Cưới mùa dịch An toàn là trên hết!

Chia sẻ

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19, việc thực hiện việc cưới được người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung tự giác điều chỉnh theo hướng văn minh, an toàn.

Từ đầu năm đến nay, hàng nghìn đám cưới trên địa bàn TP Hà Nội được tổ chức theo hướng văn minh, đơn giản, lùi, hoãn thời gian tổ chức. Điều đó cho thấy, ý thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang được nâng cao. Các đôi trẻ cần làm gì để có một đám cưới hạnh phúc, vui vẻ nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19? Tuần san Đời sống & Gia đình có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn về vấn đề này.

Đám cưới là một trong những sự kiện trọng đại và ý nghĩa của cả đời người, mọi thủ tục cưới hỏi theo phong tục của Việt Nam từ Bắc chí Nam đều được chuẩn bị và tiến hành một cách khá chu đáo, nghiêm ngặt và mang tính truyền thống, được duy trì bao đời nay. Điều đó thể hiện điều gì, thưa ông?

Từ xa xưa, lễ cưới là một phong tục truyền thống đặc biệt, mở đầu cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc của cặp uyên ương về sau. Đây là dịp để dòng họ nhà trai, nhà gái cùng người thân, bạn bè chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Ở nhiều vùng miền, phong tục cưới hỏi như một nghi lễ quan trọng để xã hội công nhận cuộc hôn nhân. Đặc biệt, lễ cưới trong lịch sử văn hoá Á Đông còn mang thông điệp rất quan trọng là mong điều tốt lành, bình an và chúc phúc cho các cặp đôi trẻ từ người thân, bạn bè.

Nếu giấy đăng ký kết hôn là cơ sở hợp pháp mở đầu cho sự gắn bó của các cặp đôi trẻ thì lễ cưới sẽ chứng minh cho sự chín muồi của tình yêu, trách nhiệm và trưởng thành của mỗi cá nhân. Qua đó, khẳng định lại lần nữa sự gắn kết của các cặp cô dâu-chú rể được xây dựng trên nền tảng tình yêu, hạnh phúc. Lễ cưới là dịp để người thân, bạn bè sắp xếp thời gian đến chúc mừng cho đôi trẻ. Đây cũng là cơ hội để cô dâu, chú rể dành lời tri ân đến họ - những người đã chứng kiến và chúc phúc cho mình. Tiệc cưới thường được tổ chức chu đáo, trang trọng, linh đình. Nhiều gia đình dù nghèo nhưng vẫn cố tổ chức “cưới to” cho “bằng anh bằng em”.

Để hoàn thành lễ cưới, cô dâu chú rể cần thực hiện nhiều nghi thức gồm: lễ chạm ngõ, ăn hỏi, đính hôn, vấn danh, nạp tài, xin dâu, đón dâu, hợp cẩn, báo hỷ, tổ chức tiệc cưới, lại mặt… Mỗi nghi thức có một ý nghĩa riêng biệt nhưng đều mong muốn mang lại may mắn, hạnh phúc cho đôi uyên ương. Ngày nay, theo thời gian, lễ cưới hiện đại không còn khắt khe với nhiều phong tục, nghi thức phức tạp như trước, nhưng vẫn không mất đi giá trị, ý nghĩa cốt yếu của một buổi lễ cần có.

Chuyên gia tâm lý Đinh ĐoànChuyên gia tâm lý Đinh Đoàn

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều gia đình tổ chức đám cưới cho con bằng hình thức online hoặc tiết giảm, gọn nhẹ. Sự thay đổi này có tác động gì đến hạnh phúc của các cặp đôi không, thưa ông?

Đúng là dịch bệnh Covid-19 tác động tới mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trong đó có việc tổ chức đám cưới của các cặp đôi. Đám cưới tổ chức rình rang, đông vui thì đi ngược lại với những quy định của Chính phủ về giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh, nên nhiều người phải tính toán, cân nhắc rất kỹ.

Với những đôi còn trẻ có dự định cưới năm nay nếu không tổ chức được có thể hoãn lại sang năm sau. Hai gia đình thông gia có thể bàn bạc, thống nhất hoãn cưới, chờ dịp an toàn hơn. Với những cặp đôi đã lớn tuổi, lại từng chung sống trước hôn nhân, hoặc “bác sỹ bảo cưới”, hoặc có đôi kinh tế khó khăn thì dịp Covid-19 này có thể làm đám cưới tối giản, mời ít khách, chủ yếu trong phạm vi gia đình, còn bạn bè, khách khác có thể nhận giấy “báo hỉ” trên mạng xã hội. “Căng” nhất là có đôi năm nay không cưới thì sang năm lại phạm tuổi “kim lâu” nên không cưới được. Những đôi vướng phải chuyện này cần được gia đình, người thân thống nhất, bàn bạc thật kỹ…

Trong thời điểm giãn cách xã hội và dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, các gia đình cần làm gì để đôi trẻ có một đám cưới vui vẻ, nhưng không kém phần ý nghĩa?

Thời gian vừa qua, không riêng gì ở nước ta mà trên thế giới, có nhiều cặp đôi phải hoãn cưới, cưới online, cưới… chạy Covid. Thương nhất là cô dâu. Cảm giác quan trọng “đời người chỉ có một lần” vốn đã hồi hộp, nay càng thêm nơm nớp, thấp thỏm, đan xen vào chút bối rối, tủi thân… Các đám cưới mùa dịch Covid ngập ngàn nỗi lo âu về việc nhỡ đến sát ngày cưới rồi lại có lệnh “phong toả” hay “giãn cách”, “cách ly” đột ngột nào đó. Bao nhiêu điều trăn trở, khiến không chỉ đôi trẻ mà còn gia đình thông gia đứng ngồi không yên.

