bà không chấp nhận chuyện chồng sẽ phải nặng gánh với 2 đứa con riêng bên ngoài.

Ngồi ở phòng tư vấn, bà rơm rớm nước mắt nói trong sự tủi thân: “Năm nay tôi bước sang tuổi 70. Ở tuổi này, trong khi người ta an nhàn hưởng phước thì tôi vẫn phải còng lưng với con cháu. Hai vợ chồng được gần 15 triệu tiền lương, tháng nào cũng phải “chia 5 xẻ 7”, ốm đau không dám đi viện khám vì sợ tốn tiền. Tưởng có đứa con trai để hưởng phước tuổi già, ai ngờ…”.

Kể về đứa con trai “cầu tự” của mình, giọng bà chùng xuống. Hai vợ chồng lấy nhau, mãi vẫn không có con. Ông là con trai trưởng trong gia đình nên trách nhiệm sinh con nối dõi rất nặng nề. Đã có thời gian hai vợ chồng chạy chữa mãi vẫn không có kết quả, bà nghĩ đến chuyện ly hôn để ông cưới người khác sinh con, làm tròn trách nhiệm với gia đình. Nhưng khi bác sĩ bảo nguyên nhân là do chồng chứ không phải do vợ thì bà từ bỏ ý định ly hôn, kiên trì cùng ông chạy chữa tiếp. Sau 12 năm nỗ lực, cuối cùng, quả ngọt cũng đến với hai vợ chồng. Tuấn ra đời trong niềm vui tột độ của ông bà và cả gia đình chồng lúc bấy giờ.

Sau khi sinh Tuấn, ông bà cố gắng tiếp để sinh thêm con nhưng không được. Vì thế, Tuấn trở thành đứa con “báu vật” của họ. Đó cũng là lý do, ông bà dành mọi yêu thương, chiều chuộng cho con trai. Từ nhỏ đến lớn, Tuấn đòi gì được nấy, ông bà thậm chí còn lo trước tương lai cho con trai mình. Từ chuyện học hành, xin việc đi làm ở đâu, đến nhà cửa, tài sản “để dành” cho con trai nuôi cháu sau này đều được ông bà tính sẵn. Vậy nên, ai nhìn vào cuộc sống của Tuấn cũng bảo cô gái nào mà làm dâu nhà bà chẳng khác gì “chuột sa chĩnh gạo”.

Con sống trăng hoa, cha mẹ nặng gánh - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhìn con trai sáng sủa, khỏe mạnh lớn lên, ông bà cảm thấy mọi công sức của mình lo cho con đều xứng đáng. Học xong đại học, Tuấn được bố mẹ xin cho một công việc ổn định. Tiền lương đi làm được bao nhiêu Tuấn giữ lại chi tiêu cá nhân, còn thiếu bao nhiêu thì… xin mẹ thêm. Ông bà chẳng bao giờ tiếc con tiền bạc nên hễ con cần là chu cấp. Khi Tuấn đến tuổi yêu đương, như bao bậc làm cha mẹ, ông bà cũng mong muốn có được cô con dâu thảo hiền. Ai ngờ, con trai bà lại thuộc dạng… trăng hoa, yêu hết cô này đến cô khác mà chẳng chịu “chốt cưới” cô nào.

Chuyện Tuấn trăng hoa trong tình yêu, ông bà còn cho rằng vì con trai mình “tốt số” nên con gái mới theo nhiều. Họ để con tự do yêu đương, lựa chọn thoải mái; thậm chí còn chấp nhận chuyện con quan hệ trước hôn nhân để chắc chắn chuyện con cái sau này. Nhiều lần, ông bà nửa đùa nửa thật bảo con cứ “thử” cho chắc chắn, có bầu rồi hãy cưới. Quan niệm này cũng xuất phát từ việc Tuấn giống ông – là con trai độc đinh trong gia đình, phải thực hiện trách nhiệm nối dõi.

Vậy là sự buông thả, trăng hoa trong tình yêu của Tuấn cũng có một phần từ sự “cổ vũ” ngầm của ông bà. Nhưng họ không ngờ, quan niệm sai lầm đó đã vô tình khiến Tuấn trở thành một người đàn ông vô trách nhiệm trong tình yêu. Tuấn yêu nhiều, chọn nhiều, mối tình nào cũng vượt quá giới hạn, chán chê rồi chia tay. Có những cô gái sau khi thông báo có bầu với Tuấn thì bị bỏ rơi luôn, phải một mình giải quyết cái thai trong đau khổ.

