Hành trình vinh quang của “bông hồng sa mạc” Vũ Phương Thanh

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vũ Phương Thanh đã ghi tên mình vào lịch sử là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên không chỉ hoàn thành mà còn vô địch Deca Ultra Triathlon 2022 - giải đấu ba môn phối hợp khắc nghiệt nhất thế giới.

Cuộc thi khắc nghiệt nhất thế giới

Được coi là cuộc thi ba môn phối hợp khắc nghiệt nhất thế giới, Deca Ultra Triathlon (Swissultra 2022) có quãng đường đua dài gấp 10 lần so với một cuộc thi ba môn phối hợp thông thường. Ấy vậy mà cô gái 32 tuổi Vũ Phương Thanh đã về nhất ở hạng mục dành cho nữ để giành được giải thưởng tiền mặt 1.000 Euro sau khi hoàn thành xuất sắc tổ hợp các phần thi bơi 38km, đạp xe 1.800km và chạy 422km với tổng thành tích 328 giờ 27 phút 55 giây. Sự kiện thể thao đầy thử thách này chỉ có 23 vận động viên quốc tế tham dự gồm 19 nam và 4 nữ, trong đó, Thanh là đại diện duy nhất của Việt Nam.

Nữ vận động viên khẳng định Swissultra 2022 thực sự là một trải nghiệm đặc biệt: “Trong cuộc đua, có rất nhiều vận động viên đến từ các quốc gia khác nhau. Đây là một cuộc đua đầy ý nghĩa bởi chúng tôi thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và liên tục truyền cảm hứng cho nhau trong suốt hành trình”. Do hành trình đua quá dài nên các vận động viên gần như không có thời gian nghỉ, họ thậm chí phải “đua” cả vào ban đêm: “Đi xe đạp vào ban đêm thực sự khiến chúng tôi cảm thấy rất buồn ngủ, do đó, tất cả vừa đạp xe vừa trò chuyện”, Phương Thanh kể. Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, trong suốt 30 năm qua chỉ có khoảng 100 người hoàn thành hết các nội dung thi đấu của Swissultra. 

Hành trình vinh quang của “bông hồng sa mạc” Vũ Phương Thanh - ảnh 1
Vũ Phương Thanh ăn mừng chiến thắng với lá cờ Tổ quốc tại giải Deca Ultra Triathlon 2022 Ảnh: SwissUltra

Từng bật khóc vì đường đua quá khắc nghiệt

Để hoàn thành cuộc đua này chắc chắn không hề dễ dàng, chính Phương Thanh cũng thừa nhận: “Có lúc tưởng chừng như tôi đã không thể làm được”. 

Trước khi giành chức vô địch 3 môn thể thao phối hợp khắc nghiệt nhất hành tinh, Thanh đã từng khiến những người yêu thích các môn thể thao phối hợp phải nể phục bởi cô đã đạt được những thành tích mà thậm chí cả phái mạnh cũng khó có thể giành được. Nữ vận động viên được mệnh danh là “Bông hồng sa mạc” của Việt Nam, hay “Cô gái chạy vòng quanh thế giới”, sau khi trở thành người châu Á đầu tiên chạy qua bốn sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới - sa mạc Atacama ở Chile, Gobi ở Trung Quốc, Sahara ở Bắc Phi và sa mạc Nam Cực ở Nam Cực với tổng quãng đường 1.000km vào năm 2016 và gần đây nhất, Thanh đã hoàn thành chặng đua vượt núi đầy thử thách tại cuộc thi Everest Trail Race.

Vũ Phương Thanh còn khiến người ta phải nể phục ở đặc điểm ngay sau khi hoàn thành một thử thách khó khăn, cô không “ngủ quên” trên chiến thắng mà lại tiếp tục đương đầu với những thử thách khác. Với cô không gì là không thể và cô luôn tâm niệm rằng: “Không lùi bước trước mọi thử thách trong cuộc sống”.

Mặc dù vậy, để có được danh hiệu quý giá này, Thanh đã phải trải qua những điều vượt ngưỡng tưởng tượng của những người chơi thể thao thông thường. Cô từng tâm sự, chỉ sau 5 ngày thi đấu, bản thân đã rã rời, có những lúc tưởng như phải bỏ cuộc. “Đó thực sự là khoảng thời gian tồi tệ đối với tôi, thời tiết bên ngoài lạnh buốt, tay tôi tê cóng, sưng to khiến tôi thậm chí không thể cử động được”, nữ vận động viên kể về hành trình gian nan, khổ cực của mình. Khó khăn không chỉ dừng ở đó, khi bước vào nội dung đạp xe, trải qua một nửa quãng đường (khoảng 900km), chiếc xe của Thanh bị hỏng và điều đó càng khiến mọi thứ thêm khó khăn đối với cô gái 32 tuổi: “Đây thực sự là một cuộc đua khắc nghiệt nhất và ngoài sức tưởng tượng của tôi”, nữ vận động viên cho hay.

Bản lĩnh và sự kiên cường, nghị lực của nữ vận động viên càng được minh chứng khi cuộc đua chỉ còn duy nhất 3 nữ vận động viên. Thanh khẳng định bản thân “đến đây không phải để bỏ cuộc” và quyết tâm hoàn thành mục tiêu dù cô đã có lúc phải khóc nấc lên rằng “cuộc đua khắc nghiệt quá!”. Đối với nữ vận động viên, đạp xe chính là phần thi khó khăn và thử thách nhất. Dù vậy, cô vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan: “Có thể đến phần thi chạy, tôi sẽ lại cười vì đây là điểm mạnh nhất của tôi”.

Tuy đã giành nhiều giải thưởng cao quý nhưng Vũ Phương Thanh vẫn hy vọng cô có thể tiếp tục thử sức với các cuộc thi khác để mang dấu ấn Việt Nam ra thế giới. Đó là một trong những thử thách mới mà Thanh muốn tiếp cận.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.