Đàn ông “bỉm sữa” có gì lạ?

Chia sẻ

Lâu nay, nhiều người vẫn luôn mặc định người bố gắn với việc kiếm tiền, “xây nhà”, còn người mẹ mang trách nhiệm vun vén gia đình, chăm sóc, giáo dục con cái. Thế nhưng, hiện nay hình ảnh các ông bố chăm con, nấu cơm... ngày càng phổ biến.

Theo các chuyên gia giáo dục, đây là sự tích cực bởi việc chăm sóc, giáo dục từ phía người bố rất quan trọng đối với con trẻ.

Không còn là hiếm!

Một buổi sáng cuối tuần tại một trung tâm tiêm chủng lớn của Hà Nội. Đây luôn là thời điểm rất đông khách, và cũng là lúc dễ dàng nhận thấy được nhất sự chăm sóc của các ông bố, bà mẹ cho con cái của mình.

Một nữ nhân viên y tế tại đây cho biết, phần lớn các gia đình đưa con đến tiêm là gia đình trẻ. Những em bé còn rất nhỏ khi đến tiêm chủng thường hay khóc, quấy, không chịu ngồi yên, khiến người lớn luôn phải tìm cách dỗ dành. “Tôi ấn tượng bởi sự quan tâm của các ông bố trẻ đến con mình. Thay vì để vợ xoay sở hết, từ giữ con lúc tiêm, đễn dỗ con khỏi quấy, cho con ăn… thì nay các ông bố đã biết bỏ điện thoại xuống, chủ động gánh vác với vợ. Có gia đình mang 2 em bé sinh đôi đi tiêm, bố đều là người bế con tiêm, dỗ con, bé này xong là đến bé kia, rất khéo, mẹ chỉ việc ngồi chờ. Có ông bố còn chăm hộ con của nhà khác khi thấy mẹ cháu bé vất vả quá… Đó là một sự thay đổi rất tích cực mà chúng ta nên lan tỏa”, nữ nhân viên này chia sẻ.

Không chỉ trong đời thường, mạng xã hội cũng từng không ít lần sôi nổi hẳn bởi những ông bố nổi tiếng không ngần ngại khoe hình ảnh mình dành thời gian chơi với con, chăm con. Không quần là áo lượt, không phải phong thái bảnh bao như thường thấy trên báo chí, tivi, họ “lộ ra” cảnh quần áo xộc xệch vì bận rộn, nhưng hạnh phúc vì được bế con, chăm con, được con đòi ôm ấp và thể hiện tình yêu thương với mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Điển hình như “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng. Là nhân vật truyền hình nổi tiếng, bên cạnh việc được khán giả yêu mến, anh còn được dân mạng theo dõi và ngưỡng mộ vì là một người chồng, người cha vui tính và yêu con. Nhiều quan điểm được anh đưa ra rất dí dỏm nhưng sâu sắc, có thể kể đến như, khi dân mạng hỏi: “Anh có bị vợ bắt bế con không?”, anh không ngần ngại đáp lại: “Sao lại là bắt, giời ôi, chỉ mấy năm nữa là không được bế ấy chứ! Một là vì nó nặng rồi, hai là nó không cho bế nữa”.

Nếu với con trai đầu lòng đang học lớp 2, anh có những bài học cho con dễ hiểu về cuộc sống thì với cô con gái út mới 2 tuổi, nam MC bày tỏ: “Có con gái vẫn khác bọt lắm các ông ạ. Đi làm về mệt đến mấy, có vài phút vắt “cục pin” này lên vai là lại thấy năng lượng tràn đầy”. Khi công khai hình ảnh con gái đầy tháng, anh chia sẻ: “Sau 5 năm, mình lại quay lại cuộc sống của một ông bố bỉm sữa. Được cái là bản lĩnh hơn, không sợ cuống cuồng mỗi khi con khóc như lần đầu nữa và cũng bớt được bao nhiêu những lo lắng rườm rà. Bù lại thì tình yêu dành cho con đã có sẵn, không phải phát triển dần dần như với thằng cả”. Có thể nhận thấy, một người bố luôn chủ động dành thời gian bên con, là người bạn của con sẽ khiến cuộc sống gia đình vui vẻ hơn biết bao!

Thật vậy, có thể thấy, việc chia sẻ trách nhiệm đồng đều giữa cha và mẹ đang dần trở thành xu hướng nuôi dạy con được quan tâm. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra ngày càng nhiều người cha mong muốn được có mặt và chủ động trong hành trình nuôi dạy con cái, thay vì giao phó phần lớn cho người mẹ. Có con, được chăm con, với nhiều ông bố, không chỉ là hạnh phúc làm cha, mà còn là san sẻ trách nhiệm gia đình với vợ. Mới đây, anh Nguyễn Trần Trung Sơn, một kiến trúc sư 30 tuổi đã khiến mọi người trầm trồ khi sáng tạo ra “Giấy khen tốt nghiệp khóa ăn dặm” để tặng cho con gái nhỏ của mình. Ý tưởng này đến với anh rất tình cờ, sau một thời gian dài hai vợ chồng cùng “huấn luyện” con gái vào nếp ăn dặm và cô bé đã thành công. Phần thưởng “Giấy khen” ấy vừa là trao cho con gái, cũng chính là thừa nhận sự cố gắng của cả hai vợ chồng. Vợ anh Sơn, chị Đoàn Lê Ái Tiên chia sẻ, chị luôn có sự đồng hành của chồng trên hành trình chăm con. Chị Tiên cho biết thêm từ lúc chị mang thai, anh Sơn nhận thêm dự án về nhà làm, thường phụ vợ việc nhà, luôn bên cạnh và chăm sóc vợ chu đáo. “Chồng tôi chưa bao giờ để mình phải thức đêm chăm con một mình, nửa đêm mình dậy hút sữa thì cũng dậy phụ mình, thay bỉm cho con, dù sáng mai anh ấy phải dậy sớm đi làm”, chị Tiên nói về người chồng tặng giấy khen “tốt nghiệp khoá ăn dặm” cho con gái.

Bên con, cha mẹ lớn lên

Thực tế, việc chăm con đối với người cha vẫn còn gặp nhiều khó khăn hơn là với người mẹ. Chị Nguyễn Thị Thu – tác giả, dịch giả nhiều cuốn sách nổi tiếng về dạy con phân tích: Đầu tiên là khó khăn về mặt dư luận xã hội. Hầu hết các gia đình Việt hiện nay gặp phải một tình trạng chung là, công việc chăm sóc con cái dường như giao phó hết cho người mẹ. Trong khi bố chỉ đóng vai trò nhỏ phụ việc mỗi khi mẹ bận bịu. Quan điểm trên giờ cũng đã ít nhiều thay đổi. Hơn nữa, dẫu sao đó cũng chỉ là dư luận, điều quyết định vẫn là sự lựa chọn của ông bố. Một nguyên nhân khác là người bố rất yêu con nhưng do đặc tính giới mà nhiều đàn ông không dễ có những hành động ôm ấp, cưng nựng, nói lời yêu con. Hai điều này dẫn tới sự kết nối, gần gũi về mặt tâm lý với con có thể không thuận lợi như người mẹ. Và điều nữa, khác với bà mẹ, các ông bố rất ít khi được dạy... làm bố và nuôi dạy con.
Sự thực, các ông bố luôn tràn đầy lo lắng khi đảm nhiệm vai trò lớn lao là “chăm con”. Theo một khảo sát trên group (nhóm) “Tiệm sửa chữa cha mẹ” với hàng chục nghìn thành viên tham gia, có rất nhiều nỗi lo được các ông bố liệt kê như: Lo không có nhiều thời gian chơi và dạy con vì bận đi làm/ lệch giờ sinh hoạt; lo sức khỏe của con vì nhiều mối nguy từ môi trường sống; lo giáo dục con theo từng độ tuổi vì xã hội liên tục phát triển; thậm chí lo cho sự phát triển EQ, sự tự tin của con theo độ tuổi do giai đoạn giãn cách vì dịch, con bị ảnh hưởng bởi hạn chế tiếp xúc… “Chỉ là các bố không nói ra thôi, chứ cũng tâm tư, lo lắng gần bằng các mẹ đấy”, một ông bố tham gia khảo sát bình luận.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Để khắc phục những hạn chế trên, cần có sự phối hợp hoàn hảo vai trò giữa cha và mẹ trong giáo dục con cái, thay vì chỉ dồn trọng trách lên người phụ nữ như trước kia. Cả hai vợ chồng phải cùng “xây nhà” và cùng “xây tổ ấm”. Người cha cần nhận thức được vai trò không thể thiếu của mình trong việc giáo dục con cái.

“Sự góp mặt, chia sẻ trách nhiệm với con cái của người cha được khoa học chứng minh là đem lại nhiều lợi ích lâu dài cho trẻ. Bản thân người làm cha mẹ cũng sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp khi chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con. Người cha sẽ xây dựng được sự gắn bó với con cái ngay cả khi trưởng thành, nhờ đó duy trì được mối quan hệ gia đình bền vững. Còn người mẹ phần nào giảm bớt áp lực, có thêm thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức lực. Điều này cũng cải thiện đáng kể không khí gia đình, cũng như giúp người làm cha mẹ cân bằng cuộc sống, hạnh phúc và tự tin hơn, xóa bỏ cảm giác cô đơn, lạc lõng. Và hơn cả, cùng đồng hành trên chặng đường nuôi con đầy bất ngờ, nhiều niềm vui và cả thách thức sẽ khiến những người bố, người mẹ cùng “lớn lên”, hot mom Nguyễn Thị Thu chia sẻ.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.