“Gỡ khó” cho dạy và học online!

Chia sẻ

Thay vì “ngồi im chờ hết dịch”, nhiều giáo viên đang linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp để triển khai tốt nhất việc dạy trực tuyến cho học sinh gặp khó trong việc hòa nhập với hình thức dạy học này.

Sáng tạo, đổi mới giúp dạy học online hiệu quả

Việc dạy và học online toàn thời gian là việc làm chưa từng có tiền lệ, do đó, các thầy cô giáo cũng rất trăn trở và luôn tìm cách làm mới phương pháp giảng dạy sao cho học sinh cảm thấy hứng thú và hiểu bài hơn. Ngoài các bài giảng mẫu theo chương trình mới, các thầy cô học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về việc dạy học online như cách làm bài giảng trực tuyến trên bài giảng powerpoint, cách làm các games, trắc nghiệm, phiếu giao bài tập, cách thiết kế bài giảng đẹp, các vấn đề về trình chiếu, cách lồng tiếng vào bài giảng, cách sử dụng công cụ thiết kế, công cụ dạy và chấm bài online, cách sử dụng phần mềm dạy trực tuyến...

Cô Lê Thị Thu Hằng (giáo viên lớp 5 trường Tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông) chia sẻ: Để việc học online hiệu quả, đầu tiên giáo viên cần phải thống nhất về hình thức dạy và học với phụ huynh; Giới thiệu cho phụ huynh các phần mềm hỗ trợ để chủ động hướng dẫn con em mình tại nhà, tránh việc mất thời gian vào những bỡ ngỡ trong việc sử dụng phần mềm khi học. Thêm vào đó, giáo viên cũng hướng dẫn học sinh qua các buổi dạy online.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngoài Zoom, cô Hằng cho biết, nếu linh hoạt, giáo viên còn kết hợp thêm điện thoại hoặc máy quay để học sinh có thể nhìn rõ khi giáo viên giảng và viết bài trên bảng. Để kiểm tra và giao bài cho học sinh, hiện nay, giáo viên đã ứng dụng các phần mềm như Google Form, phần mềm khaothi.online, phần mềm Azota. OLM... “Để tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình dạy học, khi thiết kế bài học, tôi luôn cố gắng đưa thêm các trò chơi vào bài dạy. Ví dụ, tôi kết hợp ClassPoint vào bài giảng PowerPoint, sử dụng phần mềm tạo trò chơi như Kahoot, Quizizz, wheel of name, tạo trò chơi ô chữ thông qua phần mềm OlympiaCrossword...”, cô Thu Hằng chia sẻ.

Dạy trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn, đôi khi gây áp lực với chính thầy cô và các em học sinh. Với mong muốn được đồng hành cùng các đồng nghiệp bằng việc chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân, cô giáo Dương Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng trường THPT Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), người hai lần đoạt Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” đã phát triển mạng lưới hỗ trợ, đồng hành cùng các thầy cô trong giảng dạy trực tuyến, mang tên “Giáo viên sinh học sáng tạo”. Nhóm sẽ cùng nhau chia sẻ về cách thức tổ chức các hoạt động dạy học, tạo môi trường hỗ trợ thầy cô học tập, chia sẻ kinh nghiệm dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới. “Hàng tuần chúng tôi lên lịch chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến, dạy học theo chủ đề, dạy học STEM cũng như chia sẻ cách thức tổ chức dạy học” - cô Thu Hà cho biết. Theo cô, trong thời đại 4.0, thầy cô có thể học mọi lúc, mọi nơi, nhưng điều quan trọng nhất là giáo viên phải chủ động tự học những phần mình còn yếu, còn thiếu, phù hợp với bản thân mình trước khi chờ đợi sự tập huấn đồng bộ từ các đơn vị, tổ chức.

Người thầy sáng tạo phần mềm giúp học sinh học online hiệu quả

Suốt hơn 15 năm đứng lớp, thầy giáo Nguyễn Xuân Huân (giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi A, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ, chuyên môn và đã đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 khởi phát, thầy Huân đã đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường nhanh chóng xây dựng giải pháp ứng phó trong trường hợp xảy ra đại dịch, trong đó có giải pháp hệ thống học trực tuyến. Gần 2 tuần nỗ lực quên ăn, quên ngủ, cuối cùng, hệ thống LMS được hoàn thành với cơ sở vật chất sẵn có của nhà trường, bao gồm: Máy chủ Web Server được xây dựng từ máy tính PC sẵn có, 2 đường truyền mạng, thiết bị cân bằng tải, hệ thống thống phần mềm Server, LMS sử dụng phần mềm mã nguồn mở. Hệ thống giúp giáo viên và học sinh có thể thực hiện việc dạy và học thông qua các bài giảng điện tử E-Learning theo các chuẩn quốc tế: SCORM, AICC, đồng thời xây dựng bài học theo tiến trình lên lớp: kiểm tra bài cũ, đánh giá kiến thức theo từng phần, kiểm tra trắc nghiệm khách quan, giao bài tập về nhà trực tuyến…một cách dễ dàng, hiệu quả như học trực tiếp ở lớp.

Ngày 2/2/2020, toàn thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội lần đầu tiên, tất cả học sinh phải nghỉ và học ở nhà. Để hoàn thành chương trình giáo dục thì việc học qua mạng là một giải pháp cần thiết và duy nhất để tránh tập trung đông người, giảm tối đa nguy cơ lây bệnh. Các phần mềm họp trực tuyến như: Zoom, Google Meet, Jitsi, BBB… được sử dụng để dạy học. Đây là công cụ giúp giáo viên và học sinh có thể tương tác gần giống với phương pháp học truyền thống nhất.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Huân (giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi A, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cùng các học sinh của mìnhThầy giáo Nguyễn Xuân Huân (giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi A, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cùng các học sinh của mình

Do vướng một số quy định, hệ thống LMS do thầy Huân thiết kế chưa thể đưa vào sử dụng cho học sinh và giáo viên tại trường THCS Nguyễn Trãi ngay lúc đó. Thời gian này, việc dạy và học vẫn được tiến hành qua hệ thống họp trực tuyến Zoom. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian sử dụng, hệ thống Zoom bắt đầu xuất hiện các vấn đề. Trong quá trình dạy học, giáo viên không thể kiểm soát hết học sinh trong lớp đang làm gì, có chú ý vào bài giảng hay không. Trong giờ học, giáo viên cũng chỉ tương tác với một số rất nhỏ học sinh. Học qua Zoom còn phụ thuộc vào tốc độ và sự ổn định đường truyền internet của giáo viên, học sinh và sự đáp ứng của nhà cung cấp dịch vụ. Do đó, nếu trong quá trình học, học sinh gặp sự cố thì có thể bị bỏ qua một số nội dung kiến thức khiến bài học trở nên khó hiểu. Ngoài ra, tính bảo mật của Zoom cũng hạn chế do nguy cơ lộ mật khẩu và ID trong quá trình học, bị người ngoài vào làm phiền, chia sẻ hình ảnh, video xấu độc hay có những lời nói thiếu chuẩn mực làm ảnh hưởng rất lớn đến tiết học khiến giáo viên phải dừng dạy…

Trăn trở suy nghĩ, thầy Huân tiếp tục đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường nghiên cứu, xây dựng tiếp hệ thống tương tự như Zoom là BigBlueButton (BBB – là một dự án mã nguồn mở) và tích hợp vào trong hệ thống LMS. Chỉ cần duy nhất 1 tài khoản trên hệ thống do nhà trường cung cấp, học sinh dễ dàng đăng nhập vào học chỉ cần 1 click chuột mà không cần nhập ID và mật khẩu. Tài khoản của học sinh do nhà trường cấp, người ngoài không thể vào. Giáo viên dễ dàng kiểm soát được vấn đề đăng nhập và xác định lỗi trong quá trình học. “Hệ thống BBB kết hợp LMS đã được dạy thử nghiệm thành công với lớp 7A3 (năm học 2019-2020). Song, BBB là hệ thống yêu cầu rất cao về cấu hình nên chi phí thuê Server là không nhỏ nên việc áp dụng vào dạy học đại trà cần tính toán lại” – thầy Huân chia sẻ.

Cuối tháng 3/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hướng dẫn về việc công nhận dạy và học trực tuyến. Đây là cơ sở quan trọng để nhà trường đưa hệ thống LMS chính thức vào giảng dạy. Nhà trường cấp tài khoản, làm video hướng dẫn sử dụng cho giáo viên, học sinh khi tham gia dạy và học trên hệ thống LMS, hỗ trợ kỹ thuật cho phụ huynh và các đối tượng tham gia, quản trị hệ thống LMS và hệ thống server. Nhờ đó, giáo viên và học sinh trường THCS Nguyễn Trãi A đã hoàn thành tốt chương trình học năm 2019-2020 và năm 2020-2021 mà không gặp bất cứ sự cố nào.

Thầy Huân cho biết, hệ thống giáo dục qua mạng LMS có nhiều ưu điểm nổi bật như: giáo viên có thể thiết kế bài học tương tự như quá trình lên lớp. Trong mỗi buổi học, giáo viên có công cụ để đánh giá liên tục về chất lượng tiếp thu bài học của học sinh và căn cứ vào mức độ hoàn thành các bài test đó để biết được học sinh có học hay không và nắm được kiến thức đến đâu. Ngoài ra, hệ thống LMS còn theo dõi thời gian học sinh tham gia cho từng bài học, mất bao lâu để hoàn thành bài học. Các học sinh có thể chủ động hoàn thành bài kiểm tra trong khoảng thời gian cho phép của giáo viên... “Hệ thống LMS còn có các công cụ khác hỗ trợ: Giao bài tập và chấm điểm nhận xét học sinh, thông báo, lịch, chat, mạng xã hội, các nhóm trao đổi theo bộ môn, theo dõi trực tiếp quá trình thi trực tuyến… Tuy nhiên, để việc dạy và học trực tuyến hiệu quả, thì bên cạnh yêu cầu về giải pháp công nghệ, yếu tố then chốt là khả năng sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên, sự tự giác-ý thức học tập của học sinh và sự phối hợp của phụ huynh” – thầy Huân chia sẻ.

Với những thành tích trên, năm 2021, thầy Nguyễn Xuân Huân đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Q.An – M.Chi

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.