Hoa sữa

Chia sẻ

Hoa sữa trinh bạch thơm trong đêm
Đêm mùa thu mênh mang
Không cầm lòng được nữa
Ta bỗng nhớ
Hà Nội và tuổi thơ của ta
Hà Nội để tình yêu đi xa
Hà Nội để một hồn thơ ngơ ngác
Hà Nội để một đời yên lặng
Ngắm tình yêu ô cửa sổ đêm đêm
Hoa sữa mùa thu

Cô liêu hiên thềm
Cô liêu tiếng chuông chùa tịch mịch
Cô liêu chiếc lá thu tiền kiếp
Cô liêu đời em
Đời anh...
Hoa sữa mùa thu ta không cầm lòng được nữa
Thứ hương thơm day dứt một đời người
Hoa sữa mùa thu ta không cầm lòng được nữa...
                                                 Thái Thăng Long

Ảnh minh họaẢnh minh họa

LỜI BÌNH:
Thú thật, nếu ai từng có một tình yêu gắn với mùa hoa sữa thì chắc hẳn kỷ niệm đó sẽ còn thao thiết, khắc khoải mãi như hương thơm nồng nàn, da diết đến quyết liệt của loài hoa này. Nếu ví hương của mỗi loài hoa như một ca khúc thì có lẽ với hoa sữa sẽ là một điệp khúc, một nỗi nhớ khắc sâu, đầy ấn tượng như cách thi nhân nhớ về kỷ niệm xưa:

Hà Nội và tuổi thơ của ta
Hà Nội để tình yêu đi xa
Hà Nội để một hồn thơ ngơ ngác
Hà Nội để một đời yên lặng

Ngẫm ra, mùa chính là điều thú vị trong cuộc đời này. Mỗi mùa một màu hoa, mỗi người yêu một loài hoa. Người đang yêu sẽ nâng niu màu hoa đẹp đang khoe sắc, người đã từng yêu nhớ hương hoa thuở nào còn đọng trong tâm hồn. Tất cả đều tự nhiên như lời thú nhận của nhà thơ, đó là khi ta “không cầm lòng được nữa” dẫu đó chỉ còn là “ô cửa sổ đêm đêm” của quá khứ, của hàng cây hoa sữa dưới kia thôi, ở trước mắt thôi mà xa xăm không thể trở về. Cách mà thi sĩ Thái Thăng Long nhắc đến Hà Nội (4 lần) trong một khổ thơ cũng nồng nàn như loài hoa ấy. Và, đâu chỉ có nhớ, đối mặt với thực tại là một cảm thức cô liêu, cô liên đến tận cùng:

Cô liêu hiên thềm
Cô liêu tiếng chuông chùa tịch mịch
Cô liêu chiếc lá thu tiền kiếp
Cô liêu đời em
Đời anh...

Bạn đọc có thể nhận ra không gian trong bài thơ càng ngày càng bị thu hẹp. Từ thực đến ảo, từ hiện hữu đến mơ hồ (hiên thềm-tiếng chuông chùa-lá thu tiền kiếp), từ xa đến gần (đời em- đời anh).

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nếu bạn sống trên một con phố mùa thu, bạn sẽ thấy hương hoa sữa như từng con sóng vỗ bờ dào dạt, từng lớp, từng đợt. Với một tâm hồn đã yêu, đang hoài niệm và sẽ còn nhưng ưu tư, từng đợt sóng “cô liêu” ấy cứ theo hương hoa dội về trái tim. