Đồng hành cùng con vượt “vũ môn” mùa dịch

Chia sẻ

Mùa thi đã và đang đến với các sĩ tử cùng nhiều áp lực, thử thách. Ở giai đoạn “chạy nước rút”, học sinh chịu rất nhiều áp lực học tập và thi cử. Đứng trước những kỳ thi quan trọng của cuộc đời, đặc biệt trong mùa dịch, các em rất cần sự quan tâm, đồng hành, động viên của cha mẹ để có thêm niềm tin và động lực phấn đấu.

Con hồi hộp, cha mẹ cũng “ngồi trên đống lửa”

Những ngày này, các địa phương trong cả nước đều lên kế hoạch và phương thức thi vào lớp 10 công lập và thi tốt nghiệp THPT. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT đã và đang cân đối, xem xét để đưa ra một phương án hợp lý nhất như có thể điều chỉnh lịch thi, rút ngắn thời gian thi để đảm bảo an toàn cho các học sinh trong quá trình diễn ra thi cử.

Tại các gia đình, việc chuẩn bị ôn thi cho con cũng được cha mẹ “rốt ráo” từ nhiều tháng trước. Mang tâm lý hồi hộp trước kỳ thi quan trọng của con, chị Vũ Thị Bích Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm, chị đã chuẩn bị cho con học thêm các môn. Tuy nhiên, khi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4, việc học thêm của con bị gián đoạn. Dù đã quen với việc học qua zoom, nhưng chị cũng không khỏi lo lắng về việc con sẽ không đạt được kết quả học như mong đợi do không được qua các “lò luyện”. “Con trai tôi đăng ký thi vào lớp 10 trường THPT Lê Quý Đôn. Con tự chọn trường, tôi chỉ là người định hướng cho con. Mặc dù con nói là rất tự tin vào lực học của mình, nhưng tôi vẫn hết sức lo lắng” – chị nói.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT là một kỳ thi rất quan trọng. Năm nay, vì dịch bệnh nên các con không được đến trường học cùng thầy cô và các bạn, chỉ nhốt mình sau 4 bức tường ôn luyện. Tinh thần sĩ tử vì thế cũng không được thoải mái do sau những giờ học không được chơi đùa cùng các bạn. “Tôi luôn động viên con cố gắng hết sức mình có thể để có kết quả tốt nhất, vào được trường con mong muốn. Về phía con, con rất chịu khó và ý thức được việc mình phải cố gắng để vượt qua kỳ thi vào THPT” – chị Ngọc cho biết. Để giúp con có thể lực tốt, chị chuẩn bị thực đơn nhiều dinh dưỡng, đồ ăn sẵn, hoa quả làm nước trái cây hằng ngày cho con. Con gái chị năm nay học lớp 4 cũng giúp mẹ chuẩn bị cơm và mang lên tận phòng cho anh trai. Có nhiều hôm con say mê học đến đêm khuya vẫn chưa ngủ, chị lại thúc giục đi ngủ sớm để lấy sức ngày mai học tiếp.

Những ngày con đi thi, chị Ngọc chuẩn bị sẵn nước rửa tay khô, khẩu trang… cùng tư trang của sĩ tử đến trường thi. “Bên cạnh nỗ lực để có một kết quả tốt, con cần được bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong suốt quá trình thi”.

Đối với học sinh bậc THPT đang đứng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thì áp lực càng nhiều hơn. Có con gái đang học lớp 12, chị Trần Ngọc Nhi (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, mặc dù chưa có lịch thi tốt nghiệp THPT 2021 cụ thể, song chị luôn lo lắng và đặt việc học của con lên hàng đầu. Trong đó, việc đảm bảo sức khoẻ cho con cũng là điều vô cùng quan trọng. Chị thường xuyên lên mạng để tìm hiểu, bổ sung các chất dinh dưỡng vào bữa ăn hằng ngày cho con. Đồng thời, sau mỗi buổi học căng thẳng, chị lại cùng con chạy bộ quanh khu chung cư để thư giãn tăng cường sức khoẻ cho việc học và ôn thi. “Trong danh sách các môn thi có môn Lịch sử. Con trai tôi học yếu nhất là môn này, do đó con rất áp lực. Tôi phải thuê gia sư riêng, dạy qua… zoom, dù chất lượng có thể không bằng học trực tiếp nhưng cũng bù đắp được những thiếu hụt của con” – chị nói.