Ông bà biết chuyện, vài lần khuyên con nếu bạn gái đã có thai rồi thì cưới, nhưng lần nào Tuấn cũng bảo chưa tìm được người thật sự phù hợp để làm vợ. Thậm chí, Tuấn còn “phân tích” ngược trở lại với bố mẹ rằng mấy cô gái buông thả ấy, dễ dàng trao thân cho Tuấn thì cũng sẽ như vậy với những người đàn ông khác. Và, những người như thế thì không thể làm… “vợ tốt”. 

Con sống trăng hoa, cha mẹ nặng gánh - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ông bà chẳng cãi được cái lý của tuổi trẻ yêu đương phóng khoáng nên để mặc con trai tự do lựa chọn hôn nhân. Chơi bời mãi rồi cũng chán, cuối cùng Tuấn đồng ý nghiêm túc trong chuyện kết hôn. Một ngày, Tuấn thông báo với bố mẹ quyết định lấy vợ, phần là vì thật sự muốn bước vào cuộc sống hôn nhân, và một phần cũng do bác sĩ bảo cưới vì cái thai đã quá tuổi xử lý. Bên nhà gái kiên quyết bắt Tuấn phải nghiêm túc chịu trách nhiệm, tổ chức cưới hỏi đàng hoàng.

Con trai cưới vợ, có cháu để ẵm bồng, ông bà vui mừng khoe khắp họ hàng. Thế nhưng khi đám cưới đang được chuẩn bị thì bỗng nhiên xuất hiện hai cô gái dắt theo hai đứa trẻ đến nhà ông bà đòi Tuấn phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con. Họ “trình” ra trước ông bà và Tuấn kết quả xét nghiệm AND chứng minh huyết thống cha con. Khỏi cần nói, ông bà cũng biết đây là kết quả của những lần yêu đương buông thả và vô trách nhiệm trong tình yêu của Tuấn trước đây.

Tuy nhiên, Tuấn vẫn quen thói “sở khanh” như trước, chối bỏ trách nhiệm làm cha của mình, bảo “ai sinh thì người nấy nuôi”. Nhưng lần này, hai cô gái đã không để cho bản thân thua thiệt như trước, họ nói nếu như Tuấn không thỏa thuận được việc cấp dưỡng nuôi con đến năm 18 tuổi trong “êm đẹp” thì sẽ khởi kiện ra tòa, nhờ pháp luật bảo vệ quyền lợi của con mình.

 Là một kẻ yêu đương trăng hoa nhưng Tuấn lại rất sợ chuyện kiện tụng trước pháp luật. Nghĩ đến cảnh phải làm “bị cáo” trong hai vụ kiện cấp dưỡng nuôi con, Tuấn đành chấp nhận trả tiền cấp dưỡng nuôi hai đứa con ngoài giá thú. Tuy nhiên, trách nhiệm ấy, Tuấn lại đẩy sang cho bố mẹ. Bởi gia đình vợ tương lai không chấp nhận chuyện con rể nặng gánh con riêng bên ngoài.

- Bên nhà gái nói, con gái họ bị thiệt thòi vì Tuấn có con riêng bên ngoài. Họ cũng lo sợ sau này, cháu của mình bị thua thiệt, san sẻ tình cảm lẫn vật chất với hai người anh cùng cha khác mẹ đó. Vì vậy, họ yêu cầu bên nhà tôi phải giải quyết dứt điểm rồi mới cho cưới. Nếu không, họ sẽ hủy hôn và con gái họ cũng sẽ làm giống hai cô gái kia, bắt Tuấn trả tiền cấp dưỡng nuôi con đến năm 18 tuổi – bà kể.

Để hôn nhân của con trai không bị lỡ làng, giải pháp cuối cùng ông bà đưa ra là họ sẽ thay Tuấn nhận chu cấp cho hai đứa cháu ở bên ngoài. Như vậy, Tuấn sẽ không còn trách nhiệm và liên quan đến chuyện cấp dưỡng cũng như mẹ của hai đứa trẻ ấy, nên sẽ toàn tâm lo cho vợ con của mình. Để chắc chắn, bên nhà gái yêu cầu ông bà đảm bảo điều đó bằng “giấy trắng mực đen” nhằm phòng bị con cháu họ không bị thiệt thòi về sau.