Khi quyết tâm đến với nhau, điều quan trọng nhất của đôi trẻ là tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành cùng nhau trong hành trình cưới xin, và cả chia sẻ sau này. Việc thực hiện thủ tục pháp lý cần thiết để được công nhận vợ chồng hợp pháp là ưu tiên hàng đầu. Đám cưới chỉ còn có ý nghĩa là “lễ công bố”, có thể làm sau, thậm chí có đôi làm đám cưới sau gần 1 năm chung sống và cô dâu đã sắp có em bé. Nghi lễ chỉ phản ánh một phần, hạnh phúc hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu, sự cảm thông, thấu hiểu, văn minh. Vợ chồng về ở với nhau bình thường đã có nhiều lo toan, dành dụm, thời dịch bệnh càng gồng gánh nhiều khó khăn, trắc trở. Chuẩn bị tâm lý ứng phó là điều mà các cặp đôi cần có. Các cặp đôi cần cân nhắc, chủ động dự trù một hai phương án thay đổi, nếu chẳng may gặp “sự cố”, đồng thời đảm bảo “an toàn là trên hết”. Việc chấp hành các quy định của Chính phủ hay địa phương để phòng chống dịch được ưu tiên lên đầu. Đám cưới đang diễn ra mà bị đoàn cán bộ liên ngành đến kiểm tra, lập biên bản thì... mất vui. Hoặc sau đám cưới mấy hôm, gia đình trở thành “ổ dịch” mới với nhiều F0, F1, F2… lại càng thêm bất an, lo lắng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khách khứa sẽ hiểu và ít ai trách cứ. Quan trọng nhất là đừng quá nặng nề, câu nệ. Cứ để ngày vui lứa đôi đến tự nhiên, thuận theo chữ duyên vừa văn minh, hợp pháp vừa bảo vệ mình và cộng đồng... Một số nghi lễ có thể bỏ bớt, hoặc làm gộp cho đơn giản. Ví dụ, ngày ăn hỏi cũng là ngày thảo luận và chốt ngày đám cưới, bỏ bớt thủ tục “xin dâu”, trao quà của đôi bên bố mẹ, anh chị em, người thân... Trong đám cưới mà không có đông khách thì không cần thiết phải mời MC, hát hò, loa đài ầm ĩ, phát biểu dài dòng… Các gia đình tổ chức cưới nên hạn chế tụ tập đông người quá quy định và không kéo dài thời gian không cần thiết.

Mọi hoạt động trong đám cưới có thể được ghi hình, chụp ảnh, làm clip lưu lại làm kỷ niệm cũng như công bố cho bạn bè, người thân được biết về sau.

Ông có lời khuyên nào cho các cặp vợ chồng trẻ khi bước vào cuộc sống hôn nhân, cách giữ gìn hạnh phúc gia đình trẻ trong thời điểm như hiện nay?

Với các đôi vợ chồng trẻ, quyết định làm đám cưới mùa dịch cũng khẳng định tình yêu sâu sắc của họ. Cưới mùa dịch sẽ là “kỷ niệm đáng nhớ”, sau này có dịp nhắc lại cho con cháu biết cái ngày trọng đại của bố mẹ đã được tổ chức như thế nào. Tuy nhiên, các đôi uyên ương sẽ vấp phải một số vấn đề ngay từ những ngày đầu chung sống như: không có du lịch tuần trăng mật, không đi đâu chơi xa, làm việc tại nhà hoặc ngày làm, ngày nghỉ theo quy định của cơ quan, sẽ cả ngày ra vào gặp nhau, nấu ăn… dễ bị các thành viên khác trong gia đình “soi” kỹ hơn. Nghỉ dịch Covid cũng đồng nghĩa với mất việc, thu nhập giảm, cắt giảm chi tiêu, ăn uống tiết kiệm, không cà phê, trà sữa, chỉ có ngày hai, ba bữa cơm “an toàn”, giống thời bao cấp cách đây mấy chục năm. Do đó, vợ chồng trẻ cần chung sức, chung lòng vượt qua giai đoạn khó khăn đầu tiên này.

Vợ chồng trẻ hãy dành thời gian cùng nhau đọc sách, tìm hiểu cách mang thai, dưỡng thai, nuôi con hay nâng cao đời sống sinh hoạt vợ chồng; cùng nhau nghĩ cách kiếm tiền mới. Biết đâu “cái khó ló cái khôn”, sau khi hết dịch, hai vợ chồng có được chỗ làm mới, khởi nghiệp một hoạt động kinh doanh mới để cuộc sống gia đình ngày càng ấm no hơn, hạnh phúc hơn.

Hoãn cưới, dời lịch cưới hay cưới online, cưới tiết giảm, thu nhỏ trong gia đình… là việc làm thiết thực và ý nghĩa của người dân trong việc chung tay, đồng thuận cùng chính quyền để đẩy lùi đại dịch Covid-19. Những hành động này cần tiếp tục lan toả mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt, nguy hiểm hơn trước đây. Phòng chống dịch không phải là việc riêng của cả hệ thống chính trị mà cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là sự chung tay của toàn thể nhân dân với tinh thần “người người chống dịch, nhà nhà chống dịch”.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh An (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.