Hoa mẫu đơn

Chia sẻ

Giáng sinh vốn dĩ là sự kiện gắn liền với năm mới ở các nước phương Tây và đạo thiên Chúa. Tuy nhiên, khi được du nhập vào Việt Nam, Giáng sinh đã thành một vẻ đẹp của mùa đông.

Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.

Em ạ, quê ta tháp giáo đường
Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ tôi đi với
Gió dạo lời kinh toả vấn vương

Con gái nhà Chung xinh đẹp lạ
Đẹp hơn con gái phố phường bên
Ngày ngày hai buổi xưa đi học
Mượn lối vườn hoa để gặp em

Tôi nhớ từng viên đá lát thềm
Từng hàng ngói nhỏ mái nhà êm
Cây doi đứng cạnh hòn non bộ
Toả mát đường đi gạch lát nem

Ôi vật vô tri cũng có hồn
Những ngày nắng mới những hoàng hôn
Tình yêu sau trước đều như vậy
Những thoáng vui xen những nét buồn

Chủ Nhật tự nhiên thành buổi hẹn
Gió bay tà áo trắng như thơ
Mẫu đơn nở giữa hai lời nguyện
Phảng phất còn thơm đến bây giờ

Đêm Giáng sinh này em ở đâu
Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu
Ước chi sống lại thời xưa nhỉ
Để trẻ ra và để hẹn nhau.
                                           Hồ Dzếnh

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

LỜI BÌNH

Giáng sinh vốn dĩ là sự kiện gắn liền với năm mới ở các nước phương Tây và đạo thiên Chúa. Tuy nhiên, khi được du nhập vào Việt Nam, Giáng sinh đã thành một vẻ đẹp của mùa đông. Sự ấm áp của đêm Giáng sinh cũng gợi kỷ niệm của đôi lứa đang yêu và những ai đã từng được cảm nhận dư vị hạnh phúc như câu kết trong bài thơ mà thi sĩ Hồ Dzếnh đã viết: “Ước chi sống lại thời xưa nhỉ/ Để trẻ ra và để hẹn nhau”.

Thật ra, ước ao được “sống lại thời xưa”, thời trẻ trung, khát khao yêu đương luôn là mong mỏi của con người. Có điều, phép màu ấy mãi là câu chuyển viễn tưởng xa vời, chỉ có trong thơ ca, ta mới có cơ hội cảm nhận lại điều hạnh phúc đó. Hãy cùng đọc lại Hoa mẫu đơn của Hồ Dzếnh:

Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.
Em ạ, quê ta tháp giáo đường
Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ tôi đi với
Gió dạo lời kinh toả vấn vương

Hai khổ thơ đầu là những cảm xúc thánh thiện, giản dị và sâu lắng. Bài thơ mở đầu với thể hứng trong ca dao (Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ/ Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau). Thể hứng là mượn một cái cớ để gắn kết, để đả động đến duyên tình đôi lứa. Đến hai khổ thơ sau lại là một sự chuyển đổi cảm xúc:

Con gái nhà Chung xinh đẹp lạ
Đẹp hơn con gái phố phường bên
Ngày ngày hai buổi xưa đi học
Mượn lối vườn hoa để gặp em

Tôi nhớ từng viên đá lát thềm
Từng hàng ngói nhỏ mái nhà êm
Cây doi đứng cạnh hòn non bộ
Toả mát đường đi gạch lát nem.

Bài thơ này được làm theo phong cách Thơ mới, nhắc đến những kiến trúc, công trình văn hoá phương Tây nhưng vẫn theo cách tỏ tình “mượn lối” của dân gian xưa, có nét gì đó giống Nguyễn Bính: “Cái ngày cô chưa có chồng/Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa”(Qua nhà). Nhưng với Hồ Dzếnh, con đường ấy còn sâu nặng hơn trong trí nhớ bởi những câu từ nhấn mạnh về nỗi nhớ, nhớ từng cái cây, từng viên đá… Bao ngày đi lễ là bấy nhiêu luyến thương:

Chủ Nhật tự nhiên thành buổi hẹn
Gió bay tà áo trắng như thơ
Mẫu đơn nở giữa hai lời nguyện
Phảng phất còn thơm đến bây giờ.

Hương mẫu đơn như một chứng nhân cho cái tình e ấp, kín đáo, phải lòng nhau. Nhưng rồi, mối tình tưởng như sẽ rất đẹp ấy đã lỡ dở trong chính đêm Giáng sinh này:

Đêm Giáng sinh này em ở đâu
Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu
Ước chi sống lại thời xưa nhỉ
Để trẻ ra và để hẹn nhau.

Một câu hỏi trong vô vọng: “Đêm Giáng sinh này em ở đâu” thường thấy trong các bài thơ tình yêu thêm một lần nữa được lặp lại ở thi phẩm này. Trong đêm Giáng sinh, chàng trai chỉ có một nguyện ước, một hy vọng mong manh: “Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu”. Biết đâu, một ngày nào đó, một mùa giáng sinh nào đó tình yêu xưa lại trở về với anh…

LÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.