Giúp phụ nữ tự tin khởi nghiệp thành công

Bài và ảnh: Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhằm khơi dậy tinh thần của chị em phụ nữ trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát huy thế mạnh của phụ nữ, vươn lên phát triển kinh tế bền vững, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực hỗ trợ hội viên khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, thành lập và phát triển các mô hình, cách làm sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Những tấm gương Dám nghĩ dám làm

Chị Trần Thị Yến, hội viên phụ nữ thôn Tân Phong 2, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, một trong những thành viên của HTX nông nghiệp Vân Phong tiêu biểu cho hình ảnh một phụ nữ dám nghĩ dám làm, mạnh dạn tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp với ý tưởng sáng tạo, phát triển mô hình trồng cây gai xanh phục vụ dệt vải. Năm 2019, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu nhận thấy cây gai xanh có nhiều đặc tính tốt như: Thân vỏ có thể sản xuất thành sợi dệt vải chất lượng tốt, lá được sử dụng làm bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu, sản xuất chất màu tự nhiên phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm, chị đã trao đổi với lãnh đạo HTX để khởi nghiệp tại địa phương bằng việc phát triển cây gai xanh. Chị Yến cho biết, từ khi trồng thí điểm, cây gai xanh đã cho thu hoạch 3 vụ, trung bình khoảng 18 tạ/ha đem lại thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng/ha. 

Giúp phụ nữ tự tin khởi nghiệp thành công - ảnh 1
Hội LHPN huyện Sóc Sơn giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương do phụ nữ thực hiện

Điểm nổi bật đó là mô hình này không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường vì cây gai xanh giúp cải thiện độ xói mòn và bảo vệ đất hiệu quả, đồng thời giúp cho hàng chục lao động tại địa phương có thu nhập ổn định. Hiện, mô hình đang được nhân rộng tại các xã lân cận như Yên Bài, Thuần Mỹ, Minh Quang, Khánh Thượng… Để ghi nhận những nỗ lực của chị em trong khởi nghiệp sáng tạo, năm 2020, tại “Ngày hội phụ nữ Thủ đô Khởi nghiệp sáng tạo – Kết nối thành công” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức, ý tưởng sáng tạo trong việc trồng cây gai xanh phục vụ dệt vải của HTX nông nghiệp Phong Vân là một trong 10 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo được biểu dương và vinh danh. 

Còn tại quận Long Biên, chị Lê Thị Ánh, phường Phúc Đồng lại lựa chọn khởi nghiệp bằng chính những món ăn do mình tự tay chế biến. Chị Ánh chia sẻ, chị có đam mê nấu ăn, rất thích nấu những món ăn ngon phục vụ gia đình, rồi đem tặng người thân, bạn bè... Những món ăn của chị được mọi người khen ngợi, “tiếng lành đồn xa”, cứ thế nhiều người biết đến và đặt mua. Cũng chính nhờ Hội Phụ nữ phường và Chi hội số 6 giúp đỡ cho vay vốn, chị đã mở cửa hàng bán bánh đa cua đồng và có mức thu nhập ổn định, kinh tế gia đình khá giả hơn. Không những vậy chị còn liên kết với một số chị em khéo tay làm các loại bánh bán theo đơn hàng ngày. Vào những dịp Hội Phụ nữ quận, phường tổ chức ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, gian hàng của chị Ánh giới thiệu các loại bánh như: Bánh bao, bánh đúc, bánh da lợn, bánh xu xê, bánh bột lọc, xôi cốm hạt sen... đều thu hút rất đông cán bộ hội viên phụ nữ và khách tham quan mua sắm và yêu thích.

