Đắng lòng “làm dâu” chị gái vợ
(PNTĐ) - 16 năm ở rể, anh được bố mẹ vợ giao trọng trách làm trụ cột gia đình thay ông bà quán xuyến mọi việc. Vai trò lớn, trọng trách nặng, anh không hề ngại. Thế nhưng, cái cảnh phải “làm dâu” cho hai bà chị gái vợ không chịu lấy chồng bao nhiêu năm nay khiến anh vô cùng mệt mỏi.
Thương vợ chấp nhận ở rể
Tại văn phòng luật sư, người đàn ông tần ngần hỏi thủ tục về việc làm thế nào để tách khỏi hộ khẩu nhà vợ để chuyển về nhà mình một cách thuận tiện và nhanh nhất. Anh bảo dự định ban đầu của anh là xem quê vợ như quê hương của mình nên khi nhập hộ khẩu về nhà vợ anh chưa từng nghĩ đến một ngày lại chuyển ra khỏi đó.
Quê anh ở Hải Phòng, sau khi học xong đại học thì quyết định ở lại Hà Nội lập nghiệp. Việc xây dựng sự nghiệp ở Thủ đô cũng xuất phát từ tình yêu của anh đối với chị. Vì thế, anh viện đủ lý do để từ chối về Hải Phòng làm việc sống gần gia đình như mong muốn của bố mẹ. Nhà anh có hai anh em trai, bố mẹ anh vẫn kỳ vọng cả hai con lập nghiệp lập thân ở quê hương thay vì bôn ba ở tỉnh ngoài.
Nguyện vọng là vậy nhưng trước mong muốn của con trai, ông bà đành chấp nhận. Bởi nghĩ, cuộc sống và tương lai của con cái vẫn nên để chúng làm chủ, mình định hướng chứ không áp đặt. Vậy là khi có anh trai làm việc và sống gần bố mẹ, anh không phải lo nghĩ nhiều chuyện về quê. Nhà chị khác nhà anh, bố mẹ chị sinh con gái một bề. Hai lần sinh nở, ông bà sinh được 3 cô con gái (một lần sinh đôi). Cả ba cô hình thức đều xinh đẹp, nhưng chỉ có chị là “đắt duyên” lấy chồng.
Hai cô con gái sinh đôi chẳng hiểu sao dù lắm mối nhưng “tối lại nằm không”. Bố mẹ chị tính đủ phần dương lẫn phần âm, hết nhờ mai mối đến đi cúng bái cắt tiền duyên để hai con gái bén duyên, nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả gì. Thời gian trôi nhanh, cái tuổi đuổi cái xuân, cả hai cô con gái xinh đẹp thế lại rơi vào hoàn cảnh “gái lỡ thì”. Bố mẹ chị vì chuyện các con gái “ế chồng” mà buồn lòng không ít.

Do đó, khi anh yêu chị, họ hết lòng vun vén, giục cả hai nhanh tính chuyện hôn nhân. Ngày nhận lời cầu hôn của anh, chị cũng không giấu mong muốn lấy chồng “ở rể” thay vì về nhà chồng làm dâu. Bố mẹ chị cũng tha thiết với điều này, họ mong anh yêu chị mà “yêu” luôn cả gia đình bên vợ. Nhất là bố chị, lần nào anh đến chơi, ông cũng nói đến chuyện hiếm muộn con trai nên mong con gái lấy chồng ở rể để có người đàn ông thay mình gánh vác trọng trách trụ cột gia đình sau này, nhất là trong tình cảnh hai cô con gái đầu không chịu lấy chồng.
Nhìn gia cảnh nhà vợ và yêu chị sâu nặng nên anh đồng ý ở rể sau khi cưới, bất chấp sự phản ứng từ bố mẹ và vợ chồng anh trai. Bố mẹ anh chẳng mong muốn con trai mình sống cảnh “chui gầm chạn” nên hết lời khuyên nhủ con trai. Nhưng rồi cuối cùng, họ vẫn đuối lý trước tình cảm của các con. Vậy là cưới xong, anh chuyển khẩu về nhà vợ để tập trung “về một mối” như mong muốn của bố mẹ vợ.
Rể hiền thành… “rể xấu”
16 năm ở rể, anh được bố mẹ vợ “trọng vọng”, trao cho nhiều quyền điều hành, quyết định các vấn đề trong nhà vợ. Ông bà vẫn mong muốn xem anh như con trai thay vì con rể để anh gánh vác gia đình khi họ không còn.
- Tôi cảm kích tấm chân tình của bố mẹ vợ, họ thật lòng yêu thương và tôn trọng tôi trong cuộc sống. Làm rể bao nhiêu năm, tôi chưa bao giờ bị ông bà chê trách điều gì, thậm chí có những việc tôi làm không phải, họ rộng lượng bỏ qua, không chấp nhất, để bụng một điều gì. Đó cũng là điều khiến tôi cố gắng nhẫn nhịn sống cảnh “làm dâu” hai bà chị vợ bao nhiêu năm nay – anh kể.
Hóa ra, vấn đề của anh xuất phát từ hai chị gái vợ. Anh bảo, phụ nữ đi lấy chồng sợ cảnh “làm dâu” mẹ chồng với bao nhiêu mâu thuẫn lớn, nhỏ trong cuộc sống hàng ngày như thế nào thì nhiều năm nay anh sống cảnh giống như vậy. Hai chị gái vợ chẳng khác gì “hai bà mẹ chồng” mà anh phải “làm dâu”.
