Đàn mưa con

Thái Dũng
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bài thơ “Đàn mưa con!” của nhà giáo, nhà thơ Phi Tuyết Ba (1946 - Hà Nội) ngợi ca tình mẫu tử, sự hy sinh, dâng hiến của người phụ nữ, của người mẹ thiên nhiên thông qua những hình ảnh sinh động về mưa trong vũ trụ bao la.

Đám mây đen trĩu nặng
Cúi người xuống thấp dần
Cho đến khi rạn vỡ
Sinh ra triệu đứa con

Đàn mưa con bé tí
Trong trẻo như giọt sương
Vừa mới rời xa mẹ
Đã can đảm xuống đường

Giọt đậu vào cành khế
Giọt thấm xuống cánh đồng
Giọt bay trên mái phố
Nhảy dù xuống dòng sông

Sau nhiều ngày trôi nổi
Đi du lịch khắp nơi
Chúng gặp nhau ở biển
Làm sóng trắng trùng khơi.

                                    Phi Tuyết Ba

Đàn mưa con - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH:
Bài thơ “Đàn mưa con!” của nhà giáo, nhà thơ Phi Tuyết Ba (1946 - Hà Nội) ngợi ca tình mẫu tử, sự hy sinh, dâng hiến của người phụ nữ, của người mẹ thiên nhiên thông qua những hình ảnh sinh động về mưa trong vũ trụ bao la. Nhan đề của bài gợi những suy ngẫm thú vị. Từ sự quan sát xung quanh và trải nghiệm của đời mình, nữ sĩ mở đầu bằng những lời thơ tự sự miêu tả cơn mưa: "Đám mây đen trĩu nặng/ Cúi mình xuống thấp dần/ Cho đến khi rạn vỡ/ Sinh ra triệu đứa con". Cách nhìn cảnh vật trìu mến, dùng nghệ thuật nhân hoá, nữ sĩ  tả cơn mưa trong không gian rất có hồn. Đám mây cũng biết hành động "cúi mình xuống thấp" như bao người mẹ cần mẫn gập mình trên ruộng nương làm ra của cải nuôi sống gia đình, góp phần nuôi sống xã hội. Hình ảnh "Đám mây đen trĩu nặng" còn gợi liên tưởng về một phụ nữ mang thai đã sắp đến ngày khai hoa nở nhụy - người ấy được nữ thi sĩ Đimitrova (Bun - ga - ri) vô cùng kính cẩn, ngưỡng mộ gọi là "người mang trên mình cả một nửa trái đất".  Khi đã nuôi trong mình mầm sống, tình yêu thương  người mẹ dành cho đứa con luôn tỷ lệ thuận với sự vất vả. Thời gian đó không phải một tuần hay một tháng mà là chín tháng mười ngày: "Chín tháng như chín năm gian khó tính khôn cùng" (Mẹ yêu con - Nguyễn Văn Tý). Song hành với thời gian, sinh linh trong mẹ mỗi ngày một lớn lên không ngừng cho đến khi rạn vỡ để  bé được chào đời. Tác giả hân hoan và thích thú tái hiện cảnh vô số đứa con - mưa chào đời với ngôn từ gợi tả, gợi cảm qua những hình ảnh đẹp.  Trong khi người mẹ của chúng ta thường chỉ sinh một em bé đã muôn phần vất vả. Còn ở đây mẹ thiên nhiên sinh ra cả triệu đứa con và hơn thế. Những "đứa con hạt mưa" nhỏ xinh, đáng yêu, can đảm vô cùng khi vừa rời xa mẹ. Tuy nhỏ bé nhưng hạt mưa không hề sợ hãi: "Đàn mưa con bé tí/ Trong trẻo như giọt sương/ Vừa mới rời xa mẹ/ Đã can đảm xuống đường". Đây là đoạn thơ hay nhất trong bài. Mưa giờ đây không còn là vật vô tri vô giác nữa, mưa đã được thổi hồn để có những phẩm chất của con người. Can đảm là thuộc tính chỉ sức mạnh tinh thần, không sợ hãi nguy hiểm, khổ đau, không lùi bước trước khó khăn thử thách. Thái độ trân trọng và tràn đầy tin yêu của người làm mẹ giúp nhà thơ phát hiện ra sức mạnh tiềm ẩn của mưa, sự tương đồng độc đáo giữa đám mây và mẹ, hạt mưa và đứa con. Nhờ đó, tứ thơ của bài thật mới lạ, thú vị. Càng hấp dẫn hơn khi cả triệu đứa con - giọt mưa ấy đều ngoan ngoãn, tự giác, biết sống có ích, sẵn sàng dâng hiến, tưới tắm đáp ứng nhu cầu, đem lại mát lành cho muôn loài: "Giọt đậu vào cành khế/ Giọt thấm xuống cánh đồng/ Giọt bay trên mái phố/ Nhảy dù xuống dòng sông". Nghệ thuật liệt kê cùng với điệp từ "giọt" (3 lần) tác giả tái hiện rất sinh động nơi những đứa con - giọt mưa ấy đậu, thấm, bay nhảy tới điểm đến cành khế, cánh đồng, mái phố, dòng sông...  Tất cả những nơi khô hạn, nóng bức cần đến là hàng triệu triệu  đứa con - giọt mưa tìm đến, đem lại mát lành, sự sống, niềm vui, hạnh phúc, ấm no cho vạn vật. Và khi đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng tối thượng đó, những đứa con ấy lại trải qua hành trình vượt suối băng sông để rồi hội tụ bên nhau, lại lặp lại quá trình tuần hoàn muôn thuở: "Sau nhiều ngày trôi nổi/ Đi du lịch khắp nơi/ Chúng gặp nhau ở biển/ Làm sóng trắng trùng khơi!". Ngôn ngữ thơ của bài dung dị, đậm tính triết lý, liên tưởng  và khái quát. Tác giả dùng từ "du lịch" thật đắc địa, chỉ cuộc chơi của mưa đến những nơi xa. Có đi xa mới hiểu biết thêm về phong cảnh, con người, cuộc sống để khám phá và cũng để phục vụ, cuối cùng lại  gặp nhau ở biển lớn "Làm sóng trắng trùng khơi!" 
Từ theo dõi, phản ánh quá trình biến chuyển và sự vượt thoát ngoạn mục của đàn mưa con trong nhân gian - nhà thơ đã khái quát lên một triết lý nhân sinh sâu xa về cuộc đời. Đó chính là những đứa trẻ - hạt mưa, khi chúng biết rời xa bà mẹ thiên nhiên để đi khắp nơi, và cuối cùng được ra với biển lớn, để rồi một ngày chúng được gặp nhau và hoá thân thành những cơn sóng trắng giữa trùng khơi!  Với những giá trị thẩm mỹ  nhân văn sâu sắc, bài thơ “Đàn mưa con” của nhà thơ Phi Tuyết Ba đã được đưa vào sách Tiếng Việt lớp 2, tập I (Bộ sách Tri thức với cuộc sống)

 

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.