Để học đường không còn bạo lực

Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, xây dựng trường học không bạo lực, xây dựng môi trường Thủ đô bình đẳng, an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em.

Bạo lực học đường nỗi trăn trở của toàn xã hội

Thực hiện Kế hoạch số 32/KH-BTV ngày 7/2/2024 của Hội LHPN thành phố Hà Nội về “Triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026” năm 2024, tháng 9 vừa qua, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Chương trình truyền thông “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường - Xây dựng trường học an toàn, thân thiện” tại huyện Thanh Oai.

Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra ở tất cả các bậc học khác nhau, không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh... Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất (đánh đập, xô đẩy…), bạo lực về lời nói (đe dọa, vu khống) và bạo lực về tinh thần (tẩy chay, xa lánh, nói xấu…) gây ra nhiều bức xúc trong xã hội và đã trở thành mối quan tâm lo lắng của rất nhiều gia đình, nhà trường và xã hội. Hầu hết những vụ bạo lực của học sinh xảy ra gần đây đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè.

Để học đường không còn bạo lực - ảnh 1
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cùng cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Cao Viên và các em học sinh tham quan triển lãm tranh về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường.

Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, khoảng 220 nghìn vụ ly hôn hàng năm có đến 70-80% là có lý do liên quan đến xung đột, bạo lực gia đình. Số học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực học đường có tỷ lệ rất lớn. Đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến bạo lực học đường mà phụ huynh học sinh cần quan tâm, lưu ý. Theo thống kê từ năm 2019 đến tháng 9/2023, thành phố Hà Nội có 21 vụ việc liên quan đến bạo lực học đường tại 11 quận, huyện với sự tham gia của 74 học sinh. Thực tế cho thấy bạo lực học đường thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng trong các trường học và bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn, thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và cả xã hội. “Hậu quả của bạo lực học không chỉ dừng lại ở sự cãi vã, xô xát thông thường mà đã có những án mạng thương tâm, gây rúng động dư luận, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, bất an”, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp xây dựng trường học an toàn, thân thiện

Theo ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Thanh Oai cho biết: Bạo lực học đường là một vấn nạn xã hội, một vấn đề quan trọng và cấp bách đáng lưu tâm đã và đang tồn tại trong một số nhà trường. Để xây dựng một trường học an toàn, trước hết, chúng ta cần tạo ra một môi trường không chỉ bảo đảm sự an toàn vật chất mà còn đảm bảo an toàn tinh thần cho các em học sinh. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc cung cấp và duy trì hệ thống cơ sở vật chất tốt như các phòng học, phòng bộ môn, sân chơi bãi tập, các công trình phụ trợ, các yếu tố tác động trực tiếp như cây xanh, điện, nước, ánh sáng, các thiết bị an ninh, phòng cháy chữa cháy..., đặc biệt là môi trường học tập phi vật chất như nền nếp, phong trào học tập, phong trào thi đua, văn hóa ứng xử nơi công cộng, văn hóa học đường, trường học hạnh phúc… Nhiều năm qua, ngành GD-ĐT đã phối hợp với Hội LHPN huyện Thanh Oai đã tổ chức nhiều hoạt động như: Sự kiện truyền thông "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", "Xây dựng không gian an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái”, ngày hội "Đồng hành cùng con", ngày hội "Bình đẳng giới", tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em, phòng ngừa bạo lực học đường, kỹ năng sống... cho học sinh. "Trong thời gian tới chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa cùng tổ chức Hội để góp phần thực hiện một cách hiệu quả các biện pháp nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực học đường", ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thanh Oai nhấn mạnh.

Để ngăn chặn và ứng phó với bạo lực học đường, cô Nguyễn Thị Thanh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Cao Viên, huyện Thanh Oai cho biết, mỗi người cần đề cao vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng trường học an toàn và thân thiện, góp phần nâng cao môi trường học tập và sự phát triển toàn diện của học sinh. Theo cô Hường, những hoạt động tuyên truyền của Hội LHPN Hà Nội là rất bổ ích, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chung tay phòng, chống bạo lực học đường.

Để học đường không còn bạo lực - ảnh 2
Các em học sinh tham gia tiểu phẩm tuyên truyền phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương, để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đề nghị các cấp Hội Phụ nữ, các nhà trường, gia đình và các em học sinh quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả và tuyên truyền sâu rộng Kế hoạch số 138/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 106/KH-UBND thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch số 129/KH-UBND triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quyết định số 3101/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026 nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện trên địa bàn. Đồng thời, gắn hoạt động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”, trong đó chú trọng tiêu chí có ngôi nhà an toàn, gia đình không có bạo lực, gắn với việc thực hiện Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026” và các đề án liên quan đến công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc...

Các cấp Hội Phụ nữ cũng cần tiếp tục tăng cường các hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường. Chủ động tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường; tích cực phối hợp, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; kiến nghị các cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý có tính chất răn đe các vụ việc nghiêm trọng...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

(PNTĐ) - Năm 2024, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã triển khai có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời, được hội viên phụ nữ và người dân đồng tình hưởng ứng.
Món quà Giáng sinh cho con

Món quà Giáng sinh cho con

(PNTĐ) - Noel đã đến thật gần, nhiều bạn nhỏ thích thú, không bỏ lỡ dịp lễ đặc biệt này để tham gia hoạt động làm bánh mừng Giáng sinh ý nghĩa, đặc biệt khi được tự tay trang trí những chiếc bánh ngọt dưới sự quan tâm, hướng dẫn của cha mẹ.
Bà Nhàn “biết tuốt”

Bà Nhàn “biết tuốt”

(PNTĐ) - 23 năm làm cộng tác viên dân số, bà Bùi Thị Nhàn, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đã giúp đỡ nhiều phụ nữ trong Tổ dân phố được đảm bảo quyền chăm sóc sức khoẻ sinh sản, có thêm hiểu biết về Kế hoạch hoá gia đình.
Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

(PNTĐ) - Chị Tạ Thị Năm ở thôn Mồ Đồi, xã Vân Hoà, huyện Ba Vì là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa. Hiện tại, chị đang có đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con. Chị cũng là nữ nông dân duy nhất của Thủ đô được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.