Hội LHPN huyện Đông Anh:
Đối thoại để xây dựng môi trường sống an toàn bình đẳng cho trẻ em
(PNTĐ) - Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đông Anh luôn quan tâm thực hiện công tác trẻ em gắn với các chương trình, đề án, cuộc vận động của Hội, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, bình đẳng với phụ nữ, trẻ em. Để hoạt động có nhiều kết quả tích cực, mới đây Hội LHPN huyện Đông Anh đã tổ chức cuộc đối thoại giữa lãnh đạo huyện với trẻ em và phụ nữ về “Xây dựng môi trường sống an toàn, bình đẳng”.
Khát vọng về môi trường sống an toàn, bình đẳng cho trẻ em
Tại cuộc đối thoại, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh cho biết: Để xây dựng môi trường sống an toàn, bình đẳng cho phụ nữ, trẻ em, các cấp Hội trong huyện đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành như công an, các cơ sở giáo dục nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn. Nhiều hoạt động phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật; đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái đã được triển khai có hiệu quả. Được biết, thời gian qua các cấp Hội Phụ nữ huyện Đông Anh còn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các thành viên trong gia đình và cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em.

chia sẻ hoạt động xây dựng môi trường sống an toàn, bình đẳng cho phụ nữ, trẻ em
Thể hiện mong muốn của mình tại cuộc đối thoại, các nhóm học sinh THCS, THPT một số trường học trên địa bàn huyện Đông Anh là: THCS Ngô Quyền và THCS Vĩnh Ngọc đã trình bày nội dụng về ước mơ về một sân chơi an toàn và thân thiện cho trẻ em; trường THCS Nguyễn Huy Tưởng và THCS Cổ Loa mong đợi về một không gian giao thông công cộng an toàn với trẻ xung quanh khu vực trường học và nhà dân; trường THPT Vân Nội hướng tới một cuộc sống phát triển toàn diện cho trẻ - giảm tình trạng bạo lực và thương tích với trẻ. Các vấn đề trình bày bao gồm 3 phần: Thực trạng, nguyên nhân, giải pháp đã nói lên những trăn trở cũng như mong ước của trẻ em trong xã hội ngày nay. Điển hình như học sinh Nguyễn Thành Phương (trường THCS Cổ Loa) và Trần Tuệ San (trường THCS Nguyễn Huy Tưởng) đã đưa ra những hình ảnh, số liệu về tình hình mất an toàn giao thông trên địa bàn đồng thời đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng này. Em Trần Tuệ San nói: Các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong tham gia giao thông bằng các hình thức như phát tờ rơi, tuyên truyền nhóm, phát loa di động... nhằm giúp người dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Hay học sinh trường THCS Ngô Quyền và THCS Vĩnh Ngọc đã nói lên ước mơ về sân chơi thân thiện dành cho trẻ em. Sân chơi là nơi vui chơi để trẻ em có thể “cất cánh” và phát triển mà chúng có thể thỏa thích chạy nhảy, ẩn nấp, hò hét và khám phá một phần nào đó của thế giới. Sân chơi sẽ tạo cho chúng em có không gian hoạt động ngoài trời. Thay vì sử dụng điện thoại, máy tính trong hàng giờ thì chúng em có thể ra ngoài vui chơi cùng bạn bè và người thân. Còn các em Nguyễn Thị Hiền Mai và Nguyễn Đức Hiệp trường THPT Vân Nội (Đông Anh) đã khiến nhiều người xúc động khi kể về những người bạn của mình bị bạo hành gia đình, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng này.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đối thoại với trẻ em
và phụ nữ huyện Đông Anh
Những vấn đề liên quan đến môi trường an toàn trẻ em cũng được bà Ngô Thúy Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Vân Nội, huyện Đông Anh băn khoăn, nhất là về vấn đề con trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường sử dụng Internet như thế nào? Cần phải giúp đỡ hỗ trợ trẻ nghiện mạng ra sao? "Vấn đề trẻ em nghiện sử dụng internet đang trở nên đáng báo động và tôi lo lắng khi chúng ta khó kiểm soát được việc con trẻ sử dụng Internet hàng ngày" - bà Hà chia sẻ. Cũng theo bà Hà, cấp ủy, chính quyền huyện Đông Anh đã chỉ đạo Phòng Văn hóa huyện tiến hành rà soát các nhà mạng trên địa bàn huyện và số người sử dụng điện thoại thông minh để đưa vào quản lý. Tôi mong công tác này cần có sự quan tâm hơn nữa và thực hiện triệt để hơn, đồng thời các trường học cần tăng cường các tiết học kỹ năng sống để trẻ em được trang bị kiến thức tự bảo vệ cho mình.

Cần lắng nghe, thấu hiểu để chăm sóc trẻ tốt hơn
Từ những ý kiến, kiến nghị tham gia đối thoại trực tiếp của các em học sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám và đại diện các ban, ngành liên quan đã trả lời thỏa đáng, chia sẻ cũng như đồng cảm với những ý kiến mà các em đưa ra. Đồng thời thông tin về những kế hoạch, những chương trình hành động của huyện trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Anh nói: Các vấn đề của các nhóm học sinh đưa ra rất thiết thực, đưa được thông tin bất cập đến với những người, những ngành có trách nhiệm. Cuộc đối thoại với học sinh này còn là một sân chơi bổ ích để rèn luyện kỹ năng cho trẻ. Qua lắng nghe trẻ nói, chúng ta thấy được trách nhiệm của người lớn, của cấp ủy, chính quyền trong việc quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Do đó, người lớn cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp cần lắng nghe, thấu hiểu trẻ em để chăm sóc trẻ tốt hơn và cho trẻ một môi trường phát triển toàn diện.

Trước những kiến nghị của học sinh, bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh trao đổi: Khi đời sống phát triển, đời sống của trẻ em được chăm lo tốt hơn, trẻ được tiếp xúc với phương tiện hiện đại, được học hành tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, môi trường sống của trẻ cũng không tránh khỏi những nguy cơ mất an toàn, bất bình đẳng. Bà Tám khẳng định: Các thông điệp, kiến nghị của các em tại cuộc đối thoại là thông tin quý báu và sẽ được gửi tới các ban, ngành liên quan để có những giải pháp thực hiện tốt nhất trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới. Cuộc đối thoại này còn là nơi để lãnh đạo lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của trẻ, là cơ hội để trẻ em được trao đổi, bày tỏ các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề liên quan đến bản thân mình, giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng đến cuộc sống của các em. Bà Tám cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, địa phương, nhà trường, gia đình và cộng đồng xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là vấn đề phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích đối với trẻ em.