Đời cây chuối

Chia sẻ

Xưa nay, thơ viết về các loài cây có khá nhiều, nhất là mấy loài cây thuộc tứ quý như: tùng, cúc, trúc, mai, hay đào, liễu, sen, đa… Số thi sĩ làm thơ về những loại cây bình dị, dân dã, phục vụ thiết thực sinh hoạt thường nhật của con người lại không nhiều.

Quây quần níu giữ cả bầy con
Dáng mẹ còng xiêu bám đất mòn
Yếm đỏ phai màu không đậy kín
Áo nâu rách vạt chẳng ôm tròn
Bờ ao, cuối bãi buồn teo tắt
Góc ruộng rìa làng tủi héo hon
Trổ lá căng buồm ngăn gió bão
Thân tàn để lại quả thơm ngon
                           Dương Đoàn Trọng

Đời cây chuối - ảnh 1

LỜI BÌNH:
Xưa nay, thơ viết về các loài cây có khá nhiều, nhất là mấy loài cây thuộc tứ quý như: tùng, cúc, trúc, mai, hay đào, liễu, sen, đa… Số thi sĩ làm thơ về những loại cây bình dị, dân dã, phục vụ thiết thực sinh hoạt thường nhật của con người lại không nhiều. Trong số đó, vẫn có những bài thơ hay, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Bài thơ thất ngôn bát cú sau đây nhan đề “Đời cây chuối” của thi sĩ Dương Đoàn Trọng (Chương Mỹ), hội viên Hội nhà văn Hà Nội là một sáng tác như vậy.

Nửa đầu của bài thơ hướng ngoại, tả thực cây chuối. Loài cây này không sống riêng lẻ, bao giờ cũng sống quần tụ thành từng khóm chẳng khác gì người mẹ được sum vầy giữa tổ ấm cùng đàn con đông đúc: “Quây quần níu giữ cả bầy con/ Dáng mẹ còng xiêu bám đất mòn”. Mẹ không chỉ mang nặng đẻ đau để cho các con được hiện diện trong cõi đời mà còn luôn bao bọc, che chở, bảo vệ, nuôi dưỡng cho đứa con được sống an lành và lớn lên giữa cuộc đời nhiều giông bão. Thân hình mẹ tiều tụy, còng xiêu bởi gánh nặng mưu sinh và cuộc sống của các con, của gia đình cũng là điều tất nhiên. Trong những câu thơ trên, tác giả có cái nhìn phát hiện rất thú vị. Thông thường, người ta gọi cây chuối nhỏ được nảy chồi trực tiếp từ thân cây chuối lớn là chuối con. Còn ở đây tác giả lại gọi buồng chuối với nhiều quả sai chi chít bám quanh là bầy con. Cách gọi ấy vừa thể hiện tình cảm yêu thương trìu mến của tình mẫu tử, vừa thể hiện được tình cảm yêu mến, quý trọng của tác giả với loài cây chuối. Cây chuối ngoài đời, rất đáng quý bởi vừa dễ trồng, vừa có giá trị kinh tế cao. Để có được trái chuối vàng ươm, buồng chuối to, dài cũng như vì tương lai và cuộc sống của các con, cây chuối mẹ chẳng nề hà quản ngại, nguyện dâng hiến đến quên đi cả bản thân: “Yếm đỏ phai màu không đậy kín/ Áo nâu rách vạt chẳng ôm tròn”. Với cái nhìn đậm chất nhân văn, tác giả đã chọn lọc những hình ảnh đắt giá biểu trưng cho phục trang của người phụ nữ nói chung, người mẹ nói riêng và cách sử dụng nghệ thuật ẩn dụ nhân hóa rất phù hợp giúp cho người đọc thấy rõ đức hy sinh cao cả của người mẹ. Vì tổ ấm gia đình, mẹ sẵn sàng nhận về mình thiếu thốn, cũ rách để cho “bầy con” được no đủ. Mấy câu luận của bài, tác giả nói rõ nơi sinh tồn thực tại của loài cây chuối thật khiêm nhường, chỉ là “Bờ ao, cuối bãi”, “Góc ruộng rìa làng”. Bằng cái nhìn cảm thông, tác giả vô cùng xót thương trước ngoại hình tiều tụy “buồn teo tắt… tủi héo hon” của cây chuối. Cách dùng liên tiếp các từ láy ở cuối câu vừa tạo nên sự đối ngẫu cân xứng, vừa làm nổi bật sự cao đẹp của đức hy sinh. Nếu như cảm xúc thơ ở phần luận nhuốm tâm trạng buồn thương bao nhiêu thì phần kết của bài, ý thơ lại toát lên ý chí kiên cường, nghị lực sống mãnh liệt cho dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến mấy cũng không sao vùi dập nổi: “Trổ lá căng buồm ngăn gió bão/ Thân tàn để lại quả thơm ngon“.

Câu kết của bài thật cô đọng đã khái quát lên toàn bộ đời sống của cây chuối. Loài cây này chấp nhận “thân tàn” để được “trổ lá căng buồm”, đơm hoa kết trái, tất cả chỉ vì muốn dâng hiến cho cuộc đời, cho con người một buồng quả thơm ngon ngọt và những trái chuối chín hấp dẫn nhiều dưỡng chất mà thôi. Mỗi chúng ta khi cầm trên tay ăn quả chuối chín thơm phức hay những lát chuối sấy giòn thơm, có mấy ai không thấy khoái khẩu?

Bài thơ có hai hình tượng, hai lớp nghĩa đan cài. Lớp nghĩa trực tiếp là nói về cây chuối. Trong đời sống của người dân Việt Nam, chuối loài cây rất gần gũi, gắn bó với người bình dân từ miền xuôi cho tới miền ngược, từ vùng biển đảo, đồng bằng cho tới chốn thị thành, từ vùng đất màu mỡ đến vùng đất khô cằn, đâu đâu cây cũng sống được, cũng đem lại lợi ích cho người. Ở đâu cây chuối cũng phục vụ cho con người.

Lớp nghĩa hàm ẩn bên trong bài thơ là nói về hình tượng người phụ nữ, người mẹ Việt Nam. Cũng giống như loài cây chuối, cho dù sống ở đâu trên mọi vùng miền của Tổ quốc, cho dù làm công việc, nghề nghiệp gì người mẹ, người phụ nữ cũng luôn sống vì mục đích con cái, gia đình, tương lai giống nòi, dân tộc mà tự nguyện hiến dâng tất cả.

THÁI DŨNG

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.