Đầu năm đi lễ chùa, bái Phật, sao cho chuẩn mực?

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đi lễ chùa đầu năm - là hoạt động gắn liền với đạo Phật, đã trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, bên cạnh những người đến chùa hành xử đúng với Chánh pháp đạo Phậ t, còn có người làm điều chưa đúng khi đến chốn cửa thiền. Dịp đầu năm, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô có cuộc trò chuyện với Đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về vấn đề này.

Phóng viên: Hiện nay, nhiều người có quan niệm về Đức Phật như một bậc Thánh luôn sẵn sàng ban cho những người đến chùa cầu xin, dân gian còn truyền nhau về mỗi chùa lại linh thiêng chuyên về một lĩnh vực, và cầu được ước thấy, vấn đề này nên được hiểu như thế nào cho đúng, thưa thầy?

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Trước nhất, chúng ta phải hiểu quan điểm rõ ràng về Đức Phật. Đức Phật là nhân vật lịch sử, là một con người, nhưng con người giác ngộ. Đức Phật cũng được nhân dân suy tôn là bậc Thánh. Bậc thánh trên tất cả các thánh. Bởi vì Đức Phật là đấng giác ngộ. Ngài chủ trương dạy chúng ta về bản thân. Tức là, bản thân chúng ta là chủ nhân tất cả mọi vật xung quanh ta, bình an hay hoạn nạn đều do ta. Nhất thiết duy tâm tạo. Tâm bình thì thế giới bình. Tâm loạn thì thế giới loạn.

Do vậy, tất cả mọi hành động đều do ta mà tạo tác nên. Thiện thì được quả thiện. Ác thì quả ác. Đức Phật cũng dạy chúng ta hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Hãy dùng chính mũi mình mà ngửi. Vì vậy, chúng ta muốn được bình an, hạnh phúc, thì ngay bản thân chúng ta luôn luôn giữ cho tâm bình an, hạnh phúc thì mới có cuộc sống bình an và hạnh phúc. 

Trong nhân gian, các bậc tổ tiên đã dạy con cháu rằng: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”- thiêng hay không thiêng ở tâm ta tạo nên. Tâm ta tưởng nhớ tới Phật thì có Phật, tâm ta tạo tác hành động ác thì có ma mà không có Phật. Chùa nào cũng là chốn linh thiêng. “Tới cửa từ bi, lòng trần nhẹ bẫng. Bước lên đường giác, gót ngọc thênh thang”.

Không có chùa kia thiêng, chùa này không thiêng, chùa này cầu được, chùa kia không cầu được, mà tất cả do tâm ta tưởng thì có. Nhưng tưởng phải chính hiệp, thiện lành, không phải tưởng theo nghĩa cầu một có mười, cầu mười có trăm, hay cứ ngồi đấy há miệng chờ sung thì không được. 

Đầu năm đi lễ chùa, bái Phật, sao cho chuẩn mực? - ảnh 1
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội nhiệm kỳ 2022-2027

Phóng viên: Mang theo những mong cầu tốt đẹp đến với cá nhân, gia đình, song nhiều người còn cho rằng, đến chùa cung tiến càng nhiều vật chất như tiền, lễ thì càng được thụ nhiều lộc, những điều ước được Đức Phật hiển linh sớm ban cho toại nguyện. Theo thầy, quan niệm này cần được hiểu như thế nào cho đúng?

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm:  Trong kinh điển cũng nhắc tới “Cúng dường giả phúc đẳng hà sa”. Có nghĩa là, cúng dường thì được nhiều phúc. Nhưng chúng ta phải hiểu rõ cúng dường là “cung dưỡng”, tức là cung cấp, dưỡng nuôi Phật tâm của mình. Vật chất chỉ là biểu tượng cho lòng thành, chứ không có giá trị về mặt tâm linh trong việc lễ nhiều hay lễ ít. 

