Con yêu, con ghét

THÁI ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cùng là con cháu trong nhà, nhưng bố chồng Vân có sự thiên lệch rõ rệt. Với con yêu thì ông quan tâm hỏi han nhưng với con ghét thì chẳng bao giờ ngó ngàng tới. Nhà có việc cũng chỉ “khiến” con yêu, còn con ghét coi như không tồn tại. Và Vân lại là “con ghét” của bố chồng.

Hôm đó Vân đang ở cơ quan thì con gái gọi điện tới, nhờ mẹ về ngay để đưa hai chị em sang nhà ông nội ăn trưa. Tất nhiên là Vân không thể về đưa con đi được vì cô đang làm việc, hơn thế cơ quan lại ở xa nhà. Buổi trưa, Vân chỉ được nghỉ có 1 tiếng tính cả giờ ăn nên nếu đi gấp như thế, cô sẽ không xoay sở kịp.

Vân chỉ nghĩ là bố chồng nhớ cháu thì gọi vui vậy thôi nên cô bảo các con: “Con gọi lại nói là không sang nhà ông  được vì bố mẹ cháu đều đi làm vắng. Con hẹn ông có gì cuối tuần mẹ sẽ đưa con sang thăm ông sau”.

Lát sau, con gái cô nhắn tin tới: “Ông giận lắm, bảo con không sang thì thôi. Cuối tuần mẹ cũng không cần đưa con sang nữa”.

Việc bị bố chồng mắng sẵng như vậy Vân không còn lạ nữa. Lần nào gặp Vân mà ông không cáu kỉnh, bực bội, vùng vằng mới lạ. Vì thế, Vân chẳng nghĩ gì thêm mà quay sang làm việc.

Con yêu, con ghét - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đến giờ nghỉ trưa hôm đó, tranh thủ ngồi ăn cơm, Vân mới có thời gian truy cập vào tin nhắn trong zalo. Trong nhóm gia đình, Vân bỗng thấy một tấm ảnh cả đại gia đình bên chồng đang sum họp do cháu họ Vân chụp rồi gửi vào nhóm. Vân nhìn kỹ giờ và ngày chụp ảnh thì đúng là trưa nay rồi. Vậy, tại sao đang là ngày đi làm mà ở nhà ông lại đông đủ như vậy? Không chỉ có bố chồng Vân còn có cả nhà anh cả chồng và vợ chồng chú em chồng.

Vân vội nhắn tin cho cháu, hỏi: “Sao hôm nay là ngày gì mà cả nhà cháu lại sang nhà ông? Bố mẹ cháu và các cô chú đều được nghỉ làm à? Lạ quá”.

Cô cháu nhắn tin lại: “À, sáng nay ông nội gọi sang cho bố mẹ cháu, nói cả nhà trưa nay sang nhà ông ăn cơm Rằm tháng Bảy. Thế là bố mẹ cháu xin nghỉ phép để trưa sang nhà ông bà. Cả nhà cô chú cũng vậy”.

Vân đọc tin xong, sững người. Quả là cô quên luôn hôm nay là ngày Rằm vì từ tối hôm qua, Vân đã tranh thủ thắp hương rồi. Sáng sớm nay, hai vợ chồng cô, như mọi ngày lại tất bật đi làm. Nhưng, Vân suy nghĩ không phải vì điều đó mà vì cách ứng xử của bố chồng. Tại sao trưa nay, bố Vân chỉ gọi cho các anh và em chồng Vân mà không gọi cho vợ chồng cô sang nhà ăn cơm? Thay vào đó, ông lại chỉ gọi cho các con của Vân và cũng chẳng nói rõ lý do. Thế nên, Vân mới không biết để về đèo con đi cho phải đạo.

Con yêu, con ghét - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nếu được bố chồng thông báo hôm nay đại gia đình sum họp, chắc chắn, Vân cũng sẽ xin nghỉ làm và còn sắp xếp sang sớm để giúp bố chồng chuẩn bị cúng Rằm

Vậy là một lần nữa, bố chồng lại “gạt” vợ chồng Vân, mà cụ thể là Vân ra khỏi các hoạt động của gia đình. Vân còn nhớ tháng trước, nhà chồng Vân cũng làm giỗ cụ, sau đó, bố chồng gọi cho các con, cháu, trừ Vân sang ăn cơm. Ông còn dặn chồng Vân về sớm đưa con sang ông ăn giỗ. Nhưng, Vân không hề nhận được điện thoại của bố. Cho tới khi ngồi vào mâm, không thấy vợ đâu, chồng Vân mới gọi bảo cô thu xếp sang ăn cho đông đủ. Vân tủi thân từ chối. Cô biết phận con cháu với các cụ tổ tiên như vậy là không được. Nhưng, bố chồng đâu có muốn sự xuất hiện của cô. Cô không thể nào “nghe lời mời rơi vãi” từ chồng rồi sang đó như thể không có chuyện gì xảy ra được cả.

