Gan nhiễm mỡ ở trẻ em

NGỌC VĂN (Theo Khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ở trẻ em, bệnh gan nhiễm mỡ còn được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (nonalcoholic fatty liver disease – NAFLD) là tình trạng chất béo dư thừa được lưu trữ trong gan. Sự tích tụ chất béo này không phải do sử dụng nhiều rượu.

Bệnh gồm 2 thể chính là gan nhiễm mỡ nhẹ và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH). Gan nhiễm mỡ nhẹ là dạng NAFLD trong đó trẻ bị tăng chất béo trong gan nhưng ít hoặc không bị viêm, hoặc tổn thương tế bào gan. NASH là dạng NAFLD, trong đó trẻ bị viêm gan và tổn thương tế bào gan, bên cạnh việc tích tụ chất béo trong gan.

Ai có nhiều khả năng phát triển bệnh?

Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy tỷ lệ nam mắc bệnh cao hơn nữ, tuy nhiên ở nữ giới lại có nguy cơ xơ hóa tiến triển cao hơn. Trẻ em mắc một số bệnh, bao gồm béo phì và các tình trạng liên quan đến béo phì, có nhiều khả năng phát triển bệnh gan nhiễm mỡ.

Tỷ lệ lưu hành của bệnh được báo cáo là cao nhất ở Nam Mỹ và Trung Đông (>30%), tiếp theo là châu Á (27%) và Bắc Mỹ và châu Âu với tỷ lệ lưu hành lần lượt là 24% và 23%. Bệnh ít phổ biến hơn ở trẻ em Mỹ gốc Phi.

Các biến chứng của bệnh 

Trẻ em bị gan nhiễm mỡ có nhiều nguy cơ phát triển các biến chứng về gan và các vấn đề sức khỏe khác.

Biến chứng gan: Phần lớn trẻ em bị gan nhiễm mỡ nhẹ, thường không phát triển các biến chứng về gan. Tuy nhiên, một số trẻ bị bệnh NASH có thể dẫn đến các biến chứng về gan như xơ gan và ung thư gan. Nếu xơ gan dẫn đến suy gan, có thể cần phải ghép gan.

Trẻ em bị gan nhiễm mỡ có nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe cao hơn, bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 2, hội chứng chuyển hóa, các tình trạng có thể là một biểu hiện của hội chứng chuyển hóa, chẳng hạn như tăng huyết áp, tăng mỡ máu. Những người mắc hội chứng chuyển hóa có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và xơ cứng động mạch khi trưởng thành.

Gan nhiễm mỡ ở trẻ em - ảnh 1
Ảnh minh họa

Các triệu chứng của gan nhiễm mỡ ở trẻ em

Bệnh thường diễn biến thầm lặng với ít hoặc không có triệu chứng. Trẻ em có thể không có triệu chứng ngay cả khi chúng phát triển thành xơ gan. Tuy nhiên, một khi các triệu chứng phát sinh, trẻ có thể đã bị tổn thương gan vĩnh viễn. Nếu trẻ em có các triệu chứng của bệnh, trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, dễ mệt hoặc khó chịu vùng gan, ở phía trên bên phải của bụng.

Nguyên nhân gây ra bệnh ở trẻ em?

Các chuyên gia vẫn chưa biết chính xác lý do tại sao một số người tích tụ chất béo trong gan trong khi những người khác thì không. Nhưng gan nhiễm mỡ đều có mối liên hệ với những điều sau: Thừa cân hoặc béo phì; kháng insulin, trong đó các tế bào của cơ thể không hấp thụ đường để đáp ứng với hormone insulin; tăng đường huyết, cho thấy tiền tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2; mỡ máu tăng cao, đặc biệt là triglycerid.

Những vấn đề sức khỏe này xuất hiện, thúc đẩy sự tích tụ chất béo trong gan. Đối với một số người, chất béo dư thừa này hoạt động như một chất độc đối với các tế bào gan, gây viêm gan có thể dẫn đến sự tích tụ các mô sẹo trong gan. Một số gen nhất định cũng có thể làm tăng cơ hội phát triển NASH của trẻ. 

Các yếu tố nguy cơ của bệnh: Cholesterol máu cao; triglycerid trong máu cao; hội chứng chuyển hóa; béo phì, đặc biệt là béo bụng; hội chứng buồng trứng đa nang; chứng ngưng thở lúc ngủ; bệnh tiểu đường tuýp 2; suy tuyến giáp; suy tuyến yên.

Làm gì để phòng ngừa, điều trị bệnh

Các bác sĩ khuyến cáo trẻ thừa cân hoặc béo phì nên giảm cân để điều trị gan nhiễm mỡ. Trẻ nhỏ cố gắng duy trì cân nặng khi chiều cao của chúng tăng lên. Quan trọng nhất là tránh tình trạng tăng cân, muốn vậy phải thay đổi lối sống cho trẻ.

Tránh đồ uống có đường, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Để trẻ khỏe mạnh, cần thực hiện một số hướng dẫn bao gồm: Đồ uống chỉ bao gồm nước hoặc sữa không béo, chất béo trong chế độ ăn nên bao gồm 25–30% lượng calo hàng ngày và chế độ ăn uống nên bao gồm thực phẩm giàu chất.

Tập thể dục cường độ trung bình đến cao hàng ngày. Trẻ em nên có 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Ngoài ra, nên cho trẻ hoạt động thể lực cường độ mạnh 3 ngày trong tuần, vận động tăng cường cơ bắp 3 ngày trong tuần, vận động thể lực tăng cường cho xương 3 ngày trong tuần. Thời gian sử dụng thiết bị điện tử dưới 2 giờ/ngày.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.