Xét về tính nết, vợ anh khác hoàn toàn hai chị gái sinh đôi. Vợ anh đằm thắm, dịu dàng bao nhiêu thì hai người chị đáo để bấy nhiêu. Đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày, họ thường hay để ý, đòi hỏi em rể nhiều điều. Lấy tư cách “làm chị”, nhiều lần họ còn lên mặt dạy dỗ em rể, dù xét về tuổi tác, anh còn lớn hơn họ.
Điều đó khiến anh không ít lần bị mất mặt trước họ hàng nhà vợ, may có bố mẹ vợ hiểu chuyện hết lần này đến lần khác giải vây và thanh minh lại. Nếu không hình tượng “rể hiền, rể thảo” của anh bị biến thành “rể xấu, rể dữ” từ lúc nào không hay.
Mỗi năm, sức khỏe của bố mẹ vợ mỗi yếu dần. Anh chăm sóc họ chẳng khác gì con trai ruột. Điều đó khiến họ cảm kích vô cùng và thấy yên tâm khi trao lại quyền điều hành gia đình cho anh. Và, trong khi bố mẹ vợ hết mực tin tưởng con rể thì hai chị gái vợ lại hoài nghi xét đoán anh đủ điều, nhất là vấn đề tài sản. Khi bố mẹ vợ yếu dần, hai chị gái vợ yêu cầu ông bà phân chia tài sản rõ ràng, tránh cảnh khi họ mất đi, em rể thâu tóm hết.
- Nghĩ điều đó cũng đúng và cũng để chứng minh cho sự trong sạch của mình, tôi đã bảo bố mẹ vợ thuận theo ý các con gái. Tài sản nào cho vợ chồng tôi, phần nào của hai chị gái cứ rõ ràng ngay từ đầu cho dễ. Thế nhưng, bố mẹ vợ tôi quan niệm phần chia tài sản không thể công bằng như hai con gái sinh đôi mong muốn, đó là chia đều cho ba con gái bằng nhau. Họ vẫn nghĩ hai con gái không lấy chồng sau này vẫn phải cậy nhờ vợ chồng tôi chăm sóc. Cùng với đó, trách nhiệm của vợ chồng tôi vẫn nặng nề nhất để cáng đáng mọi việc trong gia đình. Do đó, ý ông bà là muốn chia phần hơn cho vợ chồng tôi. Nhưng điều đó khiến hai chị gái vợ không hài lòng – anh kể.

Bố mẹ vợ trước sau vẫn là người công bằng, họ đặt lên vai anh trách nhiệm trụ cột gia đình thì cũng gắn liền quyền lợi cho anh. Vì thế, trong di chúc để lại, họ chia tài sản làm bốn phần bằng nhau, ba cô con gái ba phần, còn anh một phần. Bất luận vợ chồng anh thế nào thì quyền lợi về tài sản của anh vẫn không thay đổi. Cùng với đó, ông bà cũng mong muốn các con vẫn sống chung dưới một mái nhà như ngày hôm nay. Hai con gái không lấy chồng sau này về già cậy nhờ vào vợ chồng anh, thậm chí còn nhờ các cháu (con của vợ chồng anh) chăm sóc.
Di chúc bố mẹ để lại, hai chị gái chẳng thể không tuân theo nhưng trong lòng không phục. Họ cho rằng bố mẹ thiên vị vợ chồng em gái mà bất công với họ. Do đó, họ có những hành động, lời nói mặc định về “âm mưu” chiếm đoạt hết tài sản nhà vợ của anh.
Trước đây, khi bố mẹ vợ còn sống, những lời nói kiểu không thành có gắn cho anh của hai con gái sinh đôi bị ông bà gạt đi như một cách thanh minh sự trong sạch, ngay thẳng cho anh. Nhưng từ khi bố mẹ mất, lời nói “gán tội” cứ thế nhiều thêm, người ta nghe nhiều cứ tưởng là thật. Anh trở thành con rể tồi trong nhà vợ từ lúc nào không hay. Mâu thuẫn giữa vợ chồng anh và hai chị vợ cứ thế nhiều thêm, sự kiên nhẫn kiểu “làm dâu” như trước đây trong anh đã chạm đến đỉnh. Việc đó cũng làm cho tình cảm vợ chồng anh bị ảnh hưởng.
Anh bảo để giữ hạnh phúc của cuộc hôn nhân hiện tại anh buộc phải đưa ra quyết định đưa vợ con về Hải Phòng sống. Anh tìm hiểu chuyển công tác của hai vợ chồng về dưới đó và cũng nhất định chuyển ra khỏi hộ khẩu của nhà vợ. Anh hi vọng việc vạch rõ ranh giới đó sẽ khiến hai chị gái vợ nhìn nhận đúng cả về tình cảm lẫn trách nhiệm của vợ chồng anh. Anh không có nghĩa vụ “làm dâu” của họ như trước đây khi bố mẹ vợ còn sống. Vì thế, anh cũng không cần cam chịu mọi sự vô lý, bất nhẫn trong ứng xử với em rể mà lâu nay họ vẫn làm.