Hãy cho mọi trẻ em một mái ấm an toàn

Phạm Bảo Trang (Lớp 8A6, THCS Gia Thụy)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Người ta thường nhắc đến gia đình như một mái ấm, một nơi bình yên để trở về. Ấy vậy mà, với nhiều đứa trẻ, đó là khoảng trống, là nơi không có sự hiện diện, sự dịu dàng và những cái ôm đến từ cha mẹ.

Hôm vừa rồi, khi tôi đang đi ăn cùng mẹ, một cảnh tượng khiến tôi không thể quên. Một em bé nhỏ chỉ khoảng 2 tuổi được người bố tật nguyền địu trên vai, theo bố đi bán hàng rong. Em bé ấy gầy gò đến đáng thương, mặc chiếc áo mỏng manh, đôi mắt ngơ ngác nhìn quanh, khuôn mặt em lấm lem bẩn thỉu, không có một nụ cười hay ánh mắt ấm áp nào trên khuôn mặt đáng yêu ấy. Em nằm trong lòng bố, gương mặt ngây thơ lọt thỏm giữa làn khói thuốc đặc quánh quẩn quanh. Trong khi đứa trẻ phải chịu cái nóng gay gắt giữa trời hè cùng cơn đói cồn cào, người bố tật nguyền lại thản nhiên rít từng hơi thuốc, nhấp ngụm trà đá ven đường, như thể chẳng nhận thức được điều gì xấu đang diễn ra với con mình.

Cảnh tượng ấy đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ day dứt. Liệu một đứa trẻ có thật sự được gọi là “có cha có mẹ” khi thiếu đi cả tình thương lẫn sự chăm sóc giản đơn? Khi trẻ em không được lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình, điều gì sẽ chờ đợi các em ở phía trước? Không chỉ còn là cái đói cái nóng mà còn là một tuổi thơ méo mó, một cuộc đời bị bỏ quên và một tương lai mịt mờ mà chính các em không có cơ hội lựa chọn.

Từ câu chuyện ấy, một thực trạng nhức nhối hiện lên: Ngoài kia vẫn còn vô vàn trẻ em không được sống trong tình yêu thương trọn vẹn của gia đình. Có em bị bỏ rơi, có em mồ côi và không ít em bị chính cha mẹ lợi dụng như một công cụ kiếm tiền. Các em phải lớn lên trong sự thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần, chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa.

Hãy cho mọi trẻ em một mái ấm an toàn - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo số liệu từ UNICEF Việt Nam và các tổ chức bảo vệ trẻ em, hiện nay có hàng nghìn trẻ em đang phải sống trong tình trạng không được chăm sóc và bảo vệ đúng cách. Nhiều em bị bóc lột sức lao động từ khi còn rất nhỏ, phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, thậm chí là bị bạo hành trong chính ngôi nhà của mình. Những tổn thương này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn để lại hậu quả nặng nề về mặt tinh thần - nơi những vết sẹo tâm hồn có thể theo em suốt cuộc đời.

Dĩ nhiên, không phải gia đình nào cũng đầy đủ và hoàn hảo. Cuộc sống mưu sinh đôi khi khiến cha mẹ không thể dành trọn vẹn thời gian cho con cái. Nhưng cha mẹ biết không, điều con trẻ cần đôi khi chỉ đơn giản là một ánh mắt quan tâm, một cái ôm ấm áp, hay một lời động viên đúng lúc. Chính sự yêu thương dù nhỏ bé cũng đủ để nuôi dưỡng một tâm hồn, thắp lên hy vọng và giúp đứa trẻ vững tin hơn vào tương lai.

Khi thiếu vắng đi tình thương, trẻ em dễ rơi vào trạng thái cô lập, mất phương hướng. Một số em trở nên khép kín, tự ti; số khác có xu hướng nổi loạn, tìm đến những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài để khỏa lấp khoảng trống thiếu thốn ở bên trong. Việc học tập, phát triển nhân cách cũng vì thế mà bị cản trở nghiêm trọng.

Đặt tình thương lên hàng đầu là điều mỗi gia đình cần hướng tới. Vai trò của cha mẹ không chỉ là chăm lo thể chất mà còn là người đồng hành, dẫn dắt và nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ trên hành trình khôn lớn. Hãy kiên nhẫn, hãy làm bạn với con, hãy là nơi con cảm thấy an toàn nhất khi bị tổn thương đó mới là giá trị thật của nơi gọi là nhà. Những đứa trẻ không đòi hỏi cha mẹ phải hoàn hảo. Các em chỉ mong cha mẹ hiện diện khi mình cần, lắng nghe khi mình nói, và yêu thương không điều kiện. Một bữa cơm có đầy đủ thành viên, một câu nói “Bố mẹ nghe con”, “Có bố mẹ đây mà” một cái xoa đầu dịu dàng là tất cả những gì chúng cần, đôi khi có thể là điều định hình cả tương lai của một đứa trẻ.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều xứng đáng được công nhận, được yêu thương, được cha mẹ bảo vệ và lớn lên trong một mái ấm an toàn. Tôi mong rằng những đứa trẻ ấy sẽ không phải chịu cảnh đơn độc hay bỏ rơi, Tôi mong các em được đến trường vui chơi như bao bạn bè khác, được vui chơi, được học hỏi, được sống đúng với tuổi của mình. Tôi mong không còn những đứa trẻ bị bóc lột sức lao động, không còn những em nhỏ buộc phải trưởng thành sớm chỉ vì thiếu thốn bờ vai yêu thương.

Cha mẹ hãy hiểu rằng, khi chọn sinh ra một đứa trẻ, cũng có nghĩa là đang gánh trên vai một trách nhiệm thiêng liêng, không chỉ là nuôi lớn mà còn là nuôi chúng thật hạnh phúc.

Hãy để mỗi đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, được có một gia đình yêu thương luôn chào đón các em trở về, để ngày mai các em có thể trở thành những con người tử tế.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.