Đi trong phố cổ Hà Nội

Chia sẻ

“Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa”- câu thơ ấy là cảm xúc xuyên suốt bài thơ này. Với người làm thơ, khi đã có một tình yêu, chỉ cần vang lên trong đầu một câu thơ như thế là đủ gọi ra một tứ thơ tha thiết.

Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa
Mái rêu âm dương nắng chiều ngả bóng
Mùi thơm hoa mộc hay hoa móng rồng
Mùi thơm bâng khuâng thơm từ trí nhớ

Hàng Đường, Hàng Ngang cái thời voi ngựa
Xa đã rất xa gần lại rất gần
Chân đi trong phố hồn trên mái xưa

Những cửa bức bàn những đèn dầu lạc
Mái tóc đuôi gà trên vai lụa bạch
Người như trong tranh ta như trong mơ
Hồn trên mái xưa những căn nhà cổ
Lòng ta vẫn ở tai ta vẫn nghe
Hỡi em váy đầm tóc xoăn mắt tím
Có về xa thẳm nón thúng quai thao
Thời nảo thời nao tiếng gà giữa ngọ
Má em thì hồng môi em thì lửa
Cha mẹ thì già nắng ngả cành dâu

Hồn ta là nhà thân ta đến ở
Đi đâu về đâu hỡi vầng ngói cổ
Phố thành giấc ngủ cho ta nằm mê
                                          Tháng 12/2008
                                    Vũ Quần Phương

Đi trong  phố cổ Hà Nội - ảnh 1

Lời bình
“Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa”- câu thơ ấy là cảm xúc xuyên suốt bài thơ này. Với người làm thơ, khi đã có một tình yêu, chỉ cần vang lên trong đầu một câu thơ như thế là đủ gọi ra một tứ thơ tha thiết:

Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa
Mái rêu âm dương nắng chiều ngả bóng
Mùi thơm hoa mộc hay hoa móng rồng
Mùi thơm bâng khuâng thơm từ trí nhớ

Hàng Đường, Hàng Ngang cái thời voi ngựa
Xa đã rất xa gần lại rất gần
Chân đi trong phố hồn trên mái xưa

Có lẽ, khi tâm hồn ta đã thuộc về nơi nào đó, tất cả đều trở nên thân thuộc đến mức có thể gọi tên từng loài hoa. Mùi hương không đến từ sắc màu, từ mùa màng mà thoang thoảng đâu đây từ ký ức. Một ký ức “xa đã rất xa gần lại rất gần”, không còn nữa mà ai cũng nhớ rất rõ. Sau những thăng trầm, thịnh suy, những gì còn lại là bóng dáng: bóng nắng chiều ngả trên ngói âm dương, bóng voi ngựa, và có lẽ là cả “bóng”của hương xưa. Thế mới thực sự là hồn phố cổ.

Và rồi, trong niềm suy cảm ấy, tâm trạng người thơ như có sự pha trộn, đan xen giữa mới và cũ, xưa và nay với hai hình ảnh thiếu nữ Hà thành. Một cô gái đẹp trong sắc diện, hình hài của tố nữ trong tranh Hàng Trống “mái tóc đuôi gà trên vai lụa bạch” để rồi “Người như trong tranh” còn ta thì “như trong mơ”.

Hình ảnh thứ hai là một cô gái Hà Nội hôm nay với vẻ đẹp táo bạo, hiện đại của những “hotgirl” mà thi nhân nhắc tới “váy đầm tóc xoăn mắt tím”. Vẻ đẹp ấy không đáng trách, không bị lên án nhưng không hiểu sao nhà thơ vẫn ước, vẫn mong cô gái ấy trở về với phong cách của một thời phố cổ, thuộc về một Hà Nội của ngày xưa:

Có về xa thẳm nón thúng quai thao
Thời nảo thời nao tiếng gà giữa ngọ
Má em thì hồng môi em thì lửa
Cha mẹ thì già nắng ngả cành dâu.

Đi trong  phố cổ Hà Nội - ảnh 2

Đó là không gian Hà Nội thật sự khác biệt. Hà Nội của nhịp phố xen với quê, những hàng xen với làng tạo nên nét riêng của người kẻ chợ. Dường như giữa em và ta là duyên kiếp trước từ “thời nảo thời nao”, thuở “má em thì hồng môi em thì lửa” cứ thế đưa anh về với ngày xưa ấy.

Sau tất cả những miên man đó, nhà thơ nhận ra một Hà Nội của những giá trị tâm hồn, nơi có thể chở che, dung nạp được những bước chân trở về:

Hồn ta là nhà thân ta đến ở
Đi đâu về đâu hỡi vầng ngói cổ
Phố thành giấc ngủ cho ta nằm mê.

Giờ đây, khi kinh thành xưa và ngựa xe không còn, thứ đọng lại là một thế giới của tâm hồn. Hồn vía của phố xưa, nhà cổ, của Thăng Long - Hà Nội cổ kính mới là bất biến, trường tồn nhất. Phải yêu Hà Nội đến thế, hiểu mảnh đất này đến thế mới có thể thốt lên: “Hồn ta là nhà thân ta đến ở”. Hôm nay, phố xưa cũng “đã hoá tâm hồn” từ bao giờ.

VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.