Đàn bà đoảng

Trần Ngọc Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Từ ngày đi lấy chồng, Thanh đã bị mẹ chồng “dán mác” là đàn bà đoảng. Ấy là theo đánh giá của mẹ chồng, cô chưa làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình.

Bố mẹ chồng Loan sinh được 3 con trai. Cả nhà nhìn đâu cũng thấy toàn đàn ông, cho tới khi có thêm cô trở thành người phụ nữ thứ 2 trong nhà. Từ hồi còn yêu nhau, cô đã thấy khâm phục mẹ chồng vì suốt ngày bà chỉ lo phục vụ chồng con. Bố chồng Thanh, vốn là người đàn ông có tính gia trưởng “bẩm sinh”, lúc nào cũng coi việc nhà là của phụ nữ. Bao năm qua, chưa bao giờ Thanh thấy bố chồng tự tay rửa dù chỉ là cái chén uống trà của chính mình. Giả sử mẹ chồng cô có đi vắng vài ngày, thì cái chén trà sau khi được bố chồng cô dùng vẫn sẽ nằm nguyên trên khay, cho tới khi nó khô cạn nước và chỉ còn đọng lại cặn trà vàng khè dưới đáy.

Thế nhưng, mẹ chồng Thanh dường như cũng là người sinh ra với suy nghĩ đàn bà là để phục tùng đàn ông. Một ngày, bà nấu đủ 3 bữa cơm cho chồng con, rồi còn lo làm một tỷ thứ việc không tên khác. Những người đàn ông ăn cơm xong, dù sức dài vai rộng nhưng không ai chạm tay bê mâm cơm xuống chỗ rửa, chưa nói đến việc cầm lấy chiếc giẻ rửa bát và rửa chúng. Lại là mẹ chồng Thanh cung cúc dọn rửa. Quần áo bà giặt xong phơi trên dây, ngay cả khi trời có sắp đổ mưa to làm ướt quần áo, thì những người đàn ông cũng vẫn bình thản nằm dài trên ghế xem tivi vì nghĩ cất quần áo không phải việc của mình. Cái lần theo người yêu về nhà chơi, Thanh đã tròn xoe mắt khi thấy mẹ người yêu vừa tất bật canh chảo cá rán không bị cháy, vừa vội vã chạy quần áo dưới trời mưa. Khi quần áo bị ướt, bà lại lụi cụi ngồi là lượt cho khô vì tiếc công cả sáng vừa giặt chúng sạch sẽ.

Đàn bà đoảng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đó là chưa kể việc bố chồng cô còn suốt ngày sai vặt bà. Ông cần uống nước cũng gọi bà lấy. Muốn tắt cái tivi cũng gọi bà mang điều khiển đến dù điều khiển nằm ngay tầm với của ông. Ngay cả các con trai của ông bà cũng vậy, trong bữa cơm, nếu không may thiếu cái thìa, cái đĩa, hay là cần thêm chút nước mắm thì bao giờ người đứng dậy đi lấy cũng là người phụ nữ duy nhất ở trong nhà. Còn các anh con trai thì cứ vô tư ngồi nhận sự phục vụ tới tận chân răng từ mẹ.

Và hình như cũng vì phải làm nhiều việc không tên quá, nên mẹ chồng Thanh cứ gầy gò, chả bao giờ bà nặng quá 45kg.

Hồi còn yêu, Thanh đã từng hơi chờn lại nhưng rồi cô nghĩ, mình có thể cải tạo được chồng mình cũng như đem lại luồng gió mới bình đẳng hơn, tiến bộ hơn vào nhà chồng. Cô tin rằng chồng cô là thanh niên của thời đại mới, sẽ không bị định kiến đè nặng. Chẳng qua, do từ nhỏ anh đã được lớn lên trong môi trường gia đình có mẹ là “ôsin không công” nên mới như vậy.

Rồi Thanh và chồng làm đám cưới. Sau đó, hai người dọn ra ở một căn hộ tập thể nhỏ sát bên cạnh do bố mẹ chồng cô mua từ trước. Tuy nhiên, ngay sau cưới, bố chồng cô đã bảo, chẳng qua là nhà đang ở bị chật nên ông cho vợ chồng cô ở bên nhà đó thôi chứ tuyệt đối không phải ở riêng. Ông còn nói, cho tới khi ông bà quy tiên thì không có chuyện các con được hưởng “độc lập, tự do”.

Đàn bà đoảng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Quả nhiên, Thanh đúng là chả có tí chủ quyền nào trong nơi mà được cho là nhà mình. Bố mẹ chồng suốt ngày sang nhà cô để tìm hiểu xem vợ chồng cô sống ra sao. Thanh làm ở ngân hàng, lĩnh vực mà giờ giấc phải cực kỳ chuẩn chỉ vì không thể để khách hàng đợi được. Vì thế, cô không rảnh rang để mà đi chợ mỗi ngày như mẹ chồng hay cứ 5h chiều là bật bếp thổi cơm để 6h chiều là vợ chồng cùng ăn. Thanh thường chỉ có mặt ở nhà lúc gần 7h tối nên cô hay đi chợ cho cả tuần, rồi chia thức ăn theo ngày bỏ vào tủ đá. Vậy mà lắm khi bận việc, về nhà rồi cũng chả kịp nấu cơm, cô lại đành nấu tạm hai bát mỳ trứng cho mình và chồng. 
Chồng cô được cái không kêu ca, phàn nàn gì vì anh cũng có giúp được gì cho cô đâu. Anh đi làm ngay gần nhà, cứ 5h là tắt máy tính, rồi đi làm một chầu bóng bàn rèn luyện sức khỏe và về nhà… đợi cơm. Thanh thấy chồng có thể hỗ trợ mình nấu cơm nên đã nhờ anh làm. Không ngờ, khi ý tưởng đó chỉ vừa mới lóe lên thì mẹ chồng cô lại ra tay ngăn lại. Bà bảo Thanh: “Con đúng là đàn bà đoảng. Đàn bà có nết không ai bỏ bê việc nhà rồi nhờ chồng làm cho”. Và thế là cái tên “đàn bà đoảng” gắn với Thanh từ đó.