Giúp phụ nữ tự tin khởi nghiệp thành công - ảnh 2
Các đại biểu thăm gian hàng giới thiệu của cán bộ, hội viên phụ nữ và thành viên CLB nữ doanh nhân huyện Quốc Oai

Tổ chức Hội kết nối hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Khuyến khích và động viên nữ chủ doanh nghiệp thay đổi các hình thức, phương thức kinh doanh, quản lý điều hành để phát triển doanh nghiệp như mô hình thành lập hợp tác xã, các nhóm, tổ liên kết là một trong những cách làm hiệu quả đã được Hội LHPN huyện Sóc Sơn thực hiện trong thời gian qua. Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Hội Phụ nữ đã tổ chức các buổi tập huấn kiến thức “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” về các kỹ năng điều hành, quản lý, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, Luật Doanh nghiệp cho 1.430 phụ nữ; hỗ trợ giúp 148 phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp với số tiền 1.950 triệu đồng. Hội đẩy mạnh nâng cao chất lượng Câu lạc bộ nữ doanh nhân huyện thông qua nhiều hình thức: Giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tham quan học tập mô hình tốt, sáng tạo…  Kết quả, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập được 4 hợp tác xã là HTX Tâm Ngọc, HTX Trái tim hồng, HTX Sức sống xanh, HTX Giun quế GHT với đa dạng sản phẩm, ngành nghề như: Trà thảo dược, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ văn phòng phẩm, nuôi giun quế và các sản phẩm từ thịt lợn được nuôi bằng giun quế… Sau khi các HTX được thành lập, Hội Phụ nữ đã tiếp tục hỗ trợ thủ tục giúp các HTX đăng ký thành công sản phẩm OCOP. Điển hình như HTX Trái tim hồng có 8 sản phẩm về hạt gỗ mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; HTX Tâm Ngọc với 3 sản phẩm về trà thảo dược đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; Hỗ trợ thương hiệu bánh chưng xanh Hải Yến 20 được cấp chứng nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 4 sao… 

Giúp phụ nữ tự tin khởi nghiệp thành công - ảnh 3
Các đại biểu đại diện lãnh đạo quận Long Biên, Hội Phụ nữ quận chấm điểm các gian hàng khởi nghiệp của phụ nữ tại ngày hội “Phụ nữ Long Biên sáng tạo khởi nghiệp” 
năm 2022. 

Ở huyện Quốc Oai, Hội Phụ nữ đẩy mạnh biện pháp thường xuyên tiếp cận và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của hội viên phụ nữ, nữ doanh nghiệp để giúp đỡ, hỗ trợ chị em khởi nghiệp thành công. Trong năm 5 thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp” giai đoạn 2018-2025, các cấp Hội LHPN huyện đã tích cực triển khai thực hiện, phối hợp đào tạo nghề cho 1.766 lượt học viên, giới thiệu việc làm cho trên 1.600 lượt lao động nông thôn có việc làm ổn định mức thu nhập bình quân từ 5 đến 8 triệu/tháng. Hỗ trợ 83 phụ nữ khởi sự kinh doanh; tổ chức ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, đã có 2 sản phẩm được Hội LHPN Thành phố bình chọn là 1 trong 10 sản phẩm sáng tạo các năm 2018 và 2022…

 Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: 5 năm qua, thực hiện đề án đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025”, để xây dựng mạng lưới kết nổi hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ đã phối hợp với Liên minh HTX hướng dẫn thành lập mới 19 hợp tác xã, 22 tổ hợp tác, 39 nhóm liên kết kết nối 1.432 thành viên tham gia. Thông qua các mô hình kết nối đã giúp cho phụ nữ phát triển khởi nghiệp tăng doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp Hội LHPN Hà Nội cũng đã tổ chức 19 buổi tọa đàm, trưng bày giới thiệu sản phẩm của chuỗi sản xuất và cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố với sự tham gia của trên 1.000 lượt doanh nghiệp, HTX theo chuỗi... 

Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ tiếp tục hỗ trợ các doanh nhân nữ, phụ nữ mới khởi nghiệp có nhu cầu tiếp cận tín dụng từ các Ngân hàng, Tổ chức tín dụng, các Quỹ tín dụng trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Quốc gia và các địa phương. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; phát triển sản phẩm OCOP; đăng ký sở hữu trí tuệ cho các phát minh, các sản phẩm sản xuất/sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương và tiếp cận các chính sách mới về khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Nâng cao kỹ năng tư vấn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của cán bộ Hội phụ nữ, phát huy vai trò trách nhiệm là đầu mối phụ trách hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối các đơn vị liên quan hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.