Định nghĩa hạnh phúc của mẹ

THÁI ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tối đó, chị lên mạng của trường đại học, đọc đi đọc lại thông báo việc con đã trúng tuyển đầu vào. Cũng thật lạ, cái thông báo chỉ ngắn vài dòng, thông tin thì chỉ có thế mà chị đọc hoài, đọc mãi không biết chán.

Khi nhà trường thông báo thời điểm sẽ có kết quả xét tuyển vào đại học, chị lo tới mức cả đêm trước không ngủ được. Hôm sau, cứ chốc chốc, chị lại truy cập trang web của trường một lần để đợi kết quả, mong hơn mẹ về chợ. Rồi khi đọc thấy tên con trong danh sách trúng tuyển sớm, chị mừng tới trào nước mắt vội gọi điện cho chồng. Chẳng đợi anh trả lời, chị đã hét lên: “Con gái đỗ rồi bố ạ. Em vui quá”. 

Điện thoại tắt, chị lại run run, ngộ nhỡ mình xem nhầm thì sao? Biết đâu lại có một thí sinh khác trùng với tên con chị. Thế là chị lại hồi hộp truy cập vào danh sách, len lén kiểm tra từng thông số, từ ngày sinh tháng đẻ, số báo danh… Khi tất cả đều trùng khớp, chị mới thở phào. 

Mấy lần bắt gặp chị ngồi trước máy tính, mủm mỉm cười một mình, chồng chị chẹp miệng, trêu: “Mẹ nó lẩm cẩm rồi. Người ta xem một lần là được. Đằng này mẹ nó hình như sợ không xem nhiều thì cái thông báo trúng tuyển nó biến mất vậy. Mẹ nó xem mòn cả màn hình máy tính thì nhà lại chẳng có máy dùng”.

Định nghĩa hạnh phúc của mẹ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị lườm yêu chồng: “Kệ em. Anh xem, có bố mẹ nào mà không vui khi con mình đỗ đạt đâu!”.

Giống như mọi bà mẹ khác, từ khi sinh con ra, chị đã nguyện lấy niềm vui, hạnh phúc và cả nỗi buồn của con làm niềm vui, hạnh phúc và nỗi buồn cho mình.  Mỗi khi con có niềm vui, dù là nhỏ xíu thôi cũng đủ giúp chị vui và phấn chấn. Nhưng khi con “lệch chuẩn”, chị thấy mình cũng thật thảm hại.

Chị nhớ nhất dạo con lên lớp 9, chị từng có lúc mất niềm tin vào chính khả năng làm mẹ của mình. Hồi đó, con chị có xu hướng nổi loạn, không chịu học dù sắp tới chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp quan trọng. Cứ đôi tháng, cô giáo lại mời chị tới lớp để gặp riêng vì kết quả học tập của con sa sút. Lúc đó, chị thấy, sự nghiệp của bản thân, tiền bạc chị kiếm ra… cũng chẳng thể nào quan trọng bằng con. Chị quyết định lui về phía sau, dừng ở vị trí nhân viên ngay sát thời điểm cơ quan chuẩn bị đề bạt chị lên vị trí quản lý cấp phòng. Bằng cách đó, chị có thể dành nhiều thời gian hơn cho con vì nếu cứ tiếp tục đi sớm về muộn, chị sẽ chẳng theo sát con được.

Thế rồi, từng chút một, chị đồng hành cùng con. Những hôm con ngồi học, chị cũng ngồi cạnh, thức cùng để động viên tinh thần con. Chỉ tiếc là thời gian còn lại quá ngắn nên con chị chỉ đỗ vào trường với điểm chuẩn đầu vào ở nhóm cuối của thành phố.

3 năm cấp 3, cũng là 3 năm chị phập phồng theo từng bước đi của con. Chị an ủi để con tin rằng con vẫn đủ sức chạm tới những mục tiêu vinh quang đang ở phía trước. Cho đến hết năm lớp 11, khi con vươn lên là một trong những học sinh khá của lớp, cảm giác trong chị là niềm tự hào, mặc dù, so với con của nhiều đồng nghiệp khác, thành tích ấy chẳng đáng để so kè.

Định nghĩa hạnh phúc của mẹ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Và rồi hôm nay, con chị đã đỗ vào một trường đại học, có thể không phải là top đầu nhưng cũng là niềm mơ ước của rất nhiều học sinh khác. Chị chẳng đòi hỏi gì cao cả hơn bởi với chị điều đó đã thật sự kỳ diệu. 

Chồng chị bảo: “Con đỗ đại học chỉ là bước khởi đầu, con còn phải bước qua nhiều thử thách nữa mới có thể đạt tới thành công”. Nhưng, chị chẳng nghĩ xa hơn, chị chỉ cần biết mỗi ngày được ở bên con, đồng hành cùng niềm vui, nỗi buồn của con là đủ. 

- Em có buồn không khi bây giờ, em vẫn chỉ là một nhân viên bình thường ở cơ quan và đã bỏ lỡ cơ hội để khẳng định bản thân mình? - chồng chị hỏi.

Chị nhìn chồng, hai mắt rưng rưng: “Không đâu anh. Em đang là một bà mẹ thành đạt đấy chứ. Mỗi người mẹ sẽ có định nghĩa thành đạt của riêng mình. Với em, được nhìn thấy con tu tỉnh, tiến bộ, đỗ vào trường đại học mà con mơ ước chính là thành đạt. Nó ý nghĩa hơn mọi bằng khen, phần thưởng, vị trí mà em được nhận”.

Cạnh chị, chiếc máy tính vẫn mở, trên màn hình là thông báo trúng tuyển đại học của con.  

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.