Đường về Phum

Chia sẻ

Bài thơ “Đường về phum” của nhà thơ Vương Trọng viết về cuộc sống đang hồi sinh trở lại ở một vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc, khu vực đất nước Campuchia giáp với Việt Nam.

Chiều vàng nhạt trên lưng đôi bò kéo
Xe bánh cao chở gỗ qua đồng
Trên gỗ, mẹ ngồi cho con bú
Hạnh phúc đằm trong đôi cánh tay nâng

Con ngửa mặt: trời xanh sau bầu vú
Một vùng trời ngực mẹ tạo hình nên
Có mây trắng tan hoà dòng sữa
Con uống vào rồi con biết bay lên

Tán thốt nốt cũng nằm sau ngực mẹ
Có ống bương đang bú sữa giữa trời
Trái xoài chín đung đưa khe khẽ
Cũng mang hình bầu vú đấy thôi!

Mẹ nhìn xuống: da con màu ngực mẹ
Ơn mặt trời cho nắng lặn vào trong
Trời trở gió thì mưa cho mát mẻ
Con uống mưa cùng sữa mẹ chung dòng

Trời nổi sấm, mẹ con cùng nghe sấm
Tiếng trống trời cho cây múa rom-vông
Con có lạnh, ngực mẹ đây lửa ấm
Ủ yên con giấc ngủ ngang đồng…

Chiều sắp lặn, khói xanh nhà mới lợp
Dậy đi con, nào cặp mắt tròn xinh
Chú bộ đội Việt Nam đang đứng gác
Nhìn qua vai con thấy rõ phum mình.
                                         Pai-lin, 7/1984.
                                          Vương Trọng

Đường về Phum - ảnh 1

LỜI BÌNH:

"Phum" là đơn vị cư trú, đồng thời là tổ chức xã hội cổ truyền của người Khmer ở nông thôn Nam Bộ cũng như tại Campuchia, tương đương như thôn, làng của người Kinh. Bài gồm sáu khổ với 24 câu thơ đan xen bảy và tám âm tiết. Những câu thơ đầu phác họa nên bức tranh hoàng hôn trên cánh đồng. Nổi bật giữa cảnh chiều tà cùng không gian làng quê là chiếc xe bò kéo chở gỗ đang lăn bánh. Trên đó, một người mẹ ngồi cho con bú. Cảnh tượng gợi lên cuộc sống thật yên bình: "Chiều vàng nhạt trên lưng đôi bò kéo/ Xe bánh cao chở gỗ qua đồng/ Trên gỗ, mẹ ngồi cho con bú/ Hạnh phúc đằm trong đôi cánh tay nâng". Với sự quan sát tinh tế, nhà thơ tái hiện hình ảnh con người và cảnh vật rất sống động. Hai khổ thơ tiếp, thi sĩ hóa thân vào đứa trẻ để cảm nhận xung quanh: “Con ngửa mặt: trời xanh sau bầu vú/ Một vùng trời ngực mẹ tạo hình nên”. Em bé nhìn thế giới rất thơ ngây, trong trẻo. Vũ trụ với em tất cả là bầu vú mẹ, trên cao mây trắng cũng như: “Tan hòa dòng sữa/ Con uống vào rồi con biết bay lên”. Đến cả tán thốt nốt tất cả đều “nằm sau ngực mẹ”. Cách miêu tả rất chân thực, hoàn toàn phù hợp với tâm lý trẻ thơ. Tương đồng với bé ngước nhìn lên là hình ảnh người mẹ của em: “Mẹ nhìn xuống: da con màu ngực mẹ/ Ơn mặt trời cho nắng lặn vào trong/ Trời trở gió thì mưa cho mát mẻ/ Con uống mưa cùng sữa mẹ chung dòng…”. Khổ thơ như một thi ảnh hòa hợp giữa người và cảnh vật gợi liên tưởng tới bức họa Đức Mẹ Maria bồng Chúa hài đồng. Cả hai đều mang vẻ đẹp trong trắng, gợi cảm những điều thiện lành. Xung quanh hai mẹ con, dù mưa gió, sấm chớp cũng không có gì đáng sợ “Trời nổi sấm, mẹ con cùng nghe sấm/ Tiếng trống trời cho cây múa rom-vông/ Con có lạnh, ngực mẹ đây lửa ấm/ Ủ yên con giấc ngủ ngang đồng…”. Người mẹ và đứa con, cả hai cùng tiếp thêm cho nhau sức mạnh bởi tình mẫu tử thiêng liêng và đều thật sự hạnh phúc. Khổ thơ cuối lại là một bức họa khác bằng thơ. Đó là chân dung người lính tình nguyện Việt Nam: “Chiều sắp lặn, khói xanh nhà mới lợp/ Dậy đi con, nào cặp mắt tròn xinh/ Chú bộ đội Việt Nam đang đứng gác/ Nhìn qua vai con thấy rõ phum mình”. Hình ảnh khói xanh nhà mới lợp nói lên rất rõ nhịp sống bình thường đã trở lại nơi đây. Về nhà giữa lúc mặt trời đang lặn, người mẹ lay thức gọi con và chợt thấy anh bộ đội Việt Nam đang đứng gác. Anh làm công việc âm thầm, lặng lẽ bởi: “Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời” (Tố Hữu). Các anh đã từng chiến đấu để giành lại sự sống cho bà con nơi đây, các anh quyết giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân được hồi sinh và tiếp tục phát triển, cho em thơ được lớn lên trong vòng tay ấm êm của người mẹ.

Thi phẩm như một lát cắt chân thực của đời sống cho thấy tình hữu nghị sâu lắng giữa hai ngước Việt Nam – Campuchia và hành động vì nghĩa lớn cao cả rất nhân văn của các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.