Đón năm mới bên những “mái ấm” nghĩa tình

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bất chấp cái lạnh của thời tiết, trong những ngôi nhà mới của các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hay “mái ấm” của trẻ em không nơi nương tựa, niềm vui, niềm hạnh phúc lại luôn tràn đầy. Niềm vui ấy dù nhỏ bé, đơn sơ nhưng đã góp phần thổi lên ngọn lửa yêu thương của cả cộng đồng, xã hội, nhất là trong những ngày sắp Tết đến, Xuân về.

Nụ cười trong căn nhà mới

Từ ngày có ngôi nhà mới nhỏ nhắn nhưng khang trang, kiên cố; khi những vất vả, lo toan, ưu phiền vơi bớt và được giải tỏa, làng xóm láng giềng luôn thấy bà Nguyễn Thị Thành (hội viên Chi hội Phụ nữ số 15, phường Bưởi, quận Tây Hồ) nở nụ cười phấn khởi và lạc quan. Chồng bà là cán bộ tiền khởi nghĩa đã mất năm 2008, bà không có con, hiện sống một mình. Vì đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày của bà chỉ trông chờ vào lương hưu và sự hỗ trợ, giúp đỡ từ dòng họ.

Căn nhà của bà được xây dựng từ những năm 1976 hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, hàng năm vào mùa mưa ngôi nhà bị dột nặng, ẩm thấp khiến cuộc sống của bà càng thêm phần khó khăn. Nhưng nhờ sự chung tay của Hội LHPN quận Tây Hồ (với 30 triệu đồng trích từ quỹ “Tuần lễ vàng”), dòng họ hỗ trợ 55 triệu đồng, từ tháng 4/2022, bà Thành đã có ngôi nhà mới sạch, đẹp được xây dựng trên nền diện tích 32m2.

Đón năm mới bên những “mái ấm” nghĩa tình - ảnh 1
Bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội (bên trái) và bà Lê Quỳnh Trang - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô (phải) động viên, chia vui với hội viên Trần Thị Thắm (Hà Đông, Hà Nội) Ảnh: T.H

Mỗi khi có người tới chơi, thăm, bà Thành lại hạnh phúc khoe: “Biết tôi có hoàn cảnh khó khăn, các chị em trong Hội Phụ nữ của quận, của phường và làng xóm, họ hàng luôn tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ hết mình. Bây giờ, tuổi đã cao, thu nhập lại hạn hẹp, nếu không có số tiền hỗ trợ của cộng đồng và gia đình, chắc tôi chưa thể đủ khả năng xây nhà mới. Đối với tôi, thì Tết năm nay chắc chắn sẽ là một trong những cái Tết ấm áp nhất, bởi không chỉ được ở trong ngôi nhà mới mà còn cảm thấy thật sự ấm áp về nghĩa tình”.

Và không riêng với bà Thành, đó cũng là cảm xúc của chị Trần Thị Thắm (hội viên Phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thuộc Tổ dân phố 14, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội). Những ngày Tết cận kề cũng là lúc ngôi nhà mới của gia đình chị đi vào những bước hoàn thiện cuối cùng. Năm nay, dù vắng bóng người chồng, nhưng ngôi nhà của chị Thắm và các con không hề lạnh lẽo bởi luôn được sưởi ấm bằng tình cảm, sự quan tâm của họ hàng, làng xóm và rất nhiều ban, ngành đoàn thể như: Phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hội LHPN Hà Nội các cấp và Báo Phụ nữ Thủ đô.

Đón năm mới bên những “mái ấm” nghĩa tình - ảnh 2
Bà Lê Quỳnh Trang  - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô trao hỗ trợ cho học sinh học giỏi vượt khó huyện Thanh Trì trước thềm năm mới Ảnh: T.H

Nhớ lại những ngày gian khó trước đây, chị Thắm không khỏi xúc động: Tôi thực sự quá hạnh phúc, vẫn ngỡ đây là một giấc mơ. Nhờ sự giúp đỡ, tiếp sức của cả cộng đồng, mẹ con tôi mới có được số tiền lên tới hơn 400 triệu đồng để xây một “mái ấm” kiên cố, rộng rãi (nhà 2 tầng, 1 tum, diện tích 5m2/sàn) như bây giờ. Năm nay, chúng tôi không còn lo phải sống cảnh chật chội, nơm nớp sợ mỗi khi một trận mưa bất chợt ập đến hay đợt không khí lạnh đột ngột ùa về; mà sẽ có một năm mới trọn vẹn, ấm áp, nhiều hơn những niềm vui, tiếng cười trong “mái ấm” nghĩa tình.

Điểm tựa từ “mái ấm” thứ hai

Những ngày cuối năm, dù công việc nhiều bề bộn, nhưng chị Trần Anh Hồng – Chủ tịch Hội LHPN phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn không quên thường xuyên ghé thăm cháu Nguyễn Phạm Minh Thư (SN 2012), đang sinh sống tại Tổ 8, phường Mai Động – trường hợp được Hội LHPN phường nhận đỡ đầu trong thời gian qua.