Mỗi lần sang thấy nhà cửa chưa thực sự gọn, mẹ chồng Thanh cũng lôi cái sự “đoảng vị” của cô ra để lý giải. Bà không cần biết cô cũng phải đi làm, hôm trước còn phải thức đêm để hoàn tất thủ tục giấy tờ cho cơ quan ra sao. Khi Thanh có con, mỗi lần thấy cháu khóc, cháu ốm, bà cũng lại bảo Thanh đoảng, chẳng khéo nuôi con. “Làm mẹ thì phải biết chăm sóc, nuôi con khỏe mạnh, dạy bảo con nên người”. Cấm có bao giờ Thanh nghe mẹ nhắc tới vai trò làm bố của chồng Thanh.

Cũng vì có mẹ bảo kê nên chồng Thanh lần lữa chẳng chịu thay đổi. Anh cũng vẫn giữ thói nằm dài đợi cơm, vợ giục mới đi tắm, cái tất bẩn tháo ra vứt toẹt xuống sàn nhà mà chẳng buồn cho vào máy giặt. Con khóc thì í éo gọi vợ ra dỗ dù vợ đang ở trong bếp. Thanh nói mãi mà chồng không thay đổi làm cô cũng chán nản theo. Còn mẹ chồng thì cứ suốt ngày “con làm vợ thì phải thế này, làm mẹ thì phải thế kia”, “làm vợ thì cấm được sai bảo chồng”, “đàn ông sinh ra là để làm việc lớn chứ không phải mấy việc lặt vặt trong nhà”.

Đàn bà đoảng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Cách đây 6 tháng, chồng Thanh không may bị công ty cho ở nhà, đợi xếp việc mới. Vì thế, gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai Thanh. Tình thế buộc Thanh phải ngược xuôi, nhận tư vấn tài chính cho một công ty khác nữa. Thanh cứ nghĩ lúc này mẹ chồng sẽ hiểu và thương cô hơn. Nào ngờ, bà lại bảo: “Đàn ông cũng có lúc này lúc nọ, chứ chẳng ai nắm tay được từ sáng tới tối. Chồng con thất nghiệp nhưng nó vẫn đang chờ thời. Đàn bà đừng nghĩ làm được tí tiền mà kênh kiệu”. Quan trọng hơn, bà lại cho rằng, ngày trước, chồng Thanh đi làm có tiền còn bây giờ, anh không có việc cũng là dịp để cô biết quý trọng công sức của chồng trước đây hơn. Hóa ra, chỉ có Thanh là phải nhớ tới đóng góp của chồng, còn chồng cô và mẹ chồng cô thì không cần nhớ tới những hy sinh cô dành cho gia đình hay sao?

Thế rồi, cũng đến lúc không thể gắng gượng được cả việc nước, việc nhà nữa, Thanh đề nghị chồng đằng nào cũng ở nhà thì giúp cô lo đón con, dọn dẹp nhà cửa, cắm cơm, nấu các món đơn giản. Lại một lần nữa, mẹ chồng cô can thiệp, không đồng ý để con trai bà giúp vợ. Bà còn bảo: “Đàn bà có nết thì phải biết thông cảm cho chồng, động viên chồng trong lúc gặp khó khăn chứ không phải lợi dụng chồng để đùn việc”. Mỗi khi Thanh bận việc phải về muộn, bà liền kéo hai bố con sang nhà mình ăn cơm bà nấu, mà cũng không hỏi xem Thanh sẽ ăn uống ra sao. Bà chỉ cần biết con trai bà không phải làm việc nhà, không phải giúp vợ là được.
Thanh cứ nghĩ mãi, tại sao, vẫn có những người phụ nữ thời nay sống với định kiến như vậy. Đã thế, họ còn gán cho những người phụ nữ khác là đoảng vị chỉ vì không phục vụ cánh đàn ông chu đáo. Khi chính phụ nữ còn thế thì làm sao có thể thực hiện bình đẳng giới được?

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

(PNTĐ) - Là một phụ nữ mang trong mình những đam mê cháy bỏng, cùng kiến thức rộng lớn về các loại cỏ cây hoa lá, Thu Hiền Nguyễn đã phác họa nên “Hoa 10 Giờ” - tiệm hoa tươi phong cách cổ điển đầu tiên tại Việt Nam bằng tất cả niềm đam mê, nỗ lực và một tâm hồn hướng thiện.
Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, không ít sự việc trẻ em bị xâm hại tình dục hay quan hệ tình dục sớm, dẫn đến mang bầu, sinh con ở lứa tuổi còn rất nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Để hạn chế vấn đề này, cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con ngay từ khi còn nhỏ. Đây là yếu tố rất quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ.