Du lịch an toàn trong điều kiện “bình thường mới”

Tú An
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong điều kiện “bình thường mới”, các gia đình không nên “xả láng” hay coi cuộc sống đã hoàn toàn bình thường như trước đây khi đi du lịch trải nghiệm, mà hãy luôn giữ nguyên tắc 5K an toàn trong phòng, chống dịch bệnh...

Thoải mái nhưng không “xả láng”

Là người mẹ có sở thích du lịch trải nghiệm, song dù khi cả gia đình đều đã nhiễm Covid-19, chị Thanh Thảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn ngần ngại trong việc quyết định đặt vé cho cả gia đình đi chơi xa. Theo chị Thảo, thời điểm này, dịch vẫn còn chưa kết thúc, thậm chí các nhà chức trách còn cảnh báo có nguy cơ bùng phát trở lại, do đó, chỉ cần chủ quan, sơ suất trong phòng, ngừa dịch bệnh, sẽ có nguy cơ phải đối mặt với đợt dịch mới. “Con trai tôi đã tái nhiễm Covid-19 lần hai, tình trạng nhiễm bệnh khá nặng. Do đó, tôi rất lo ngại khi đến chỗ đông người, đặc biệt là đi du lịch vào các ngày nghỉ lễ. Chúng tôi lựa chọn đến các công viên vắng người qua lại, hoặc đi nghỉ dưỡng ở ngoại thành 1-2 ngày cho các con trải nghiệm, khám phá tự nhiên, vừa không mất đi sự gắn kết vui vẻ, vừa tránh được nơi ồn ào náo nhiệt mà vẫn vui vẻ, thoải mái, đảm bảo phòng dịch cho gia đình” – chị Thảo chia sẻ.

Du lịch an toàn trong điều kiện “bình thường mới” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Gia đình anh Lê Triều (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại lựa chọn các điểm du lịch sinh thái ở ngay ngoại thành Hà Nội vào các dịp cuối tuần, như quán cà phê với phong cách camping có lều trại và đủ các vật dụng cắm trại ở cuối đường Thạch Cầu (Long Biên), Vườn quốc gia Ba Vì, các khu nghỉ dưỡng... “Ngay bên Long Biên, Hà Nội có nhiều địa điểm cắm trại và party gia đình rất thú vị, tổ chức tiệc gia đình ở đây khá ổn, có vườn cỏ xanh có thể cho trẻ con tự do vui chơi thỏa thích, bố mẹ đơn giản chỉ là thư giãn, vừa ăn vừa ngắm các con vui chơi. Vườn có những món đồ chơi nhỏ như nhà bóng, xúc cát, bia mini, bóng đá, vượt cá suối, chăm sóc vật nuôi… khiến bọn trẻ rất thích. Cả khu vườn phủ màu xanh của cỏ non, lều trại xinh xắn tiện nghi, khu bếp BBQ nướng bằng đá… ” - anh Triều chia sẻ trải nghiệm của gia đình mình.

Không lựa chọn các chuyến du lịch truyền thống, chị Khánh Hường (Hà Nội) cũng vừa chia sẻ chuyến du lịch xuyên Hà Nội - Nha Trang trong 7 ngày 6 đêm với chặng đường 1.300km bằng xe ôtô riêng của gia đình cùng chồng và hai con: con lớn 5 tuổi, con bé 2 tuổi. Chị Hường cho biết, vợ chồng chị đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19, song hai con vẫn chưa tiêm. Thời điểm dịch bệnh, cả gia đình chị đều chưa nhiễm bệnh. Do đó, dịp này, khách đi du lịch đã đông trở lại, ngay cả ngày thường, nên không tránh khỏi việc các phương tiện công cộng như tàu hỏa, máy bay sẽ rất đông người, không đảm bảo phòng dịch. Với tinh thần mong muốn cho con có những trải nghiệm văn hóa địa phương, không quá tham “check in” nhiều địa điểm mà chỉ cần lưu lại dấu ấn của bọn trẻ ở từng nơi mà con đến, chị đã lựa chọn chuyến đi dài ngày bằng ô tô riêng. Đồng thời, chị không lựa chọn khách sạn lớn hay resort mà tìm những nơi có đặc điểm khác biệt để các con có thêm nhiều trải nghiệm về không gian và phong cách khác nhau.

Để chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày, trước khi đi, chị Hường lập một bảng kế hoạch bao gồm điểm dừng chân, thời gian dừng chân, điểm ăn và chơi được tham khảo từ mọi người trong các nhóm du lịch; sau đó, chị lập danh sách các đồ dùng cần mang cho chuyến đi, không thể thiếu khẩu trang, mũ kính, sát khuẩn, giấy ướt, thuốc dự phòng… Chuyến đi kéo dài 7 ngày 6 đêm của chị đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, qua các điểm dừng đỗ như Vinh (Nghệ An), nghỉ lại ở Vũng Chùa (Quảng Bình) để tắm biển và nghỉ ngơi, qua đêm ở gần động Phong Nha (Kẻ Bàng); đến Huế tham quan Cảnh Dương, Lăng Cô rồi ghé đến Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn… sau đó về Nha Trang. “Quê tôi ở Nha Trang nên chuyến đi này như một trải nghiệm thú vị khi về quê ngoại. Hiện cả nhà đang ở Nha Trang khoảng 1 tháng, rồi sẽ tiếp tục tính thời điểm thích hợp để hoàn thành chuyến đi xuyên Việt đến Cà Mau” – chị Hường nói. 

