Dạy con suy nghĩ tích cực

Huyền Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Con trai tôi có một thời gian thường suy nghĩ tiêu cực. Tôi đã cố gắng để giúp con thay đổi, cho đến khi nhận ra, hóa ra mình lại chính là nguồn cơn khiến con như vậy.

Lần gần đây nhất, con tôi trở về với một điểm 5 môn Toán kiểm tra giữa kỳ. Mặc dù ở lớp, cô giáo đã nói con hãy cố gắng ôn luyện nhiều hơn rồi cô sẽ cho con thêm cơ hội để gỡ điểm, con vẫn rất buồn. Tôi nhắc con học thêm để lấy lại phần kiến thức bị hổng nhưng con vẫn tỏ ra chán nản, không chịu học. Rồi con nói với tôi: “Thôi mẹ ạ. Con thấy chẳng còn tương lai gì tốt đẹp đâu. Mình cứ chấp nhận là con học dốt Toán đi mẹ ạ”.

Tôi nói với con: “1 điểm kém môn Toán không thể quyết định năng lực học của con trong cả năm. Tại sao con lại sớm nản chí như vậy?”.

Con tôi trả lời: “Lần này con bị điểm 5 môn Toán, đến cuối học kỳ con có lẽ cũng chỉ được điểm 4 thôi. Rồi cuối năm học, con chỉ là học sinh trung bình. Với kết quả ấy, con không thi đỗ vào lớp 10 đâu mẹ ạ. Sau đó, con cũng không vào được trường đại học tốt thì làm gì còn tương lai”.

Dạy con suy nghĩ tích cực  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tôi phát cáu vì con đã suy nghĩ tiêu cực thái quá. Lần này có vẻ là “nặng nhất” còn trước đó, tôi để ý mỗi khi gặp khó khăn hay thất bại nho nhỏ nào là con lại than vắn, thở dài. Như lần con làm mất đồ dùng học tập ở lớp, tôi nhắc con từ sau phải cẩn thận hơn, biết vun vén đồ dùng thì con lại nói: “Tính con đoảng vị, đãng trí lắm mẹ ạ, chắc sau này con chả làm nên trò trống gì đâu”. Rồi lần con ngồi xem chương trình biểu diễn văn nghệ do các bạn học sinh ở trường biểu diễn dịp đầu xuân mới, các bạn khác thì hào hứng cổ vũ còn con cứ buồn thiu. Rồi con than vãn: “Các bạn ấy thật là tài năng, sao con không bằng được 1/10 của các bạn ấy hả mẹ. Con chả được tích sự gì”.

Tôi kể lại chuyện với mẹ tôi để xin bà lời khuyên vì trước đây, bà vốn là giáo viên tiểu học. Nghe xong, bà bảo tôi: “Cháu mẹ có suy nghĩ tiêu cực cũng là ảnh hưởng từ con đấy. Vì vậy, muốn cháu thay đổi thì con phải thay đổi trước”.

Rồi mẹ tôi phân tích, có thể tôi không nhận ra nhưng trong sinh hoạt hàng ngày, tôi cũng rất hay than vãn. Ấy là khi bán hàng ế ẩm (tôi bán hàng tạp hóa), thể nào tôi cũng về nhà với bộ mặt buồn so, rồi than vất vả, cứ đà này thì lấy tiền đâu mà sống, mà đóng học phí cho con. Tôi rên rẩm cảnh ở chật chội, nhà cửa cũ, quanh năm suốt tháng chẳng có thời gian mà nghỉ ngơi, đi du lịch khiến cuộc sống nhàm chán... Tôi so sánh mình với các bà mẹ khác và thất vọng khi thấy mình kém cỏi, không lo cho con được cuộc sống bằng bạn bằng bè. Cuối năm trước, khi tôi phát hiện một cái u nhỏ ở cổ, tôi đã bi quan nghĩ đến việc mình bị bệnh ác tính mà khóc hết nước mắt. Tôi lo không có mẹ thì các con tôi phải mồ côi. Mấy ngày dài từ lúc đi khám tới khi đợt kết quả, tôi gầy rộc đi mà cả nhà cũng hoang mang lo lắng. May quá cuối cùng thì cái u đó là lành tính.

Dạy con suy nghĩ tích cực  - ảnh 2
Ảnh minh họa

- Đấy con thấy không, chính con cũng đang làm mọi việc rối tung lên. Con than vất vả nhưng con còn có công việc ổn định để kiếm tiền, ngoài kia nhiều người còn đang bị thất nghiệp. Con cũng than nhà cửa chật chội, liệu con có nghĩ vẫn có người vô gia cư, phải ngủ ngoài gầm cầu... Sống với bố mẹ cứ suốt ngày lo lắng, mệt mỏi thì con của con cũng không thể nhận được năng lượng tích cực.

Nghe mẹ nói, tôi thấy đúng và bắt đầu cố gắng thay đổi. Tôi nghĩ nhiều hơn đến những gì mình đang có thay vì cái mình không có. Tôi cười nhiều hơn, cố gắng không thở dài, vào bữa cơm không than thở giá nhu yếu phẩm đang tăng cao, rồi vật vã lo tương lai của gia đình. Tôi cùng con đi làm từ thiện, gặp gỡ các mảnh đời còn khó khăn để giúp đỡ họ, đồng thời hiểu rằng mình vẫn còn may mắn và không nên suy nghĩ tiêu cực.

Cho đến một lần, tôi về nhà với bộ mặt tươi tỉnh nhiều hơn. Thấy vậy, con tôi hỏi: “Hôm nay mẹ bán hàng thế nào ạ. Có bị ế như hôm qua không?”. Dù việc bán hàng cũng ế ẩm, nhưng tôi vẫn cười: “À, mẹ kiếm được nhiều tiền hơn hôm qua một chút rồi”. Con trai tôi liền vỗ tay reo to: “Không sao đâu mẹ. Nếu mẹ không bán được hàng thì nhà mình ăn cơm nước mắm. Còn mẹ bán hàng được thì mình sẽ được ăn cơm với tóp mỡ. Còn khi nào có nhiều tiền thì mẹ lại cho con ăn cơm với thịt. Dù gì nhà mình vẫn còn có cơm ăn. Mẹ cố gắng lên nhé”.

Tôi phì cười trước câu nói hồn nhiên của con. Nếu như trước đây, có lẽ, con tôi sẽ bi quan mà nghĩ cả nhà sắp chết đói vì mẹ không kiếm được nhiều tiền. Nhưng giờ thì con đã suy nghĩ lạc quan hơn, biết nhìn ra những điều tích cực dù là rất nhỏ bé, giản dị.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.