Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

Luật sư Trần Thu Thủy
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bà nội tôi có 4 người con. Ông nội tôi mất sớm từ lúc bà nội vẫn còn trẻ. Bố tôi là con trai út. Khi bà tôi còn khỏe, bà đã ủy quyền cho bố tôi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên bà để bà làm di chúc cho bố tôi căn nhà đang ở. Sau khi làm giấy ủy quyền cho bố tôi, thủ tục để làm Giấy CNQSDĐ chưa hoàn tất thì bà tôi mất. Xin hỏi, bố tôi có được thừa hưởng căn nhà theo di nguyện của bà không? ( Phạm Đông-Cầu Giấy)

Giấy ủy quyền có thay được di chúc? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời:

Việc bà của bạn ủy quyền cho bố bạn trong phạm vi ủy quyền là đi làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ. Theo Điều 140 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hạn ủy quyền được quy định cụ thể như sau:

“Điều 140. Thời hạn đại diện

1. Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thời hạn đại diện được xác định như sau:

a) Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;

b) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.

3. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận;

b) Thời hạn ủy quyền đã hết;

c) Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;

d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này;

g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

4. Đại diện theo pháp luật chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;

b) Người được đại diện là cá nhân chết;

c) Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

d) Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.”

Như vậy, đối với trường hợp mà bạn hỏi, thì Giấy ủy quyền của bà nội bạn cho bố của bạn bị chấm dứt theo điểm b, khoản 4 điều luật trên.

Khi còn sống, bà bạn mong muốn căn nhà nêu trên được để lại cho bố bạn thể hiện bằng hình thức lập di chúc, tuy nhiên, việc làm thủ tục cấp GCNQSDĐ chưa thực hiện được, di chúc của bà vì thế cũng chưa kịp xác lập, do vậy di sản của bà để lại phải được chia theo pháp luật.

Điều 650 Bộ luật Dân sự quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật: 

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.

Theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật Dân sự thì tài sản của bà được chia theo hàng thừa kế: Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người để lại di sản. Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất của bà bạn hiện tại ngoài bố bạn ra thì còn 3 người con khác. Mỗi người được ¼ khối tài sản của bà.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục