Góc văn hóa cháu yêu

Chia sẻ

Trong nhà, nơi ông thích nhất, không phải là cái cửa sổ có view nhìn ra hồ, cũng không phải phòng khách nơi mọi người thường ra đó ngồi xem tivi mà là một góc nhỏ trên tường. Nơi ấy, được ông đặt tên là: “Góc văn hóa cháu yêu”.

Chắc chắn, Góc văn hóa ấy sẽ không thể tìm thấy ở bất kỳ ngôi nhà nào khác ngoài nhà của ông nội. Vì ông chính là người đã có ý tưởng và tự tay “xây dựng” góc văn hóa trong nhiều năm trời. Khởi đầu từ việc lần đầu tiên cháu nội đầu của ông tự vẽ được một bức tranh năm lên 3 tuổi. Gọi là bức tranh cho oai thôi chứ đó là vài nét vẽ nguệch ngoạc chả khác nào trường phái siêu thực. Vậy mà ông nội trân trọng nâng niu, không cho ai vứt bức tranh đó đi và còn cẩn thận dán bức tranh lên một góc tường.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế rồi một thời gian sau, bên cạnh bức tranh lại có thêm… một bức tranh khác do các cháu khác của ông vẽ. Hoặc đó có thể là tờ phiếu bé ngoan cháu ông được cô giáo tặng vào cuối mỗi tuần đi học mẫu giáo về. Trong số đó, ông giữ lại mấy cái phiếu rồi lại dán lên tường. Cả trang vở ô ly tập viết những nét chữ đầu tiên của đứa cháu đi học lớp 1, giấy khen học sinh giỏi cuối năm của các cháu cũng được ông cẩn thận trưng bày trên tường như thể đó là những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất thế giới.

Ông đặt tên cho góc tường đó là “Góc văn hóa cháu yêu”. Qua mỗi năm, góc văn hóa mỗi ngày một phình to, dần dần chiếm lĩnh cả một mảng tường lớn. Nhìn xa, trông hệt như một góc tường được dán giấy xanh đỏ của lớp học mẫu giáo. Dự báo, với cách tuyển chọn của ông, sẽ có một ngày, góc văn hóa còn lan ra cả ngôi nhà.

Nhưng, ông nội không bận tâm về điều ấy. Thậm chí, khi có khách đến chơi, ông còn chủ động khoe với mọi người về “Góc văn hóa cháu yêu”. Mà ông nội giỏi lắm, ở tuổi ngoài 80 vẫn có thể nhớ được “hoàn cảnh” ra đời của từng bức tranh do cháu nào vẽ, vẽ lúc nào, vẽ trong hoàn cảnh nào, cái phiếu bé ngoan này là của cháu nào được nhận…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm ngoái, ngôi nhà được quét vôi, sửa sang lại cho mới. Thế nhưng, ông chỉ cho quét vôi lại các mảng tường khác trong nhà, riêng “Góc văn hóa cháu yêu”, ông không cho thợ động vào vì sợ khi gỡ xuống tác phẩm sẽ bị hỏng. Thành thử, trong nhà, giữa các bức tường mới, lại vẫn có một góc văn hóa trên bức tường cũ với nước vôi đã nhạt màu.

Bình thường, những bức tranh khi vẽ xong sẽ chỉ là tờ giấy lộn có thể bị vứt vào sọt rác. Nhưng, khi được ông dán lên tường thì chúng lại trở nên có giá trị, nhất là khi qua tháng năm, các cháu của ông đều đã dần lớn. Đôi lúc, một cháu nào đó lại đứng tần ngần, ngắm nghía rất lâu trước “Góc văn hóa cháu yêu” rồi reo to: “ôi hóa ra hồi bé xíu ấy, cháu cũng đã vẽ được như thế này ông này. Thú vị quá ông ạ”.

“Góc văn hóa cháu yêu” của ông nội cũng là lời nhắc nhớ ông luôn yêu quý và sẽ là người gom nhặt, ghi lại sự trưởng thành của các cháu. Mỗi lần nhìn góc văn hóa, các cháu cũng sẽ luôn biết rằng mình còn có một người ông để tựa vào.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.