Hạnh phúc vẹn tròn của những “vầng trăng khuyết”

Bài và ảnh: Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Nhờ tình yêu, nhiều cô gái khuyết tật được hạnh phúc vì tìm thấy bạn đời, vơi dịu đi nỗi đau và cũng nhờ tình yêu, có những cô gái bình thường dám vượt qua rào cản, định kiến, trở thành điểm tựa cho người chồng khuyết tật. Yêu thương là muôn màu muôn vẻ, nhưng họ đều đã may mắn có được hạnh phúc vẹn tròn.

Bảo vệ tình yêu với cô gái khuyết tật

Nếu được một lần tâm sự với người khuyết tật, bạn sẽ dần hiểu một điều: Thế giới tình cảm của họ thật rất gian nan. Người khuyết tật thường không dám tiến đến tình yêu vì lo sợ, tình yêu ấy sẽ không bền. Kể cả khi đến với người cùng cảnh, thì nỗi lo về tương lai cũng khiến họ chùn bước. Vì thế, ít ai dám nghĩ tới chuyện yêu và nên duyên với người lành lặn, bình thường. Phan Nhật Linh (26 tuổi, quê ở Hà Tĩnh), bị liệt nửa người bên trái cũng nặng lòng như thế. Cô từng cố gắng từ bỏ, không cho phép mình tiến xa hơn khi người bạn Hoàng Quốc Việt (30 tuổi, cùng quê với Linh) - một thanh niên hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường ngỏ lời yêu mình.

Hạnh phúc vẹn tròn của những “vầng trăng khuyết” - ảnh 1
Tổ ấm hạnh phúc của Quốc Việt và Nhật Linh

Biết Linh mặc cảm, Việt làm mọi cách để cô hiểu mình hơn. Anh tìm tới tận nhà cô để động viên, thẳng thắn ngỏ lời: “Em không việc gì phải tự ti cả. Có anh, những vất cả sẽ được sẻ chia”. Linh dần xiêu lòng trước sự chân thành của Việt. Tình cảm của cả hai lớn dần đủ để họ nghĩ về một đám cưới. Nhưng chính lúc này, thách thức lại xuất hiện - từ chính gia đình Việt. Không quá khó hiểu chuyện bố mẹ cấm cản con trai mình - đẹp trai, khỏe mạnh, lành lặn đến với một cô gái khiếm khuyết về cơ thể. Bố Việt đến tận nhà Linh, cầu xin cô buông tha cho Việt. Gia đình nhất nhất không đồng ý, Linh cũng sợ hãi, chỉ có Việt là kiên trì với lựa chọn của mình.

Cả hai quyết định rời quê hương, ra Hà Nội tìm kiếm việc làm để khẳng định bản thân, khẳng định tình yêu cho bố mẹ hiểu. Linh biết, mình phải cố gắng gấp nhiều lần để giữ gìn tình yêu quý giá này. Cô xin vào làm nhân viên đóng dấu dịch thuật cho một công ty công chứng. Nhờ chăm chỉ và có tinh thần trách nhiệm cao, Linh đã được lãnh đạo công ty tin tưởng và giao trọng trách làm nhóm trưởng. 2 năm có nhau, bươn chải ở Thủ đô, họ quyết định đăng ký kết hôn, chụp ảnh cưới rồi có với nhau một cô con gái nhỏ. Sau một thời gian đi làm bên ngoài, họ cùng tích cóp vốn và kinh nghiệm, tự mở một cửa hàng bán ốp điện thoại. Thu nhập dù không quá nhiều nhưng cũng đủ để cả hai duy trì sinh hoạt. Hàng ngày, Việt dậy sớm đi chợ để vợ chuẩn bị những bữa cơm cho 3 thành viên. Linh cũng tích cực phụ chồng chạy quảng cáo sản phẩm ốp điện thoại với hy vọng sẽ có thêm nhiều khách ghé mua hàng.

Chắc hẳn không ít người đã quen thuộc với chuyện tình yêu đẹp của chàng kỹ sư Neil Bowden Laurence người Australia dành cho vợ mình - chị Nguyễn Thị Vân một phụ nữ nhỏ bé khuyết tật người Việt Nam đang là Nhà đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghị lực sống và Công ty Imagtor. Họ không ngần ngại chia sẻ hình ảnh bên nhau mỗi ngày, những khoảnh khắc hạnh phúc khi ôm nhau, nhìn vào mắt nhau và cùng nhau đi đến nhiều nơi trên khắp thế giới. Điều đó đã xóa nhòa mọi ranh giới về chị là người khuyết tật sống cuộc đời trên chiếc xe lăn, cũng như sự thật trước đó họ chỉ là hai con người xa lạ cách nhau hơn 5.000 cây số và quen nhau qua mạng, hay cả hai hơn kém nhau những 20 tuổi.

