Hà Nội lãng mạn mùa hoa tháng 3

Chia sẻ

Nếu mùa đông Hà Nội ngập tràn hương hoa sữa, mùa hạ tím ngắt bằng lăng, thì mùa xuân hoa ban nở tím trời Hà Nội. Ngỡ đâu loài hoa đặc trưng chỉ có ở Tây Bắc thì nay đã rực rỡ khắp các nẻo đường của Hà Nội, trở thành một sắc màu hấp dẫn mới của Thủ đô…

Nhà thơ Nguyễn Đình Huân từng xúc cảm với hoa ban ở Hà Nội: “Em có về thăm Hà Nội tháng ba/ Để cùng anh đi ngắm hoa trên phố/ Quanh hồ gươm bên dòng người đi bộ/ Hoa ban mùa này nở rộ tươi xinh/ Bông hoa phớt hồng, tim tím, trắng tinh/ Tượng trưng cho mối tình cô gái Thái/ Khi bị người cha ép duyên ngang trái/ Cô chết đi hóa dại bên đồi”…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Với đặc trưng là cây thân gỗ, cành thưa, lá to, tán xòe rộng, không bị sâu đục những cây hoa ban với hoa nở kín các vòm lá đã được chọn làm cây trồng đô thị. Bên cạnh những con phố nổi tiếng của Hà Thành như đường Bắc Sơn - Hoàng Diệu (gần Hoàng Thành); đầu đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên), công viên Thống Nhất thì rất nhiều khu đô thị mới đã chọn loài hoa này làm cây trồng dọc hai bên những con đường mới như đường trong khu đô thị mới Thanh Hà - Thanh Oai; khu vực Long Biên cạnh Aeon Mall Long Biên, khu nhà mới trên đường Tô Ngọc Vân - Tây Hồ…

Những điểm nói trên được người dân Hà Thành rất yêu thích bởi hoa ban được trồng thành hàng dọc, liền kề cả đoạn đường dài khiến cho con đường trở nên thơ mộng, cuốn hút. Điểm được người dân hàng năm như “chảy hội” chụp hình phải kể đến là điểm ở đường Bắc Sơn - Hoàng Diệu và điểm ở đầu đường Cổ Ngư - đường Thanh Niên - Tây Hồ. Thú vị hơn, tại Hà Nội, vào năm 2019, Lễ hội Hoa Ban đã được tổ chức tại đây trong khuôn khổ gây quỹ từ thiện chung tay xây dựng cầu treo cho trẻ em đến trường và cải tạo nguồn nước sạch sinh hoạt cho trẻ em vùng cao tại các tỉnh miền núi trong cả nước. Năm nay, do đại dịch Covid-19 nên Lễ hội hoa ban tạm dừng tổ chức nhưng người dân Hà thành vẫn nô nức kéo nhau đi chụp hình kỉ niệm, lưu lại những khoảnh khắc tuyệt diệu khi xuân về bên cạnh hoa ban.

Hà Nội lãng mạn mùa hoa tháng 3 - ảnh 2

Còn rất nhiều các loài hoa khác nở vào tháng ba, góp thêm nét đẹp cho sắc màu mùa xuân Hà Nội như hoa gạo - còn gọi là Mộc Miên. Loài hoa này ít được chọn để trồng đại trà nhưng nó lại là loài hoa biểu tượng của những làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Với sắc màu rực đỏ, hoa gạo đi vào cổ tích, ca dao, thi - họa và là loài hoa để giới trẻ cả nước “săn” những bộ ảnh mê hồn. Còn tại Hà Nội, nếu có cây gạo nào thì cây đó luôn là một cây đơn lẻ, thuộc hàng cổ thụ, như cây gạo ở bảo tàng Lịch Sử Việt Nam, cây gạo ở ngã ba Giải Phóng - Phương Mai, những cây gạo ở đường Văn Điển. Nếu ai đó muốn đi chụp ảnh cả con đường hoa gạo nên thơ thì dân “ba-lô” mách bạn những điểm chụp gần Hà Nội như đường hoa gạo Chùa Hương, hoa gạo thôn Đoan Nữ, gần nhất là một đoạn phố của khu đô thị Thanh Hà với dọc hai bên là hàng hoa gạo rực ngời trong mưa bụi tháng 3 để bất chợt nhìn thấy, nhiều người ở nơi xa mua nhà tại đó bỗng nhớ quay quắt tuổi thơ nơi thôn dã và một câu thơ từ thời đại học vang lên đâu đó trong kí ức xa mờ: “Tương tư hoa gạo quê nhà/ Tự nhiên áo đỏ làm ta giật mình”…

Còn có một loài hoa khác, rất mới và ít được nhớ tới, nhưng vẫn lặng lẽ bung nở rạng ngời, góp phần tô điểm cho rất nhiều con phố mới ở nội - ngoại thành Hà Nội, đó là hoa phượng hoàng đỏ hay còn gọi là sò đo, chuông đỏ (họ núc nác). Loài hoa này to tựa hoa gạo nhưng nó có màu cam và màu đỏ, lại nở quanh năm chứ không chỉ nở vào tháng ba. Hoa lại rất lâu tàn. Vòm lá rộng, xanh quanh năm. Mỗi khi hoa nở, ta tưởng chừng như cả một không gian sắc màu dâng lên trời cao bởi những bông hoa luôn chỉ nở ở đầu cành và hướng thẳng lên trên… Cây phượng hoàng đỏ còn là một loài cây thuốc trong y học cổ truyền của nhiều nước, chữa được nhiều bệnh như: kháng khuẩn, trị sốt rét, làm lành vết thương, trị bỏng, trị lở - loét dạ dày, viêm đường tiết niệu; đặc biệt còn dùng chế biến thành một loại nước uống…

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.