Giấc mơ bay vào vũ trụ của cô gái Mỹ gốc Mexico

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vượt qua thử thách, Katya Echazarreta đã trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Mexico đầu tiên bay vào vũ trụ mang theo sứ mệnh truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho nhiều phụ nữ trẻ.

Người phụ nữ Mỹ gốc Mexico đầu tiên bay vào không gian

Trên con tàu vũ trụ màu trắng mang tên New Shepard cất cánh từ căn cứ của Blue Origin (công ty tên lửa thuộc sở hữu của tỷ phú Jeff Bezos) ở phía Tây bang Texas, Hoa Kỳ, phi hành đoàn gồm 6 người trong đó có Katya Echazarreta được đưa lên vùng rìa không gian quỹ đạo thấp ở độ cao khoảng hơn 100km so với bề mặt Trái đất, cả đoàn ở lại khu vực này trong vài phút ở trạng thái không trọng lực để hành khách có thể ngắm toàn cảnh không gian bên ngoài Trái đất trước khi quay trở về.

Điều đáng nói là trong khi các vị khách khác đã phải bỏ ra một số tiền rất lớn để có một ghế trên con tàu này thì Katya Echazarreta, hiện đang là kỹ sư thông tin đến từ Guadalajara (Mexico) được tổ chức phi lợi nhuận Space for Humanity lựa chọn từ hàng ngàn ứng viên tham gia chuyến du hành. Nhờ vinh dự này, Katya đã trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Mexico đầu tiên bay vào không gian.

Giấc mơ bay vào vũ trụ của cô gái Mỹ gốc Mexico - ảnh 1
Katya Echazarreta cùng thông điệp theo đuổi đam mê dành tặng các bạn trẻ - Ảnh: internet

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhập cư, khi mới lên 7 tuổi, Katya từng bị choáng ngợp bởi cô đang sống ở một nơi mà bản thân hoàn toàn “không thể nói” do không biết tiếng Anh, thậm chí, cô từng bị giáo viên chủ nhiệm cảnh báo về việc có thể sẽ bị trục xuất về nước do gặp khó khăn trong việc hòa nhập. Những thách thức dù quá lớn so với một cô bé 7 tuổi nhưng không làm Katya nao núng, cô quả quyết: “Những sự khó khăn này càng cho tôi (khi ấy đang là một cô bé lớp 3) có thêm động lực. Tôi đã không ngừng học hỏi”. 10 năm sau, khi trở thành một thiếu nữ, Katya cũng không có được niềm vui thời “nổi loạn” như các thiếu niên khác, cô trở thành trụ cột nuôi sống cả gia đình với những đồng lương ít ỏi từ công việc ở cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald. 

Hơn ai hết, Katya nhận thức rõ nhất con đường giúp cô và gia đình thoát khỏi sự nghèo đói và định kiến, đó là học tập. “Học đại học quan trọng với tôi đến mức tôi đã làm tới 4 công việc chỉ để có thêm tiền đi học”, cô chia sẻ. Katya hiện đang hoàn thành bằng thạc sỹ thuộc chuyên ngành kỹ sư tại đại học Johns Hopkins. Cô từng làm việc tại phòng thí nghiệm động cơ phản lực danh tiếng Jet Propulsion Laboratory (JPL) của NASA tại California.

Khi “trụ cột gia đình” trở thành người truyền cảm hứng 

Xuất phát từ báo cáo của một số phi hành gia trong các chuyến bay vào vũ trụ, rằng, trong khi nhìn Trái đất từ bên ngoài không gian, họ sẽ trải qua một thứ gọi là hiệu ứng tổng quan –  là một sự thay đổi trong nhận thức đối với cộng đồng. Tổ chức Space for Humanity được thành lập năm 2017 bởi Dylan Taylor - nhà đầu tư trong lĩnh vực khoa học vũ trụ với sứ mệnh: “Đưa 10.000 người thuộc đa dạng lĩnh vực ngành nghề lên vũ trụ, nhằm thay đổi nhận thức của con người, dân chủ hóa không gian và cải thiện tình trạng của Thế giới”. Những người được tổ chức này lựa chọn thường được gọi là “các nhà lãnh đạo xuất chúng”. 

Giấc mơ bay vào vũ trụ của cô gái Mỹ gốc Mexico - ảnh 2
Katya Echazarreta là người phụ nữ duy nhất trong chuyến bay lên vũ trụ Ảnh: Twitter Katya Echazarreta

Giám đốc Space for Humanity, Rachel Lyons cho biết: “Chúng tôi luôn tìm kiếm những người là thủ lĩnh trong cộng đồng của họ, có phạm vi ảnh hưởng nhất định cùng những đóng góp tuyệt vời và luôn hết mình trong mọi việc”. Katya được lựa chọn bởi những đóng góp ấn tượng của cô dành cho cộng đồng.

Trong quá trình ngắm nhìn “hành tinh xanh” từ ngoài không gian, Katya cho biết cô đã suy nghĩ rất nhiều về việc trở thành kỹ sư của JPL, cô cảm thấy cô độc vì dường như không có nhiều phụ nữ trong ngành này, đặc biệt là phụ nữ nhập cư. “Chắc chắn có rất nhiều người có giấc mơ giống với tôi trên thế giới này. Tuy nhiên, tôi không thấy có ai ở đây cả. Tôi đã tự hỏi chuyện gì đang diễn ra? Và tôi cảm thấy cần phải hành động để giúp những phụ nữ khác thực hiện được mơ ước của họ” - Katya chia sẻ. 

Không chỉ gói gọn với đam mê của bản thân, nữ phi hành gia còn khẳng định điều mà cô muốn làm khi quay trở về Trái đất là tiếp tục nỗ lực giúp đỡ, ủng hộ và đưa phụ nữ da màu lên vũ trụ, giúp họ thực hiện những điều họ muốn. “Nó là không đủ nếu chỉ có tôi làm được và được ở đây. Tôi cần giúp mọi người được như mình” - cô nói thêm và cho biết bản thân đã trải nghiệm hiệu ứng tổng quan “theo cách của riêng mình”. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.