Hoa giấy tặng cô

Vũ Thị Huyền Trang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thùy cẩn thận gắn những bông hoa giấy lên tường. Từng bông hoa đều gợi lên trong Thùy hình ảnh về những đứa trò ngoan nơi núi rừng Tây Bắc. Trên bức tường cũ kỹ ở khu tập thể dành cho giáo viên có rất nhiều hoa giấy. Mười năm lên đây dạy học, vào những dịp lễ trong năm đều không có quà to quà nhỏ, cũng không có hoa tươi hay những chiếc thiệp mừng lấp lánh như giáo viên vùng xuôi. Chỉ có lời chúc vụng về và những bông hoa giấy, hoa dại mọc ven đường được trao đến thầy cô.

Nhưng Thùy yêu lũ trẻ nơi đây cũng bởi những điều mộc mạc như cây cỏ. Sỉn nói “bông hoa này xấu lắm. Nhưng em đã thức đến lúc tàn con trăng mới gập xong hoa. Tụi con gái khéo tay hơn nên bông nào cũng đẹp”. Năm ngoái Sỉn giấu sau tay áo một chú chim non làm quà tặng cô. Đó là chú chim mồ côi Sỉn bắt được sau cơn bão lớn. “Tổ của nó rách bươm, chỉ còn lại những chiếc lông chim xơ xác rơi dưới đất. Nó tội nghiệp như Sỉn vậy cô ơi. Cô thương Sỉn thế nào thì hãy thương con chim như thế”. Sỉn đặt vào tay cô chú chim non ngơ ngác ngước đôi mắt tròn xoe đen láy nhìn trời. Chú chim non bé bỏng ấy giờ đã dang đôi cánh vẫy vùng giữa bầu trời rộng lớn. Sỉn của Thùy cũng vậy, từ mái trường này rồi sẽ trưởng thành để đi đến những chân trời mới.

Sáng sớm, lúc Thùy thức dậy định đi ra suối lấy nước thì va phải gùi măng chắn ngay bậc cửa. Cái gùi to quá che kín cả thằng bé Sỉn đang ngồi ngủ gục. Chiếc mũ nồi trên đầu Sỉn còn lấm tấm sương sớm. Thùy chạm tay vào vai Sỉn lay nhẹ, cảm nhận được hơi lạnh toát ra từ cơ thể trò. Ngước đôi mắt ngái ngủ Sỉn cười ngượng nghịu:

- Bà nói Sỉn mang gùi măng xuống cho thầy cô. Măng mai ngọt lắm…

- Sao Sỉn không để sương tan rồi hãy đi?

- Sỉn phải dậy sớm cùng bà đi đào măng. Măng mới đào sẽ ngọt hơn để qua đêm.

Hoa giấy tặng cô - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Thùy gỡ gùi măng trên lưng Sỉn xuống, kéo tay trò vào trong nhà ngồi cho kín gió. Gió nơi đây quần quật thổi suốt ngày đêm, nếu lắng tai có thể nghe thấy tiếng gió vỡ sau vách núi. Sỉn cầm cốc mật ong ấm cô đưa áp vào má môi nhoẻn miệng cười. Nó nhấp một ngụm nhỏ và reo lên khe khẽ:

- Mùi của những bông hoa mận cô ơi. Thơm quá.

Thùy nhìn cậu trò nhỏ của mình lòng dậy lên thương cảm. Sỉn là đứa trẻ mồ côi mẹ từ lúc sáu tuổi, vài năm sau bố bị bắt đi tù vì buôn bán ma túy. Sỉn ở với bà nội trên núi, hàng ngày ngoài lúc đến trường thì làm đủ mọi việc lớn nhỏ giúp bà. Mười ba tuổi nhưng Sỉn chỉ như đứa trẻ lên mười. Có thể vì những gùi măng, gùi gô nặng trịch trên lưng đã khiến Sỉn không lớn nổi. Nỗi lo toan của một đứa trẻ còn đang tuổi ăn tuổi chơi hằn trên khuôn mặt đen đúa và buồn rượi của Sỉn. Thằng nhỏ hay kể với Thùy về giấc mơ có mẹ.

- Mẹ em có nụ cười hiền như cô. Mắt mẹ em cũng biết cười như cô vậy ạ. Đêm nào mẹ cũng ôm em vào lòng và hát ru. Tiếng mẹ ru êm như giọt sương vừa rơi xuống lá non. Em thường dụi đầu vào mớ tóc đen láy của mẹ ngủ ngon lành.

- Chắc là ở trên thiên đường mẹ sẽ rất vui khi thấy em ngoan ngoãn trưởng thành.

- Thiên đường có xa lắm không cô? Liệu mẹ có nhìn thấy Sỉn mỗi ngày không ạ?

- Cô tin là mẹ vẫn sẽ dõi theo em mỗi ngày. Như bố em từng nói đấy thôi “nếu mình thương ai đó thì nhìn đâu cũng thấy bóng hình”. Thiên đường ở gần thôi, ngay trong tim em à.

