HÃY BIẾT TRÂN TRỌNG MỌI THỨ
VỊ TƯỜNG (Trung Quốc)
“Từ khi tôi mua máy hút bụi, việc dọn dẹp nhà cửa trở nên qua loa, đại khái; từ khi tôi mua tủ lạnh, thực phẩm thường bị lãng phí...”. Những lời này của nhà văn Nhật Bản Yasuji Hanamori đã gây xúc động mạnh. Hãy suy nghĩ kỹ lại xem, đây không phải là những phản ảnh từ chính cuộc sống hiện tại của chúng ta sao?
Một hạt gạo, một cốc nước, một bộ quần áo, hay thậm chí một thứ đồ dùng gia đình đều có thể bị bỏ đi - tôi không biết từ khi nào, những thứ đồ dùng không còn mới, đẹp nhưng vẫn còn tốt không được nâng niu nữa. Những hành vi phô trương, lãng phí xuất hiện ở mọi ngóc ngách trong xã hội và gia đình.
Cần cù, tiết kiệm không những là một đức tính tốt, mà còn là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Khi còn trẻ, cuộc sống tương đối khó khăn, tính cần kiệm “Ba năm mới, ba năm cũ, vá víu thêm ba năm nữa” đã được mọi người truyền cho nhau và thực hành. Khi còn học trung học cơ sở, tôi thường mang những đôi tất vá và mặc áo khoác của ông bà tôi thậm chí còn có chi chít những miếng vá với nhiều kích cỡ khác nhau. Khi đó, sau khi rót dầu ăn vào món nấu, bà tôi phải lấy ngón tay lau miệng chai dầu một vòng, cho vào miệng mút vì sợ lãng phí.
Dần dần, nhu cầu cuộc sống không còn khan hiếm, mức sống ngày càng cao, cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nhận thức của mọi người từ trẻ em đến người lớn, từ những người bình thường đến những phú hào hiển quý về sự siêng năng và tiết kiệm đã bắt đầu suy giảm. Rất nhiều người cho rằng tiết kiệm là nhỏ mọn, bủn xỉn, khi đời sống vừa mới được cải thiện chút ít thì đã nói đến rộng rãi hào phóng, ra vẻ phong lưu, khoe khoang, rất ít nói đến đức tính quý trọng, tiết kiệm. Khi đến nhà hàng, nếu không gọi thêm món hoặc không bỏ không ăn hết món gì đó, dường như bạn cảm thấy xấu xí, mất mặt và bạn lo lắng trước những ánh mắt dị thường của người khác. Đi trên đường phố, ai cũng rạng rỡ, sáng sủa, tần suất thải loại quần áo ngày càng nhiều, trong thùng rác thường chứa đầy các loại đồ bị bỏ đi mặc dù vẫn còn sử dụng tốt...
Ảnh minh họa
Trong tháng năm khan hiếm vật chất, mọi người tự có ý thức nâng niu đồ đạc. Có lẽ vì sợ nghèo, khi đã bước vào thời kỳ không còn phải nâng niu quý trọng mọi thứ nữa, dường như ai cũng nảy sinh tâm lý “trả đũa” hoặc “bạo hành” mọi thứ đồ dùng. Trước đây, lý do để vứt bỏ một món đồ là “không còn dùng được”, “đã hư hỏng”, quần áo không mặc được cũng phải nghĩ ra mọi cách sửa lại để tận dụng. Bây giờ, chỉ cần mấy chữ “không hợp” hay “không thích” là tùy ý vứt bỏ, không chút lưu tình. Nếu hỏng thì bỏ; Nếu cũ thì vứt đi, chán thì lập tức thay đồ mới... Rất khó có thể nói là không lãng phí.
Những người lớn tuổi, đã trải qua bao gian khó sẽ khuyên răn con cháu phải cần cù, tiết kiệm nhưng hiện tượng lãng phí đâu có thể “mổ xẻ” chỉ trong một lúc. Hơn nữa, bây giờ cuộc sống đã được cải thiện, thái độ trân trọng đồ vật của mọi người đã bị đảo ngược, trong mắt một số người, việc nâng niu đồ vật không còn là phẩm hạnh đáng khen nữa mà ngược lại, đôi khi còn bị chỉ trích.
