Hành trình tới World Cup của nữ trọng tài người Rwanda

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - World Cup 2022 được người hâm mộ đặc biệt chú ý tới, bởi đây là lần đầu tiên trong một giải vô địch bóng đá nam có sự tham gia điều hành của "đội nữ trọng tài chính". Salima Mukansanga là một trong những gương mặt nổi bật nhất.

"Mối lương duyên" với bóng đá

Theo tờ New Times của Rwanda (một quốc gia Đông Phi), Salima lớn lên ở quận Rusizi, cô tốt nghiệp cử nhân Điều dưỡng và Hộ sinh tại Đại học Gitwe. Thời đi học, Salima khát khao trở thành một cầu thủ bóng rổ. Tuy nhiên, điều đó đã không bao giờ trở thành hiện thực bởi cô đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, cũng như việc tiếp cận cơ sở vật chất dành cho môn bóng rổ ở Rwanda là cực kỳ khó khăn, đặc biệt với những định kiến về phụ nữ chơi thể thao.

Dù phải trải qua nhiều khó khăn, cô vẫn quyết tâm không từ bỏ niềm đam mê thể thao của mình và lựa chọn tập trung vào môn bóng đá. Sự nghiệp của cô bắt đầu khi Salima thể hiện tài năng trong vai trò trọng tài chính điều khiển trận chung kết của giải đấu bóng đá cấp trường tại trường trung học St Vincent de Paul Musanze. “Tôi thích bóng rổ và muốn chơi nó một cách nghiêm túc, nhưng việc tiếp cận với các cơ sở vật chất và huấn luyện viên bóng rổ rất khó khăn. Đó là khi tôi nhận ra mình thực sự yêu mến công việc trọng tài, điều mà tôi cũng chưa từng hối hận. Tôi rất thích vai trò này”, Mukansanga nói với New Times trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2019. Năm 2012, cô bắt đầu sự nghiệp trọng tài quốc tế của mình. Cô trở thành trọng tài bóng đá cho Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF) và bắt đầu làm trọng tài cho các cuộc thi cấp châu lục. 

Hành trình tới World Cup của nữ trọng tài người Rwanda - ảnh 1
Trọng tài Salima Mukansanga đã làm nên lịch sử tại Cúp bóng đá nam châu Phi năm nay và sẽ lặp lại điều đó tại World Cup Ảnh: AFP

Đột phá bình đẳng giới trong bóng đá

Với vai trò trọng tài chính tại World Cup, Salima trở thành đại diện duy nhất của đất nước cô tại Qatar, điều này đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Mặc dù vậy, nữ trọng tài bóng đá nam vẫn phải nỗ lực vượt qua vô vàn thử thách từ sự khác biệt về giới tính, văn hóa đến sinh học cơ bản. Cô chia sẻ: "Một số vấn đề khiến chúng tôi gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp nam có thể kể đến như mang thai khiến chúng tôi không thể chạy hay đôi khi trong một trận đấu, tốc độ của các cầu thủ nam quá nhanh. Tôi không thể chạy theo họ nhưng ít nhất luôn cố bám sát và tạo ra góc nhìn tốt nhất". 

Đặc biệt, với tinh thần sẵn sàng chấp nhận các thử thách của công việc, nữ trọng tài cho rằng: “Ở một lĩnh vực do nam giới thống trị, bạn cần phải nỗ lực gấp đôi. Trên hết, hãy dám đam mê, bởi nếu không có niềm đam mê này, bạn sẽ sớm cảm thấy mệt mỏi và bỏ cuộc sau đó”. Salima biết rằng, đối với phụ nữ, khi họ làm bất cứ việc gì trái với định kiến sẽ có sự giám sát kỹ lưỡng hơn và mọi người sẽ không bao giờ hài lòng. Lời khuyên mà cô dành cho phụ nữ nói chung là hãy dám đam mê và làm những điều bản thân mong muốn. "Và sau đó, vào cuối ngày, mọi người sẽ nói: "Vâng, cô ấy đã đúng".
Nữ trọng tài Mukansanga rất tự hào khi được làm nhiệm vụ tại World Cup 2022. Cô từng bắt chính tại nhiều giải đấu lớn như World Cup nữ 2019, Olympic Tokyo 2021 và là trọng tài nữ đầu tiên bắt chính tại Cup châu Phi dành cho nam năm 2022, trong trận Zimbabwe thắng Guinea 2-1. "World Cup là nơi diễn ra những trận cầu ở cấp độ cao nhất. Vì thế, việc chúng tôi được phân công nhiệm vụ tại World Cup là bởi chúng tôi xứng đáng, chứ không phải giải đấu muốn đánh dấu sự thay đổi vì chúng tôi là phụ nữ", Mukansanga nói. 

Còn theo Trưởng ban Trọng tài của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), Pierluigi Collina, việc lựa chọn các trọng tài cho mùa giải năm nay hoàn toàn được thực hiện dựa trên khả năng của mỗi người chứ không phải theo giới tính. Vị trọng tài nổi tiếng người Italia cho biết, các nữ trọng tài điều hành chính trong một số trận đấu tại mùa giải World Cup 2022 là kết quả sau nhiều năm FIFA thực hiện triển khai chương trình đưa trọng tài nữ trực tiếp điều hành tại các giải đấu cấp cơ sở và cấp cao của nam giới. "Bằng cách này, chúng tôi nhấn mạnh rõ ràng rằng, đối với công tác trọng tài, chất lượng mới quan trọng chứ không phải giới tính", ông Collina nói và tin tưởng nữ đồng nghiệp sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại World Cup 2022.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.