Thời điểm họ quen và yêu nhau, không phải ai cũng cởi mở. Rất nhiều ý kiến đã không ngần ngại chê trách chị Vân bắt chồng phải hy sinh, chịu thiệt thòi quá nhiều. Nhưng đâu ngờ rằng, anh Neil chỉ cần biết, chị Vân mang đến cho anh một cuộc sống ý nghĩa, bằng thái độ sống lạc quan và nhiều năng lượng. Thế là đủ để bắt đầu một cuộc đời với nhau! Không những là chủ doanh nghiệp lớn, chị Vân còn là một diễn giả truyền cảm hứng, tham dự hàng trăm sự kiện, lớp học, cuộc họp tại nhiều quốc gia mỗi năm, mặc dù cơ thể chị ngồi gọn trên chiếc xe lăn. Nghị lực ấy đáng quyến rũ và làm một người đàn ông yêu đắm đuối lắm chứ! Chuyện tình đẹp bền bỉ ấy đến giờ đã củng cố niềm tin cho nhiều người trẻ về một tình yêu đích thực, vững vàng vượt qua mọi áp lực xã hội.

Tình yêu vượt qua định kiến

Ngược lại, cũng có những người phụ nữ - vốn lâu nay bị xem là phái yếu, là lấy chồng để có một chỗ dựa, thì giờ lại mạnh mẽ bảo vệ tình yêu của mình với người khuyết tật. Vận động viên cử tạ Trần Hồng Sơn, từng đoạt HCV tại giải Vô địch quốc gia Paralympic Việt Nam 2022 đến giờ vẫn chưa dám tin chuyện vợ chủ động “cưa đổ” mình là có thật. Phương Anh - vợ Sơn kém chồng 4 tuổi, gây ấn tượng với chồng bởi sự sâu sắc, dễ thương. Với Sơn, có một người bạn như thế đã là hạnh phúc. Thế mà anh còn được vợ chủ động tỏ tình, rồi tới lúc yêu nhau, Sơn chỉ biết tập trung vào tập luyện và chuyên là người đón nhận vì “đã biết yêu ai bao giờ”.

Hạnh phúc vẹn tròn của những “vầng trăng khuyết” - ảnh 2
Vợ chồng Hồng Sơn – Phương Anh (trong ảnh là Hồng Sơn khi đi chân giả)

Để bù đắp cho người yêu, anh cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp để được đôi bên gia đình đón nhận. Sau nhiều lần giải tỏa tâm lý, áp lực cho bố mẹ bằng những thành tích trong thể thao và tình yêu bền đẹp, họ cũng được chấp thuận thành vợ thành chồng. Sau khi kết hôn, cặp đôi sinh sống tại Thái Nguyên, Hồng Sơn ngày càng phấn đấu trong sự nghiệp còn Phương Anh chu toàn hết công việc nhà. Anh chàng bày tỏ đôi lúc cũng thấy buồn vì sức khỏe của mình không phụ giúp vợ được quá nhiều như những người khác. Song, Hồng Sơn cảm thấy may mắn vì vợ luôn thấu hiểu, đồng cảm cho anh.

Nói về tình yêu của người khuyết tật, anh Trần Quốc Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thị xã Sơn Tây, admin diễn đàn “Tiếng nói người khuyết tật Việt Nam” chia sẻ: Nguyên nhân cản trở người khuyết tật yêu và được yêu đến từ chính họ. Đó là có đủ quyết tâm, dũng khí để có thể tìm kiếm, trải nghiệm và bảo vệ tình yêu đến cùng hay không. Sự bất bình đẳng với người khuyết tật và bất bình đẳng giới cũng là một thách thức. “Ví dụ, người đàn ông khuyết tật bị áp lực phải là trụ cột, phải kiếm ra tiền lo cho vợ con, còn người phụ nữ khuyết tật khi được yêu lại có những mối lo như bị lợi dụng, lạm dụng về tình cảm và tình dục. Những điểm yếu ấy khiến chúng ta cứ nghĩ tình yêu thật sự của người khuyết tật giống như cổ tích, rồi cứ xem như nó rất xa vời. Trong khi trên thực tế, nhiều người đã dám yêu, dám sống”, anh Nam nói.

Một tình yêu nào cũng đều sẽ bền bỉ và thăng hoa khi cả hai bắt đầu bằng sự chân thành, rồi gắn bó và luôn nghĩ cho nhau. Với người khuyết tật cũng không có gì khác. Yêu thương còn giúp họ dịu nhẹ đi nỗi đau của sự khiếm khuyết - thứ mà họ không thể định đoạt được cho cuộc đời mình. Hơn tất cả, tình yêu của người khuyết tật đáng được khích lệ, được đồng hành bởi sự yêu thương, nhân ái của gia đình, bè bạn và những người xung quanh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.