Thời Đức Phật còn tại thế, trưởng giả Cấp Cô Độc mua một thửa đất làm nhà Tinh xá cho Phật ở, làm nhà đến đâu rải vàng kín đến đó. Và một bà lão ăn mày, không có gì cúng, khi gặp, Đức Phật đưa bà cụ một bình bát, bảo bà cụ xuống sông Li Liên múc bát nước bưng lên cúng cho ngài. Ngài giải thích cho tôn giả Anan, công đức của ông Cấp Cô Độc dâng rải vàng mua đất cho Phật, công đức của bà lão cúng Đức Phật bát nước bằng nhau. Bởi vì tâm của hai người đó cùng một mục đích nhất là cúng dường Phật. Cúng dường Đức Phật là cung dưỡng là nuôi Phật tính, nuôi Phật tâm. 

Vì vậy, chúng ta đến chùa bằng tâm thành kính nhất của mình. Không nên mang tâm phàm tục vào nơi cửa thiền. Tức là, không nên cho rằng lễ nhiều thì linh mà lễ ít thì không linh. Lễ nhiều mà tâm không chân thành, việc làm không trong sáng, cuộc đời không chân chính, thì cũng không bằng bà lão ăn mày tâm thành kính, chí thành thì công đức được rất lớn. 

Đó là điều mà chúng tôi nhắn nhủ tới ai quan niệm rằng lễ nhiều thì được Phật ban lộc nhiều, lễ ít được ban lộc ít. Đây không phải việc chính đáng của đạo Phật. Chúng tôi muốn gửi thông điệp tới tất cả mọi người đến với Phật hãy bằng tâm thanh tịnh, tâm giải thoát. “Một nén cũng thơm, một bông cũng ngát”.  

Phóng viên: - Những năm gần đây, việc đốt tiền vàng mã trong các cơ sở chùa chiền đã giảm đi nhiều, tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên cho thấy ở nhiều nơi vẫn còn diễn ra, xin thầy cho biết việc này có nên thực hiện triệt để tại các chùa chiền không? Chủ trương và kế hoạch của Giáo hội Phật giáo như thế nào về vấn đề này?

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm:  Đốt vàng mã là một phong tục tập quán của người dân, ăn vào tiềm thức người dân từ lâu đời, không được ghi lại về công đức hay cách đốt vàng mã một câu nào trong kinh điển Phật giáo, dù là kinh điển Nam truyền hay Bắc truyền. Nhưng đối với các dân tộc Á Đông, Trung Quốc và Việt Nam ảnh hưởng phong tục tập quán đốt vàng mã rất lâu. Do đó, Giáo hội Phật giáo đã ra các Công văn chỉ đạo các chùa, các tăng ni, không để cho thực hiện việc đốt vàng mã.

Song việc này chúng tôi cho rằng, phải tế nhị một chút khi ở các ngôi chùa nông thôn xa xôi, dân trí chưa hiểu hết về Phật pháp, thấu triệt về tinh thần giải thoát của Đức Phật, người ta vẫn nhìn nhận ngôi chùa như nơi để người ta gửi gắm tâm linh lúc vui lúc buồn. Do vậy, cũng có thể có những nơi còn thực hiện nghi lễ đốt mã. 

Điều này là trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo, trách nhiệm của ngành Hoằng pháp chúng tôi, và của tăng ni giải thích dần dần cho Phật tử để người ta hiểu được. Còn nếu chúng tăng cấm ngay, nhiều khi hệ lụy tới việc trụ trì của vị sư cho rằng cản trở việc thực hiện tín ngưỡng của người dân, khi người dân chưa thấu triệt được. Do vậy, không thể một ngày, hai ngày mà bỏ được ngay, mà phải từ từ. Còn những chốn đô thị, những nơi mà Phật pháp thịnh hành thì tăng ni nhất định phải thực hiện quán triệt điều này, để nâng cao trí thức về tín ngưỡng tôn giáo, Phật giáo của người dân địa phương nơi đó. 

Đầu năm đi lễ chùa, bái Phật, sao cho chuẩn mực? - ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam 

Phóng viên: Năm 2023, nhân dân Thủ đô và cả nước phấn khởi sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến đời sống, dự báo người dân sẽ đi du xuân, trẩy hội lễ chùa nhiều hơn. Xin thầy cho những lời khuyên để người dân đi lễ chùa bái Phật, cầu an như thế nào cho đúng với lời dạy của Đức Phật và thực sự đạt được sự an lành cũng như sở cầu như ý? 

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm:  Lễ Phật du xuân là nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Đối với các chùa ở phía Nam có một quan niệm rằng phải lễ được thập tự. Tức là đi lễ được 10 chùa. Còn quan niệm của người dân miền Bắc thì mùa xuân là trẩy hội, du xuân. Nhưng chúng ta nghĩ rằng, thời kỳ mở cửa, đất nước phồn thịnh, nhân dân được tự do tín ngưỡng tôn giáo. Chúng ta sẽ sắp xếp, đi lễ vào những ngày tháng hợp với điều kiện công tác, sinh hoạt, làm ăn kinh tế của mỗi người chúng ta. Bởi vì lúc nào mà tâm ta vui vẻ thì lúc đó là mùa xuân. Lúc nào tâm ta tưởng nhớ tới Phật là có Phật.

Tất nhiên, đi đến những nơi danh lam thắng cảnh, nơi thánh tích, di tích thì điều đó rất cần và cũng thấy là phát huy nét đẹp văn hóa đặc sắc, bản sắc dân tộc Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng cố gắng trong việc du xuân thưởng ngoạn bình tâm nhất, đi với tinh thần thư thái, chọn những nơi nào hợp cảnh với mình, chọn những nơi nào thích hợp với điều kiện kinh tế của mình. 

Và đến những nơi đó, thứ nhất phải thực hiện nếp sống văn hóa nhất của người du lịch Việt Nam. Thứ hai, là tôn trọng các di tích, không nên gây mất vệ sinh, không nên ồn ào nơi linh thiêng, không nên dùng điện thoại bừa bãi trong lúc mọi người xung quanh đang hành lễ.

Đặc biệt nhất là không nên đặt tiền lên bàn thờ. Bởi, đồng tiền cao quý nhưng không vệ sinh lắm, qua tay rất nhiều người. Chúng ta bỏ vào thùng để các vị quản lý nơi đó có kinh phí duy tu, bảo quản di tích. Thứ hai là để cho những kẻ gian không có thời cơ rình mò vào những nơi thờ tự trộm cắp tiền. Chúng ta cúng tùy tâm và năng lực kinh tế của mình mà cúng. Không cần nhiều, không lo ít mà phải do tâm mình.

Chúng ta đi vào chùa lễ Phật vãn cảnh, lễ Phật bằng tâm thành kính nhất, cúi đầu đỉnh lễ ba ngôi Phật - Pháp - Tăng. Trang phục mặc lịch sự, giữ trang nghiêm thanh tịnh, nếu đi đoàn có sự tổ chức và có sự giám sát của vị trưởng đoàn để an toàn cho chuyển du lịch và giữ văn minh lịch sự khi hành hương. 

Sau khi hành lễ xong, chúng ta chỉ cần cầu nguyện: Một năm cho chúng con được bình an, mọi công việc được hanh thông cát tường, gia đình hạnh phúc, cầu nguyện cho đất nước phát triển, nhân dân an lạc, mưa hòa gió thuận. Chúng ta đến di tích hãy chiêm nghiệm các kiến trúc mĩ thuật, cảnh quan và phong cảnh ở nơi đó, để thấy được nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt mà bao đời ông cha đã gây dựng và các thế hệ giữ gìn cho tới ngày nay chúng ta được hưởng.

Như vậy mới đúng là vào chùa lễ Phật vãn cảnh. Đặc biệt, chúng ta cố gắng đến những chùa nơi có các đạo tràng tổ chức tu tập, vào chùa lễ Phật, nghe thầy giảng kinh. Có nghe giảng mới hiểu được ý nghĩa của việc đến chùa lễ Phật, biết được Đức Phật là như thế nào, hiểu được những lời Phật dạy để chúng ta sống cuộc sống chân, thiện, mỹ.   

Xin trân trọng cảm ơn Thầy!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.