Đừng đợi lúc con ốm

Chia sẻ

Hồi nhỏ, tôi thường thích mình bị ốm. Đó là bởi tôi sẽ được ăn món ăn mình thích và được mẹ quan tâm, chăm sóc nhiều hơn.

Khi tôi bị ốm, mẹ hỏi tôi thích ăn gì để mẹ mua. Thường thì tôi chọn ăn phở bò. Gần nhà tôi có quán phở bò rất ngon, sáng nào đi học qua, tôi cũng mê mệt vì mùi thơm từ nồi nước dùng đang bốc khói nghi ngút. Nhưng, tôi ít khi có vinh hạnh được bước vào hàng phở. Nhà tôi quanh năm suốt tháng toàn ăn cơm mẹ nấu. Bố mẹ tôi là công nhân nên việc đi ăn ngoài quả là xa xỉ.

Chỉ có lúc ốm tôi mới được phá lệ là vậy. Hiềm nỗi, ngày thường tôi thèm phở là thế mà khi ốm, mẹ mang phở tới tận miệng mà tôi ăn lại chẳng thấy ngon mấy. Miệng tôi đắng chát, tôi cố gắng lắm cũng chỉ được nửa bát. Mẹ tiếc của, bỏ cơm nguội vào chỗ phở còn lại rồi ăn cho hết. Tôi nằm trên giường, nghĩ giá mà lúc khoẻ, tôi được ăn chỗ phở này thì thật là tuyệt. Nhưng thôi nói chung, vẫn cứ thích ốm vì chả mấy khi được ăn phở.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bố mẹ tôi phải làm cả thứ 7, tối lại tranh thủ nhận gấp hộp giấy cho mấy chủ sản xuất bánh mứt kẹo để kiếm thêm tiền. Nỗi lo mưu sinh khiến bố mẹ tôi vất vả quanh năm suốt tháng. Chỉ tới khi tôi bị ốm, mẹ mới dám xin nghỉ làm ở nhà trông tôi. Tôi nằm trên giường, còn mẹ thì ngồi gấp hộp giấy trên sàn nhà. Thi thoảng mẹ quay sang hỏi tôi cảm thấy thế nào, có đỡ không. Rồi mẹ cặp nhiệt độ cho tôi, thay cho tôi cái khăn mặt đắp trán. Tôi lại ước, giá như ngay cả lúc tôi khoẻ cả nhà tôi cũng được sống chậm như vậy thì thích quá. Song trách làm sao được bố mẹ. Thời đấy, nhà nào cũng rất khó khăn.

Những kỷ niệm ấy đã theo tôi cho tới tận bây giờ, khi tôi đã trở thành mẹ của một cô con gái 12 tuổi. Cái suy nghĩ ốm là được ăn ngon, vỗ về đã ăn vào suy nghĩ khiến mỗi lần nghe ai đó nói đang bị ốm, tôi lại tự nhủ một cách vô thức: “Sướng thế”.

Cho đến lần đó, con tôi bị ốm. Cơn sốt dịch khiến con vật vã trên giường. Tôi vội vã nghỉ làm để ở nhà trông con, giống như mẹ tôi xưa kia. Con tôi bình thường nhanh nhẹn, líu lo là thế, vậy mà khi bị ốm, chỉ thiêm thiếp, chẳng thiết gì. Tôi hỏi con ăn gì, cháu cũng lắc đầu từ chối. Tôi dỗ dành, nói con cố gắng để khoẻ lại để hai mẹ con tôi còn đi chơi đây đó, con cũng lắc đầu nói chẳng muốn đi. Sau gần 3 ngày uống thuốc, con mới vượt qua cơn sốt. Ấy vậy mà câu đầu tiên cháu nói khi người tỉnh táo trở lại: “Mẹ ơi, giá con cứ ốm mãi để mẹ được ở nhà thật nhiều với con”. Câu nói của con khiến tôi bừng tỉnh, nhớ lại chính mình ngày xưa. Cũng như con, tôi từng rất thích mình bị ốm. Chỉ khác là bây giờ, con tôi thích ốm không phải để được ăn một bát phở bò mà để được tôi chăm sóc. Cuộc sống khá hơn, nhu cầu ăn ngon của con người giờ đã bão hoà. Nhưng, chưa bao giờ, con người ta thấy hết nhu cầu được yêu thương.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Câu nói của con khiến tôi thắc thỏm. Tôi nghĩ, tại sao, tôi cứ phải chờ tới lúc con bị ốm thì mới chăm sóc, làm những điều tốt cho con.

Từ đó, tôi quyết định mỗi ngày trôi qua, tôi sẽ luôn cố gắng làm những điều gì đó có ích cho con mình, để con có thể luôn cảm nhận thấy có sự quan tâm của tôi mà không cần tới khi bị ốm.

Tối nào, dù công việc có bận rộn đến đâu, tôi cũng quyết định dành ra ít nhất 45 phút để trò chuyện cùng con, đọc truyện cho con trước khi đi ngủ. Khi con tôi muốn mẹ chơi cùng, tôi sẽ không còn cáu kỉnh, nói con đừng làm phiền vì tôi còn đang bận việc này, việc kia.

Tôi cũng không cần đợi tới lúc con ốm mới hỏi thăm, nói lời yêu thương với con. Đôi khi, ngay cả khi con khoẻ, tôi cũng hỏi con có cần gì không để tôi giúp con.

Cũng không cần đợi tới khi con ốm, tôi mới cùng con làm những điều con thích. Thực sự, tôi cũng chưa dư dả gì, tiền kiếm ra chi tiêu còn phải dè xẻn nhưng khi cần, tôi vẫn có thể cùng con đến một nhà hàng để đãi con một món con thích. Được nhìn con vui vẻ, ăn ngon miệng, còn tôi cũng được giải phóng khỏi công việc nội trợ, tôi thấy chút “phung phí” của mình như vậy, âu cũng đáng lắm chứ.

Không cần đợi tới lúc con ốm, tôi mới nhận ra trách nhiệm làm mẹ của mình. Sự chủ động yêu thương con mỗi ngày đã giúp tôi có những tháng ngày vui vẻ, hạnh phúc bên con.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.