“Gương sáng” trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Chia sẻ

Với tinh thần thiện nguyện, nghĩa cử cao đẹp, nhiều người cao tuổi đã phát huy vai trò “tuổi cao, gương sáng”, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào, cùng các cấp, ngành, địa phương đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Gương mẫu đi đầu, vận động cả nhà cùng tham gia chống dịch

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, không chỉ ông Vũ Đức Chiêu (Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư số 7, tổ dân phố 10, phường Mai Động, quận Hoàng Mai) hăng hái tham gia chống dịch, giữ vững vùng xanh an toàn cho khu dân cư, mà vợ và con gái của ông cũng “xắn tay”, đi sớm về hôm, đảm nhiệm nhiều công việc, nhiệm vụ khác nhau, cùng chung tay vào thành quả chống dịch của khu phố.

Mỗi ngày, khi ông Chiêu đảm nhiệm công việc theo dõi, sát sao các hoạt động phòng, chống dịch, kiểm soát người ra vào khu phố, tìm phương án hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, thì bà Trương Thị Na – vợ ông, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ số 7 phường Mai Động lại tranh thủ làm việc nhà xong thật nhanh, thật sớm, để cùng các chị em nấu hàng trăm suất cơm phục vụ lực lượng chống dịch tại bếp ăn của phường. Noi theo bố mẹ, con gái của ông bà, cô sinh viên năm thứ nhất đại học Kinh tế quốc dân Vũ Phương Quỳnh, Phó Bí thư Chi đoàn của khu dân cư cũng mải miết tham gia các hoạt động tình nguyện, hỗ trợ lực lượng y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại trường Trung học cơ sở Mai Động.

Bác sĩ Nhung khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vắc-xinBác sĩ Nhung khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vắc-xin

Mỗi ngày, công việc của gia đình ông Chiêu bắt đầu từ rất sớm và luôn bận rộn. Trong mọi hoạt động chống dịch tại cộng đồng như trực tại các chốt kiểm soát để đo thân nhiệt, kiểm tra giấy tờ người tham gia giao thông hay vận động người dân đóng góp cho các quỹ phòng, chống dịch, quỹ vắc-xin rồi tiếp nhận, phát quà cho các hộ dân khó khăn; thậm chí đi chợ giúp các hộ cách ly, dọn vệ sinh ngõ phố… bất kể việc nào bà con khu phố cũng thấy 3 người trong gia đình ông Chiêu xắn tay làm đúng với tinh thần “nhà có việc”.

Mỗi người một việc từ sáng đến tối, bữa ăn nhà ông Chiêu mùa dịch vì thế ít khi đầy đủ các thành viên. Nhưng đổi lại, sự hăng hái cống hiến của cả gia đình và tấm gương đi đầu, gương mẫu của người đảng viên như ông Chiêu đã giúp chốt phòng dịch đặt tại ngõ 45 phố Mai Động hoạt động nghiêm túc, hiệu quả, giúp trên 800 hộ dân được đảm bảo an toàn, góp phần vào công cuộc giữ vững vùng xanh của phường Mai Động.

“Sức mình tới đâu thì làm tới đó”

Đã 3 tháng nay, bác sĩ Phùng Thị Nhung, nguyên Trưởng khoa Gây mê hồi sức, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, hơn 70 tuổi, tự nguyện đi trực tại điểm tiêm chủng bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Ngày nào cũng vậy, bà đi từ 6h30 sáng đến tối. Ngoài điểm tiêm tại bệnh viện này, bà cũng hỗ trợ công tác tiêm chủng tại phường Láng Thượng, Láng Hạ, Ô Chợ Dừa… (quận Đống Đa) nhiều tháng qua.

Nữ bác sĩ trải lòng, rằng đã ở tuổi 72, bà không còn đủ điều kiện sức khỏe để đăng ký vào tuyến đầu chống dịch. “Vì vậy tôi tình nguyện cùng đồng nghiệp giúp đỡ cộng đồng tại điểm tiêm chủng vắc-xin Covid-19”. Mỗi ngày, điểm tiêm nơi bác sĩ Nhung đảm nhận tiêm cho khoảng 800 người. Ngoài tiêm, bà còn phụ trách công tác điều động, cấp cứu sau tiêm cho người dân. Công việc quá bận, nhiều khi kéo dài tới đêm khuya, bệnh viện triển khai mô hình “4 tại chỗ” nên bà chọn ở lại bệnh viện để thuận tiện cho công tác.

Điểm tiêm bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là nơi tổ chức tiêm chủng cho nhiều đối tượng là người cao tuổi. Đây là đối tượng có nhiều bệnh nền, khi đến tiêm dễ lo lắng, hồi hộp dẫn đến huyết áp cao, đều ít nhiều ảnh hưởng tới công tác tiêm chủng. Có trường hợp cụ ông gần 90 tuổi bị huyết áp cao, sau 3 tiếng đồng hồ can thiệp mới có thể đủ điều kiện để tiêm. Vì vậy, bác sĩ Nhung và các đồng nghiệp ưu tiên cho họ được nghỉ ngơi, tạo tâm lý thoải mái, đồng thời dặn dò con cháu, người nhà đi cùng chăm sóc cho các cụ tại nhà sau khi tiêm. Bác sĩ Nhung kể rằng, nhiều người cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh nền đã bày tỏ sự vui mừng, an tâm khi được tiêm vắc-xin, liên tục cảm ơn nhân viên y tế vì không nghĩ mình có thể được tiêm.

Bà Anh Thư trong buổi đi trao tặng “Nồi cháo yêu thương” đến các bệnh nhân bệnh viện K Tân TriềuBà Anh Thư trong buổi đi trao tặng “Nồi cháo yêu thương” đến các bệnh nhân bệnh viện K Tân Triều

Nữ bác sĩ luôn được con cái ủng hộ, dành hết thời gian cho công việc chuyên môn. Trong nhà bác sĩ Nhung, có con gái thứ 2 cũng là bác sĩ, thỉnh thoảng chị đến tham gia hỗ trợ tiêm chủng cùng mẹ và đồng nghiệp, hoặc mang đồ ăn đến điểm tiêm chủng bồi dưỡng khi nhiều ngày mẹ chưa về nhà.

Theo bác sĩ Nhung, công việc của nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng thời gian này khá vất vả. Có những điểm tiêm nóng bức, y bác sĩ đổ mồ hôi như tắm. Có những đêm, gọi điện cho đồng nghiệp, bà được biết họ vẫn đội mưa giữa đêm để đi tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Tuy nhiên, vượt lên tất cả khó khăn, với tấm lòng và chuyên môn của người thầy thuốc, bà Nhung và các đồng nghiệp lại cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp vào thành quả chống dịch của Thủ đô.

Vì dịch bệnh, phải giãn cách xã hội nên suốt nhiều tháng qua, các con của bà Trần Thị Anh Thư, Chi hội phó Phụ nữ số 3, phường Dịch Vọng phải ở lại Phú Thọ, không về Hà Nội ở cùng mẹ được. Trong hoàn cảnh ấy, được các con động viên từ xa, cô Thư không hề cảm thấy buồn, lo lắng, mà như có thêm động lực, cùng các chị em trong chi hội hoạt động năng nổ cho công tác phòng, chống dịch.

Là “người chị cả” của phụ nữ 28 tầng trong tòa nhà Hancorp Trần Đăng Ninh, nên trước đây, bà Anh Thư và các chị em vẫn thường làm công tác thiện nguyện, nấu cháo hỗ trợ bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện. Khi có dịch, các hoạt động này buộc phải dừng lại, chị em lại chuyển hướng đóng góp ít nhiều qua các cuộc vận động, cuộc giải cứu nông sản. Bà Thư nhớ một kỷ niệm ủng hộ nồi cháo yêu thương tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ngay trong những ngày nơi đây trở thành tâm điểm của dịch bệnh. “Đắn đo mãi, chúng tôi vẫn quyết định lên đường, trang bị đầy đủ dụng cụ phòng dịch. Thiện nguyện thành công, nhiều chị em thở phào. Có cháu sợ chồng không cho đi, nên không dám thông báo trước, xong xuôi mới “giải trình”. Nhưng trên tất cả, đó là những hoạt động vì cộng đồng, chúng tôi cảm thấy vui và thêm gắn kết với nhau từ những điều ý nghĩa đó”.

Có những hoạt động thiện nguyện dù đã lên kế hoạch bài bản nhưng vì điều kiện giãn cách, bà Thư và các chị em buộc phải dừng lại. Khi đó, họ vẫn không ngồi yên, mà bảo nhau “ủng hộ từ xa”. Bà Anh Thư cũng vận động các con cùng tham gia phòng, chống dịch, để vòng tay cộng đồng được mở rộng hơn. Thời điểm nông sản Hải Dương phải giải cứu, bà Thư đã vận động con gái chuyển 1 xe tải nông sản từ Hải Dương lên Hà Nội, phân phát miễn phí cho người dân trong tòa nhà và khu vực lân cận. Những ngày xa mẹ, các con của bà tích cực gửi rất nhiều đồ ăn “tiếp tế” cho mẹ. “Đồ ăn nhiều không xuể, có lần các con gửi hàng yến thịt, cô lại mang đi tặng các gia đình khó khăn, chị em trong khu chung cư”, bà Thư nói. Đều đã tuổi ngoài 70, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng bác sĩ Nhung, hay bà Anh Thư đều cho rằng, phòng, chống dịch Covid-19 là việc chưa từng có tiền lệ, nhưng nếu cần sức mạnh tập thể, sức mạnh cộng đồng, thì các bà luôn sẵn sàng, và gương mẫu đi đầu với tinh thần “tuổi cao ý chí càng cao”. Bởi với một tập thể, chung tay vì cộng đồng chính là niềm vui chung gắn kết từng thành viên.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.