Ở lứa tuổi hồn nhiên, vô tư, Thư lại phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các bạn đồng trang lứa. Bố mất năm 2022, mẹ ra đi hồi tháng 9/2021 do bệnh nặng, Thư phải ở với ông bà nội nay đã ngoài 80. Lần nào nhắc tới hoàn cảnh của cháu mình, bà Nguyễn Thị Hoa – bà nội Thư cũng nghẹn ngào: Giá kể cháu nó còn bố, hoặc mẹ thì đỡ, đằng này lại mồ côi cả hai. Là ông là bà, chúng tôi thương các cháu lắm nhưng kinh tế không có, tuổi cao sức yếu, khó tránh khỏi nhiều khi “lực bất tòng tâm”. Ngay như việc đưa đón cháu đi học, tôi cũng phải nhờ các bác hàng xóm giúp vì chân tôi đau lắm không đi được, ông nhà thì mắc zona thần kinh, trời lạnh 6-70C cũng không mặc được áo.

Đón năm mới bên những “mái ấm” nghĩa tình - ảnh 3
Bà Trần Tố Nga và cháu Nguyễn Ngọc Anh (8 tuổi, huyện Thường Tín, Hà Nội)  Ảnh: T.H

“Cũng may gia đình tôi được Hội LHPN và bà con hàng xóm quan tâm, giúp đỡ. Tháng nào cũng thế, các cô các chị trong Hội Phụ nữ phường Mai Động đều đến tận nhà hỗ trợ cháu Thư chi phí học tập, sinh hoạt; hỏi han, động viên cháu nỗ lực, kiên cường vượt lên nghịch cảnh, phấn đấu học tâp thật tốt. Tình cảm, sự giúp đỡ ấy với chúng tôi, nhất là cháu Thư quý giá vô cùng, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những ngày này, khi Tết đang đến rất gần, dù sẽ có những hụt hẫng vì không được sum vầy bên bố mẹ, nhưng sự quan tâm, đồng hành, chia sẻ của các cô, các chị trong Hội Phụ nữ cũng đã giúp cháu Thư có thêm điểm tựa, thêm hy vọng trong năm mới, cho tương lai mới” – bà Hoa bày tỏ.

Cùng với cháu Nguyễn Phạm Minh Thư, đâu đó ngoài xã hội vẫn còn rất nhiều những mảnh đời với số phận vô cùng éo le, nhất là sau khi dịch Covid-19 đi qua. Như câu chuyện của 2 cháu Nguyễn Ngọc Anh (8 tuổi) và Nguyễn Chí Dũng (10 tuổi), ở xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội. Bố mất từ khi bé Dũng lên 5 tuổi, mẹ bỏ đi nhiều năm nay, cả 2 anh em sống cùng ông bà nội. Ông nội các cháu bị tàn tật phải ngồi xe lăn đã mấy chục năm, còn bà nội thì không có công việc ổn định. 

Nhưng nhờ sự đồng hành của “mẹ đỡ đầu” là công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh (mỗi tháng ủng hộ 1 triệu đồng/cháu), sự chia sẻ của bà Trần Tố Nga (10 triệu đồng), các cháu đã được tiếp thêm động lực trong cuộc sống. Các “mẹ đỡ đầu” giống như một “mái ấm” thứ hai trong lòng các cháu, để những tâm hồn còn thơ ngây, non trẻ có điểm tựa, có sức mạnh vươn tới một tương lai tươi sáng hơn.

Đón năm mới bên những “mái ấm” nghĩa tình - ảnh 4
Nụ cười hạnh phúc của chị Trần Thị Thắm (Hà Đông, Hà Nội) khi được đón năm mới trong một ngôi nhà mới khang trang, ấm cúng Ảnh: T.H
Tính đến tháng 11/2022, Hội LHPN các quận, huyện, thị xã Hà Nội đã khởi công, bàn giao 137/61 mái ấm tình thương đăng ký, với tổng số tiền lên tới 4,22 tỷ đồng. Hội LHPN Thành phố và 30/30 đơn vị quận, huyện, thị xã cũng đăng ký và giúp đỡ được 1.547/1.788 trẻ em mồ côi (tỷ lệ 86,5%). Các cấp Hội cũng tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, kết nối các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng quà, nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập và nhận đỡ đầu 1.144 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với mức từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng trong thời gian 1 năm, 3 năm, 5 năm và đến năm 18 tuổi.
Riêng Báo Phụ nữ Thủ đô, trong năm 2022 đã phối hợp với các đơn vị tài trợ để hỗ trợ kinh phí xây, sửa 14 mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trị giá 360 triệu đồng; tặng 1 công trình trang thiết bị dạy học với trị giá 140 triệu đồng cho điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Đắk Long, xã Đắk Long, huyện Đắk Glei, tỉnh KonTum; tặng 150 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi tại tỉnh Sơn La và một số quận, huyện của Hà Nội (mỗi suất gồm quà và 1 triệu đồng tiền mặt)... 
 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mình làm hòa, chồng nhé

Mình làm hòa, chồng nhé

(PNTĐ) - Ngọc luôn tự tin cho rằng Hòa dù có là người đàn ông lý tưởng bao nhiêu thì anh vẫn rất may mắn mới lấy được người vợ như cô, vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp của chồng. Thế nên mỗi khi chồng mắc lỗi, cô lại có một chiêu "phạt" khiến chàng phải quy phục ngay tức thì.
Chung tay đẩy lùi bạo lực

Chung tay đẩy lùi bạo lực

(PNTĐ) - Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới… là những giải pháp cần thực hiện để phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Những nỗi đau từ bạo lực giới

Những nỗi đau từ bạo lực giới

(PNTĐ) - Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang xảy ra không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.