Không thuê gia sư riêng như chị Nhi, chị Nguyễn Thị Mai (Thanh Trì, Hà Nội) lại tự mình làm gia sư các môn xã hội cho con trai. Chị cho biết, con trai chị học rất tốt các môn tự nhiên, nhưng lại học lệch môn xã hội. Do vậy, chị giảm bớt công việc của mình để đồng hành cùng con, tự mình làm “gia sư” ôn lại kiến thức cho con. “Cũng may là tôi vẫn còn nhớ các kiến thức cũ để theo con suốt quá trình học” – chị cho biết. Đối với việc chọn trường đại học, chị không ép con phải đỗ trường này, trường kia mà cho con lựa chọn trường theo đam mê của mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đặt niềm tin vào con

Biết con chưa thật sự tập trung, có nhiều môn học chưa đạt được yêu cầu, nên chị Lê Kim Ngân (Hoàng Mai, Hà Nội) không khỏi lo lắng khi con sắp thi tốt nghiệp THPT. Từ ngày con học trực tuyến, không có gia sư hoặc thầy cô kèm học, vợ chồng chị thay phiên nhau nghỉ việc để túc trực, giám sát việc học trực tuyến của con. Điều này không chỉ khiến cho công việc của vợ chồng chị bị gián đoạn, hai vợ chồng mệt mỏi, khó chịu mà còn gây ức chế cho con, khiến con càng mất tập trung hơn. Chính vì thế, chất lượng học tập của con chị cũng giảm đi chứ không khá hơn như mong đợi. “Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến diễn ra vào ngày 7-8/7/2021. Với tình hình dịch bệnh căng thẳng như thế này, tôi sợ lịch thi sẽ thay đổi về thời gian và cách thức thi cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Các con đã quen với hình thức thi như mọi năm, sự thay đổi có thể sẽ khiến các con bất ngờ, ảnh hưởng đến chất lượng bài thi” – chị Ngân lo lắng. Để giảm căng thẳng cho con, chị thường xuyên cùng con cập nhật thông tin của Bộ GD&ĐT để định hướng, giúp con chủ động hơn trong việc học.

Không quá giám sát con, chị Hoàng Thị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) lại tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con ôn thi hiệu quả như trang bị phương tiện, đồ dùng, thiết bị máy tính, điện thoại, chất lượng mạng… Chị sắp xếp cho con học ở một phòng riêng. Chị cho rằng, cha mẹ cần rèn cho con tính tự giác ngay từ đầu, để không phải đau đầu tìm cách quản thúc việc học của con. Chị lắp camera ngay trong phòng học để theo dõi việc học. Con chị chủ động ôn bài, giữa giờ có thể tự nghỉ. Qua camera, chị nắm được tình hình con học ở nhà, mà không quá mất công giám sát hay điều chỉnh, gây áp lực cho con…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chia sẻ về vấn đề này, giảng viên Lưu Thị Yến, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ra lời khuyên, một trong những yếu tố quan trọng nhất mà học sinh cần trang bị trước kỳ thi chính là sự tự tin - tin rằng mình xứng đáng có được kết quả cao nhất và chinh phục kỳ thi tốt nhất. “Giai đoạn chuẩn bị cho thi cử, các em luôn có tâm lý rất hồi hộp, lo lắng. Đặc biệt là khi thời gian ôn tập không còn nhiều, các em cần phát huy tinh thần tự học, quyết tâm để đạt kết quả thi theo nguyện vọng. Mỗi em cần tự lên kế hoạch ôn tập riêng cho mình theo quỹ thời gian của bản thân. Kế hoạch càng cụ thể càng tốt. Trước ngày thi, nếu còn băn khoăn, lo lắng về kỳ thi, các em có thể trao đổi, chia sẻ với thầy cô, cha mẹ để vững vàng tâm lý và kiến thức, tự tin chinh phục các bài thi, đạt được kết quả như nguyện vọng. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần có niềm tin vào khả năng của con để con luôn cảm thấy tự tin với lực học của mình. Cha mẹ cần giúp con tìm thấy ý nghĩa thực sự của việc học tập suốt đời, đặc biệt là trước mỗi kỳ “vượt vũ môn”. Ngoài việc ôn thi tốt, học sinh phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch, nếu không thực sự cần thiết thì hạn chế tập trung đông người…” – chị Yến cho biết.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.