Gia đình lục đục vì em chồng

M. Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bữa cơm chiều bỗng trở nên ảm đạm bởi thông tin chồng chị đem đến: Mẹ chồng chị giao cho anh chị phải lo của hồi môn và cỗ cưới cho em chồng chuẩn bị kết hôn. Lần nào cũng thế, chỉ cần nhắc đến em chồng, vợ chồng chị lại mặt nặng mày nhẹ với nhau.

Anh và chị cưới nhau đã 6 năm. Con trai đầu của anh chị nay đã được 4 tuổi. Anh chị đều làm việc ở thành phố cách nhà nội 40km nên chị gần như không phải làm dâu. Cứ cách 2 - 3 tháng, vào dịp cuối tuần, anh chị lại chở con về thăm ông bà. Mọi người nhìn vào ai cũng bảo chị số sướng. Bản thân chị trước khi cưới cũng đã nghĩ như thế và thở phào vì không phải sống chung với mẹ chồng. Song, cưới về chị mới ngã ngửa khi anh chị phải thay bố mẹ chồng chăm lo cho 2 đứa em chồng.

Cưới xong, anh chị dọn về căn nhà cấp bốn rộng chừng 30m2 ở thành phố trống tuếch. Nhìn trong nhà chẳng có cả giường nằm chị thấy chạnh lòng. Khi đó anh động viên chị rằng "Nhà mình dù sao cũng có chỗ chui ra chui vào, thế là may rồi em ạ. Vợ chồng mình yêu thương nhau sẽ cùng cố gắng. Cuộc sống tương lai sẽ tốt thôi".

Nghe anh nói chị ấm lòng hơn. Ấy thế nhưng mọi thử thách vẫn còn ở phía trước. Vì bố mẹ chồng ở xa, nhà anh có 2 đứa em sinh đôi khi ấy mới học cấp 2. Vậy là mẹ anh gọi điện bảo: “Anh chị cho các em ở nhờ để đi học trên đó. Bố mẹ ở quê không có điều kiện chăm lo tốt được cho các em". Dù băn khoăn nhưng chị vẫn phải đồng ý với lý do mẹ chồng đưa ra và dù sao thì chồng chị cũng là con trưởng, cần có trách nhiệm chăm lo cho các em.

Chưa làm mẹ, nhưng chị phải lo cơm nước, học hành cho hai đứa em còn hơn chăm con mọn. Đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng lo cho 4 miệng ăn, đã thế 2 đứa cũng không thiết tha chuyện học hành, đứa em trai còn ham chơi điện tử khiến bao lần anh chị khốn đốn vì nó bỏ học đi chơi. Đến lớp 11, em gái chồng nằng nặc đòi bỏ học đi làm may kiếm tiền, em trai bỏ học nhiều nên nhà trường cũng không nhận.

Cứ dăm bữa nửa tháng lại thấy có người đến nhà hoặc nhắn đòi tiền đứa em trai nợ vì chơi game. Còn em gái làm công nhân lương ba cọc ba đồng lại phải thuê nhà trọ không kham nổi nên sau 1 năm không ở cùng anh chị thì lại quay về sống cùng.

Gia đình lục đục  vì em chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngày trước, sau khi nghỉ học giữa chừng lớp 11, chú em đi làm nhưng dăm bữa nửa tháng lại nghỉ. Chỗ thì bảo làm không hợp, chỗ chê lương thấp gò bó thời gian. Chỉ có chị hiểu rằng tất cả là do ham mê chơi điện tử mà ra. Anh thay ba mẹ nuôi em, lo đủ mọi chi phí từ ăn uống, tiền tiêu vặt... Dù đã đi làm nhưng chưa bao giờ em đóng góp một đồng sinh hoạt phí nào.

Đôi lần chị ý kiến với chồng về việc em trai nên góp tiền hàng tháng để có trách nhiệm nhưng chồng chị gạt đi. Anh bảo: “Ăn uống cũng chỉ thêm bát thêm đũa chứ đáng là bao. Lo được chừng ấy năm thì giờ gắng chút có sao mà kêu đóng góp”. Chị nghe vậy, thấy ức chế trong lòng. Ngày trước vợ chồng son đã đành, giờ vợ chồng đã có thêm 2 đứa con nên cũng phát sinh bao nhiêu chi phí phải lo. Đã thế, đi làm về em chồng lại lao vào phòng bật máy lạnh lướt điện thoại đến giờ ăn mới xuống, quần áo bẩn cũng chỉ biết quăng bừa vào máy giặt rồi để đấy.

Đến khi em trai chồng cưới vợ, anh chị lo cho từ A đến Z chẳng thiếu gì. Việc của chú ấy chỉ là ôm bó hoa đi đón dâu. Cưới vợ cho chú em rồi, chị tưởng chừng như trút được gánh nặng. Vậy mà, em trai ở cùng dưới quê với bố mẹ song cũng chẳng tu chí làm ăn, thường xuyên nhắn tin xin hoặc mượn tiền anh trai.

Có lần mượn hàng chục triệu chưa kể hàng tháng xin lai rai vài trăm đến vài triệu. Ngày vợ chú em sinh con, hai vợ chồng đi viện mà trong túi cũng chẳng có đồng nào, vậy là vợ chồng chị lại là người đứng ra lo toan. Bực nhất là vừa đầu năm ngoái, vợ chồng chị phải đứt ruột bỏ ra 50 triệu đồng trả tiền nợ ngân hàng cho em trai chồng vì em mượn sổ đỏ của anh chị cầm cố để vay tiền khởi nghiệp nhưng không thành công.

Trước đây, chị biết chuyện em trai mượn tiền nên không ít lần nói với anh đừng bao bọc mãi, phải để em trưởng thành nhưng anh lại quát chị: “Tiền anh làm ra, tiêu vào việc gì là quyền anh. Anh vẫn lo cho vợ con anh, còn anh quan tâm em anh thì là sai à, nó nhờ anh chứ có nhờ em đâu”. Chị bực lắm nhưng không nói gì nữa. Từ ngày đó, mỗi lần em trai gọi điện, anh đều tránh mặt chị để nghe. Chị im lặng nhưng trong lòng rất buồn bực vì cách cư xử của chồng.

Em trai đã thế, gần đây, vì chuyện chuẩn bị quà cưới cho em gái chồng mà vợ chồng chị luôn luôn trong tình trạng “chiến tranh”. Nhà bố mẹ chồng không khá giả, nên chị nói chồng bảo ông bà tổ chức đơn giản thôi nhưng anh lại cho rằng chị tiếc tiền, không quan tâm tới bộ mặt của gia đình chồng nên chỉ nhỏ to bàn chuyện với cha mẹ. Nhà có mỗi cô con gái, nghe nói lấy chồng nhà giàu có chị cũng mừng cho cô.

Trong buổi họp gia đình, mẹ chồng yêu cầu anh chị ít nhất phải mua cho em 5 chỉ vàng và đưa cho mẹ một số tiền để làm cỗ. Lý do bà đưa ra là “nhà người ta giàu có, mình cũng phải làm sao cho tương xứng với người ta”. Chị nghe xong thì hoảng thật sự.

Gia đình lục đục  vì em chồng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nghĩ lại ngày cưới của mình, mẹ chồng trao cho chị một chỉ vàng và hôm sau phàn nàn “đám cưới ở quê không được đồng lãi nào lại còn phải bù lỗ”. Vậy nên tiền mừng cưới của anh em họ hàng cho, chồng bảo chị đưa hết cho mẹ chồng để trả nợ. Đến cả chỉ vàng bà đã cho chị hôm cưới cũng phải bán vì đến kỳ nộp học phí cho hai em mà mẹ chồng kêu lo đám cưới nên không còn tiền. Một chỉ vàng chẳng đáng bao nhiêu song cư xử của nhà chồng khi đó khiến chị đến bây giờ vẫn cảm thấy rất tủi thân.

Chị bảo anh: Chúng mình ở thành phố, hai vợ chồng đi làm, lương tính ra chỉ đủ nuôi hai đứa con, tiền làm nhà còn chưa trả xong, còn tiền điện nước, chi phí sinh hoạt các kiểu. Chắt bóp thu vén mới bỏ ra được chút để dành. Giờ chỉ vì chút của hồi môn của em chồng, chỉ vì chút sĩ diện trong ngày cưới mà bố mẹ bắt chúng ta phải lo toan như thế có đáng không? Anh luôn nói, bố mẹ nuôi khôn lớn học hành, giờ đi làm thì phải báo hiếu bố mẹ một chút.

Chị giận quá liền nói lại: “Em cũng bố mẹ nuôi lớn học hành mà chẳng bao giờ thấy anh nhắc đến ông bà ngoại một câu. Cô ý lấy chồng, anh chị cho cái gì, cho bao nhiêu là tùy lòng anh chị. Nhà họ giàu thì kệ họ, mình cứ tỏ ra sĩ diện làm gì”.

Chỉ mới nghe thế, chồng chị đã làm ầm lên, anh mắng chị không biết giữ thể diện cho nhà chồng, rồi còn nói chị cứ đụng đến tiền là như “đỉa phải vôi”, tính toán chi li nhiều ít. Rồi anh đùng đùng xách xe ra khỏi nhà bỏ cả bữa cơm tối. Chị ngẩn ngơ ngồi bên mâm cơm tự hỏi chẳng biết mình suy nghĩ thế và nói thế với chồng là đúng hay là sai, hay là chị như anh bảo khác máu tanh lòng, song chị hiểu nếu cuộc sống cứ mãi thế này thì sớm hay muộn gia đình nhỏ bé của mình sẽ thật khó mà giữ gìn được hạnh phúc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.