Học sinh của Thùy không hiếm những hoàn cảnh éo le như Sỉn. Đứa còn bố thì mất mẹ. Đứa có mẹ thì bố biệt tăm. Trường học nằm trong bản Sú, là một trong những điểm nóng ma túy. Không thiếu những người dân tộc ít hiểu biết lại hám lợi đã được thuê vận chuyển ma túy trong các đường dây buôn bán chất trắng chết người này. Chỉ tội những đứa trẻ còn chưa kịp lớn đã phải sống cảnh tan tác chia lìa. Thùy đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh những người bà tóc bạc phơ ngồi ở bậc cửa vừa tẽ ngô vừa ngóng vợi xa xôi chờ đợi. Bà thay mẹ ru cháu đêm lạnh. Bà cõng cháu đến trường ngày mưa. Bà như cành củi khô nhóm cuộc đời mình thành lửa ấm bao bọc lấy các cháu qua những mùa giông gió. Bảy năm trước đã có lần Thùy định rời khỏi ngôi trường nằm giữa rừng thiêng nước độc này. Nhưng hình ảnh về những người bà, những đứa học trò bé bỏng và tội nghiệp cứ níu chân Thùy đến tận bây giờ. Nếu có những nắm hạt mầm sự sống trong tay Thùy nhất định sẽ gieo trên mảnh đất này. Như đã từng gieo chữ suốt bao năm…

Hoa giấy tặng cô - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Những buổi sáng cuối thu sương xuống trũng trên gân lá. Thùy dậy sớm soạn giáo án dưới ánh điện đỏ quạch. Giờ này những đứa trò nhỏ chắc đều đã dậy thổi cơm, bón cho em ăn rồi vội vã xuyên qua những con đường mòn đi đến lớp. Sương lạnh dưới chân, sương rớt trên đầu. Có đứa nhà nghèo quần áo không đủ ấm. Đi được đến trường là tay chân lạnh ngắt, môi thâm tím lắp bắp chào cô không thành tiếng. Nên mùa này trong phòng tập thể của giáo viên luôn có nước ấm và nhen sẵn bếp lửa. Thỉnh thoảng tụi nhỏ mang theo bắp ngô, củ khoai trong túi quần cặp sách. Chúng vùi trong bếp than nhem nhuốc mang mời thầy cô với nụ cười hồn nhiên trong trẻo. Thùy nhớ tụi nhỏ ngay cả khi chúng nói cười hiện hữu ngay trước mắt. Nhớ những ngón tay đen nhẻm ngập ngừng giở sách. Nhớ nụ cười bẽn lẽn lúc quên bài, hay tần ngần thưa cô “đêm qua bà em ốm. Em phải chăm bà nên không làm bài về nhà kịp”. Thỉnh thoảng vào những ngày nghỉ hoặc khi đã tan học, Thùy ngồi một mình giữa lớp học lòng trũng xuống khi nghĩ đến Mai.

Mai là đứa trò nhỏ rất thông minh và giàu tình cảm. Mai thường đến lớp muộn hơn các bạn vì nhà ở xa và sáng ra còn tranh thủ đi xuống suối lấy nước cho bà. Mai là chị cả của ba đứa em lố nhố đang tuổi ăn tuổi ngủ. Bố đi tù, mẹ đổ bệnh mất vào mùa xuân năm ngoái nên Mai thành trụ cột gia đình. Mai nghỉ học ở nhà làm rẫy tra ngô, cấy lúa. Và tìm hái cây thuốc mang về bán lấy tiền thuốc thang cho bà và nuôi nấng các em.

Hôm Thùy tìm đến nhà thì Mai đã đi hái thuốc từ sáng sớm. Trong căn nhà lá lụp xụp và bề bộn ấy những cuốn vở vẫn luôn được nâng niu. Vở còn thơm mùi giấy, bài học trong trang sách giáo khoa hình như đang đọc dở. Bà nội Mai rơm rớm kể “mẹ con bé biết rất nhiều bài thuốc dân gian. Con bé từng ước được học hành đến nơi đến chốn để sau này bốc thuốc chữa bệnh cho dân làng khắp các bản nghèo. Nhưng mẹ mất sớm, nó buộc phải nghỉ học thôi cô. Cái bụng không no thì sao níu nổi cái chữ trong đầu. Nó đâu thể đi học mà để các em ở nhà kêu đói. Tội nghiệp, nó như con sóc nhỏ giữa núi rừng này”. Hôm đó Thùy chờ đến tối mà Mai vẫn chưa về. Lần sau quay lại thì cả nhà Mai đã chuyển sâu vào rừng để khai hoang và tìm nguồn thuốc.

Thùy chạm tay vào bông hoa giấy của Mai. Hoa vẫn còn đây trên bức tường cũ kỹ mà trò thì đã xa hun hút trong nỗi nhớ. Thùy vẫn tin đến một ngày nào đó Mai sẽ trở về ngồi ngoan ngoãn dưới dãy bàn kia ngước mắt to tròn nhìn lên bục giảng. Ý nghĩ ấy khiến Thùy thấy ấm áp khi ngoài kia sương phủ trắng những tán cây mận già. Vài tiếng chim ngoi lên khỏi màn sương cất tiếng lòng trong vắt. Mặc cho tiếng gió vỡ sau vách núi, những bông hoa vẫn tỏa hương dưới lớp đất cằn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Hạnh phúc suýt đánh rơi

Hạnh phúc suýt đánh rơi

(PNTĐ) - Đối với những người vợ yêu gia đình, yêu chồng, yêu con chính là lẽ sống của họ. Song, sự hy sinh không mong đáp đền đó lại ít khi nhận được sự thấu hiểu của người đầu gối, tay ấp sẽ khiến tình yêu dần phai nhạt.