Bà bảo trong cuộc sống chẳng bao giờ lường hết được chữ ngờ. Vì chuyện con riêng của Tuấn nên con dâu bà tính toán hết các nước để đảm bảo quyền lợi cho con mình. “Nó xui chồng bảo chúng tôi lập trước di chúc chia tài sản cho con trai và các cháu sau này. Nội dung là toàn bộ tài sản này chỉ để lại cho con trai và cháu nội “hợp pháp”, hai đứa cháu nội “ngoài giá thú” sẽ không có phần. Sự đòi hỏi này khiến chồng tôi nổi giận, có thành kiến với con dâu, bắt chúng dọn ra ngoài sống riêng”- bà kể trong đau buồn. 

Con sống trăng hoa, cha mẹ nặng gánh - ảnh 3
Ảnh minh họa

Con trai sống riêng thì cần có nhà ở, ông bà phải bán đi ngôi nhà to đang ở để có tiền mua hai căn nhà nhỏ cho mình và cho vợ chồng con trai. Giải quyết xong vấn đề nhà cửa, ngỡ cuộc sống của ông bà yên ổn trở lại. Ai ngờ, đoạn trường cấp dưỡng nuôi hai đứa cháu bắt đầu đeo bám họ. Xét về lương tâm, với ông bà, cháu “ngoài giá thú” hay cháu “hợp pháp” đều là máu mủ nhà mình, đứa nào cũng cần được yêu thương. Do vậy, ông bà chẳng thể bỏ bê chúng, dù ít hay nhiều cũng phải chu cấp cho các cháu.

Với số lương hưu hiện có, ông bà sống tằn tiện cũng dôi dư đủ số tiền cấp dưỡng cho hai đứa cháu bên ngoài thay con trai. Nhưng lúc ốm đau, cần chi tiêu nhiều, tiền dư ra chẳng còn lại là bao, chuyện cấp dưỡng cho các cháu trở nên khó khăn. Vô hình chung, cuộc sống của ông bà bị áp lực bởi gánh nặng cấp dưỡng nuôi cháu.

- Chúng tôi muốn con trai san sẻ gánh nặng này, nhưng con dâu đã lường hết mọi chuyện nên quản thu nhập của con trai rất chặt chẽ. Vì thế, nó cũng chẳng thể phụ chúng tôi trong việc này. Bây giờ, cuộc sống già của vợ chồng tôi bị đặt vào tình thế khó khăn bởi hậu quả trăng hoa của đứa con trai vô trách nhiệm – bà nói trong thất vọng.

Câu chuyện của bà là một bài học lớn cho các bậc làm cha mẹ và những thanh niên sống buông thả trong tình yêu. Gánh nặng mà hôm nay ông bà phải nhận lấy là hệ quả của những quan niệm sai lầm trong giáo dục con trước đây. Nếu ông bà giáo dục con trai yêu đương nghiêm túc, có trách nhiệm, không mang chuyện có thai trước khi cưới để đảm bảo cho vấn đề sinh con nối dõi, thì có lẽ Tuấn sẽ không trở thành một người đàn ông “sở khanh”. Và, ông bà sẽ không phải lâm vào cảnh “chịu trận” thay con như ngày hôm nay.

Với những thanh niên sống trăng hoa như Tuấn, không phải cứ “quất ngựa truy phong” sau mỗi cuộc tình là sẽ… xong chuyện. Bởi những đứa trẻ ra đời ngoài mong muốn kia là vô tội, và pháp luật có những quy định đảm bảo quyền lợi cho chúng, buộc những người cha, người mẹ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục chúng cho đến khi trưởng thành. Khi ông bà không có khả năng thay con trai chu cấp cho cháu thì Tuấn cũng phải thực hiện trách nhiệm đó với nghĩa vụ làm cha của mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Hạnh phúc suýt đánh rơi

Hạnh phúc suýt đánh rơi

(PNTĐ) - Đối với những người vợ yêu gia đình, yêu chồng, yêu con chính là lẽ sống của họ. Song, sự hy sinh không mong đáp đền đó lại ít khi nhận được sự thấu hiểu của người đầu gối, tay ấp sẽ khiến tình yêu dần phai nhạt.