Bố chồng Vân có ác cảm với Vân ngay từ hồi cô mới về làm dâu. Ngày đó, cô trót có bầu trước với con trai ông, sau đó, suýt nữa ông còn không cho làm đám cưới. Bố chồng luôn coi Vân chẳng ra gì, làm hỏng cả danh dự gia đình ông. Gia đình ông uy nghiêm như thế, lẽ nào phải đi rước cái đứa con gái “ăn cơm trước kẻng” vào nhà. Thế rồi so với chị dâu và em dâu, Vân cũng là người ít học thức nhất. Sau cưới, mấy năm trời Vân chỉ ở nhà chồng nuôi. Đến lúc con lớn, cô mới tập tọe đi làm thì cũng chỉ vào được chân văn phòng “loèn quèn” theo cách bố chồng Vân đánh giá. Lương tháng Vân kiếm được khiêm tốn, nên ba mẹ con vẫn phải phụ thuộc kinh tế chồng cô. Trong khi đó, chị dâu cô là phó giám đốc công ty, em dâu cũng tự khởi nghiệp làm đại lý bán thực phẩm chức năng. Chỉ trong mấy năm, vợ chồng anh chồng và em chồng đã đổi mấy lần nhà riêng, còn mua được xe ô tô. Còn vợ chồng Vân thì vẫn cứ trung thành với cái chuồng chim bồ câu ở tầng 5 khu tập thể cũ.

Con yêu, con ghét - ảnh 3
Ảnh minh họa

Vân cũng biết, chị dâu và em dâu cô có điều kiện kinh tế để phụng dưỡng bố chồng. Chẳng cần đợi tới sinh nhật, lễ, Tết, thi thoảng, chị dâu lại mang sang biếu bố chồng cái phong bì. Còn cô em chồng thì buôn bán thực phẩm chức năng nên cũng lo toàn bộ thuốc bổ cho ông uống quanh năm, lọ nào cũng đắt tiền. Riêng cô thì chẳng có gì to tát. Lễ, Tết, Vân chỉ biếu ông được hộp mứt, lọ kẹo. Ngày sinh nhật thì mua biếu ông được tấm áo. Vân đã từng nghĩ lòng bố mẹ thì bao la, con nào cũng yêu, cũng quý. Việc Vân không phụng dưỡng bố được về vật chất cũng là do vợ chồng Vân còn khó khăn, bố chồng sẽ thông cảm. Nào ngờ, có một lần, trong bữa cơm, tự nhiên bố chồng lại nói thẳng vào mặt Vân: “Nếu tính về đường nhờ vả con cái, chắc ông bà chỉ trông được vào nhà anh đầu và anh cuối. Anh giữa coi như bỏ đi, may ra thi thoảng nhà thiếu mớ rau thì gọi anh chị ý mang đến cho được”. 

Trước đây, bố chồng Vân có suy nghĩ Vân đã không làm ra tiền thì công việc của Vân cũng chẳng quan trọng gì. Vì vậy, hễ cần gì, dù lớn hay bé ông đều gọi điện sai Vân. Giữa ca làm, ông gọi yêu cầu Vân ra siêu thị mua cho ông đồ này thức nọ kẻo hết chương trình khuyến  mãi. Rồi cái điện thoại bàn hỏng, ông cũng nói Vân về mang đi sửa vì nhà không thể một ngày thiếu điện thoại… Vân thưa với bố chồng rằng cô đi làm ăn lương nên không thể cứ thích là xách túi ra về. Nếu có gì cần thì bố cứ để đó sau giờ làm Vân sẽ giải quyết.

Một hai lần gọi con dâu không được, bố chồng Vân đổi thái độ, cho Vân ra rìa luôn. Ông quy kết Vân lười biếng, vô trách nhiệm nên bịa ra là mình bận rộn chứ kỳ thực Vân chỉ là “nhãi nhép” ở cơ quan, vắng Vân cũng có sao đâu. Rồi ông đem Vân ra so sánh với các chị, em dâu. “Chúng nói tiền kiếm vài chục triệu mỗi tháng mà bố gọi phút trước, phút sau đã có mặt”. Vân bị mắng oan nhưng chán chẳng buồn thanh minh. Cô chỉ lặng im trước cơn giận dữ của bố chồng. Chị em dâu cô làm tự do, lại còn là bà chủ thì đúng là muốn đi lúc nào chẳng được, đâu có như cô, phận làm công ăn lương.

Giờ thì Vân đã chính thức bị đưa ra ngoài “tầm mắt” của bố chồng. Nhớ con, nhớ cháu thì bố chồng sẽ gọi trực tiếp cho con trai và các con của Vân, hẹn hò này nọ. Còn Vân, ông cho rằng muốn đến thì đến, không thì thôi, ông cũng không cần. Thậm chí, Vân có sang nhà thì bố chồng cũng coi như cô vô hình, chẳng buồn hỏi han gì.

Tối nay cũng vậy, chồng Vân nhắn tin báo là không ăn cơm nhà. Vân biết là ông gọi chồng Vân sang ăn và “lấy phần cỗ về cho các cháu”. Chồng Vân ở lại ăn với bố xong xách về một cặp lồng đựng thức ăn. Tuy nhiên, trong cặp lồng cũng chỉ đủ đồ cho hai con cô ăn còn không có suất của Vân. Mấy chuyện này, chồng Vân vô tâm không để ý, nhưng Vân thì biết hết. Chính vì thế, cứ mỗi lần nghĩ về bố chồng, là Vân lại thấy tủi thân cho phận “con ghét” của mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.