Khi cưới nhau, gia đình tôi có mua một chiếc sofa vải dành cho hai người, được năm năm thì sofa trở nên lem nhem vì bị con cái vẽ chim cò, bôi các loại sơn, vết dầu... nhưng không ảnh hưởng gì đến việc sử dụng. Mỗi khi có khách đến, luôn có ai đó hỏi tại sao không đổi cái mới, hay nói theo kiểu mỹ tự là đừng quá tiết kiệm trong cuộc sống. Lúc đầu, tôi luôn đặt cho mình một thái độ: “Vẫn còn dùng được, không cần phải thay đổi.” Điều có thể nhận được chỉ là ánh mắt khó lường trong mắt họ, hay những “lời tốt đẹp” để thuyết phục tôi một lần nữa. Chậm rãi, khi họ hỏi lại, tôi trả lời: “Sắp thay rồi!”. Nhưng tôi chỉ không hiểu tại sao lại phải thay một món đồ nội thất cũ mà vẫn còn sử dụng được?
Tôi tự an ủi mình, có lẽ bây giờ là như vậy. Nâng niu những thứ đã cũ là keo kiệt, là bủn xỉn, là biểu hiện không có năng lực.
Năm ngoái, một người chú họ từ quê vào thành phố. Với tư cách là một chủ nhà, tôi đã lưu ông ấy ở chơi trong hai ngày và cảm thấy rằng sự hiếu khách là thích hợp nhất. Không ngờ, mấy hôm sau mẹ tôi gọi điện từ quê lên, nói là ông chú tôi đi chơi về nói với dân làng rằng tôi sống ở ngoài đó tùy tiện, mấy ngày liền chỉ thấy tôi mặc độc một bộ đồ. Tôi cười ngây ngô, không nói nên lời. Trong hai ngày tiếp đãi, chuyện ăn ở của ông chú họ không có vấn đề gì, nhưng nếu chỉ vì một bộ quần áo mà đánh giá hoàn cảnh sống của tôi thì liệu có phiến diện quá không?
Nghe xong, vợ tôi than thở: “Em đã giục anh vứt mấy bộ quần áo cũ đi, mua vài bộ mới mà mặc, anh không nghe, kêu không có tiền. Ngay cả bố mẹ em cũng nói là đồ anh mặc quá hèn mọn”. Hóa ra, không chỉ ông chú họ dưới quê, mà ngay cả bố mẹ vợ tôi ở thành phố cũng bị quan niệm này “đồng hóa”.
Một người bạn từng nói đùa: “Ai mà cũng như ông, một bộ quần áo mặc vài năm thì cửa hàng quần áo đóng cửa”. Tôi nghĩ, giữa trân quý và phát triển không nên có một mối quan hệ logic nào cả. Những sự trân quý sẽ không cản trở sự phát triển, và sự phát triển không thể dựa vào sự đánh đổi bởi những thói quen lãng phí. Cho dù đó là cây cỏ sinh trưởng tự nhiên hay thực phẩm và quần áo do xã hội sản xuất thì mọi thứ trên thế gian này đều không dễ có được và cần được nâng niu.
Người biết nâng niu quý trọng đồ vật thì trong lòng nhất định phải mềm mại, nhân ái. Như Hanamori đã nói, “Vấn đề “trân trọng mọi thứ” không thể được thực hiện nếu không có một trái tim mềm mại.” Hãy trân trọng những món quà của tự nhiên ban tặng, trân trọng sức lao động của nhau, trân trọng sự lựa chọn của chính mình. Trân trọng những thứ là của cải, vật chất cũng là tích đức, nạp phúc. Dù ở thời buổi nào, nâng niu vật chất đều là đức tính tốt, đáng được kế thừa.
TRẦN DÂN PHONG (dịch)