Đã chia tài sản chung, nếu chồng/vợ mất thì có được hưởng di sản thừa kế?
(PNTĐ) - Vợ chồng tôi đã ly thân nhưng không ly hôn và thỏa thuận chia toàn bộ tài sản chung của vợ chồng.
Câu hỏi:
Vợ chồng tôi đã ly thân nhưng không ly hôn và thỏa thuận chia toàn bộ tài sản chung của vợ chồng. Việc thỏa thuận chia tài sản chung đã được lập thành văn bản và công chứng theo quy định của pháp luật.
Vừa rồi chồng tôi đột ngột qua đời. Anh chị em ruột của chồng quản lý hết toàn bộ số tài sản của chồng tôi và thông báo mẹ con tôi sẽ không được hưởng di sản của chồng tôi để lại. Tôi xin hỏi, chồng tôi chết không để lại di chúc thì tôi có được hưởng di sản thừa kế mà chồng tôi để lại không?
Vũ Thị Vân (Hoàng Mai, Hà Nội)
Trả lời:
- Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau:
" 1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này".
- Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về việc giải quyết tài sản của vợ/chồng khi người đó chết như sau:
“1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế”.
- Điều 655 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
2. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản”.
- Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, tuy hai vợ chồng đã chia tài sản chung nhưng vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân nên khi chồng chết, người vợ vẫn được hưởng một phần trong khối di sản mà chồng để lại. Nhưng do người chồng chết không để lại di chúc nên khối di sản của người chồng sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, gồm có: Vợ và các con, cha mẹ đẻ của người chồng (nếu còn sống). Do đó, người vợ có quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi của nếu anh chị em ruột của chồng chiếm đoạt tài sản.