Du lịch an toàn trong điều kiện “bình thường mới” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Theo chị Hường, để chuyến đi được vui vẻ, chị luôn giữ năng lượng tích cực, tôn trọng sở thích và mong muốn của các thành viên. Ví dụ như chồng chị không thích đi xa và đi nhiều nên khi chồng mệt và không muốn đi tham quan, chị để chồng ngồi nghỉ ngơi hoặc massage thư giãn, còn mình đi tham quan một số nơi gần đó. Suốt chặng đường đều có điểm dừng chân nghỉ dưỡng giữa các lần dậy sớm, chơi khuya và đi nhiều để ai cũng cảm nhận được cảnh đẹp ở nơi đến mà không cảm thấy mệt mỏi.

Vui nhưng vẫn phòng ngừa dịch bệnh

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Công ty TNHH Mạnh Linh School Psychology cho rằng, nhiều nghiên cứu cho thấy, việc thực hiện các biện pháp xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng xã hội của trẻ em. Do hạn chế tiếp xúc vì dịch bệnh, trẻ em đã bỏ lỡ rất nhiều trải nghiệm, từ việc đi công viên chơi đến việc quan sát bố mẹ tương tác với những người khác như thế nào, đến đi du lịch khám phá các địa danh mới, trải nghiệm giao tiếp với mọi người xung quanh... Vì vậy, khi đỉnh dịch qua đi, cha mẹ hãy tận dụng thời gian để cùng con đọc sách, đến các nhà sách, ra các khu vui chơi công cộng, không cần đến những nơi đông người. Bố mẹ cố gắng đọc sách cho trẻ em nhiều nhất có thể vì việc đọc sẽ giúp chúng phát triển ngôn ngữ tốt hơn và việc đọc cũng là cách giúp bổ sung kiến thức về thế giới.

Theo chuyên gia Mạnh Linh, hiện tại dịch đã “dễ thở” hơn, do đó, các gia đình có thể cho con ra ngoài tham gia các hoạt động xã hội. Bởi, thời gian trong nhà kéo dài đã khiến các con căng thẳng, kỹ năng xã hội của các con bị xao nhãng. Tâm lý chỉ sinh ra trong hoạt động và giao tiếp, các con được vận động, tham gia hoạt động xã hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, thời điểm này, cha mẹ cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng hoạt động nào là cần thiết, đặt an toàn lên hàng đầu. “Tham gia các hoạt động xã hội, trải nghiệm thì không cần thiết phải đến chỗ đông người, không nhất thiết phải đi du lịch xa mà chỉ cần có nơi để giao tiếp. Cụ thể như: Bố mẹ có thể cho con về quê để vừa tăng tình cảm gia đình, vừa có điều kiện vui chơi khác với môi trường bốn bức tường nhà mà các em vẫn phải náu mình lánh dịch vừa qua. Nếu những gia đình quê xa, hoặc quá gần thì vài gia đình chung nhau đi cắm trại, dã ngoại” - chuyên gia tâm lý Mạnh Linh cho biết.

Du lịch an toàn trong điều kiện “bình thường mới” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Còn dược sĩ Phạm Quốc Vinh (người sáng lập phong trào các CLB Yoga cười Việt Nam, thành viên sáng lập nhóm zalo Tập thở và yoga cười để hỗ trợ cho các bệnh nhân đã và đang nhiễm bệnh Covid-19 học cách thở đúng kỹ thuật và giải tỏa sự căng thẳng do dịch bệnh) cho biết, một nghiên cứu cho thấy có 33-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài ít nhất 6 tháng, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện. Hiện nay, dịch bệnh tạm lắng xuống, tuy nhiên, vấn đề sức khỏe hậu Covid-19 vẫn đang tồn tại, thậm chí có thể đối mặt với đợt dịch mới, do đó, mỗi người cần tạo thói quen tập thở mỗi ngày để giúp phổi khỏe mạnh. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần tạo một môi trường sống lành mạnh, tăng cường thể dục thể thao, thư giãn, giải trí để vượt qua những yếu tố tâm lý và sức khỏe do Covid-19 mang lại. 

Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ như hiện nay, nhịp sống trên các công trường, nhà máy, trường học, tại các làng quê, thôn xóm, phố phường đã được trở lại trạng thái bình thường mới. Mỗi người dân cũng cần xác định rõ, chưa biết khi nào thì dịch Covid-19 có thể chấm dứt, bị đẩy lùi hoàn toàn. Thế nên, hơn bao giờ hết, để thích ứng an toàn trong điều kiện “bình thường mới” thì ý thức của mỗi người dân, của cộng đồng là cực kỳ quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định đầu tiên. Mỗi người dân vẫn phải thực hiện nghiêm, thực hiện thật tốt những quy định về phòng, chống dịch của Nhà nước, nhất là nguyên tắc 5K của Bộ Y tế; không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; thay đổi tâm thế, tư duy, thói quen để thích ứng, không chỉ bảo vệ mình mà còn cả người thân, cộng đồng…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.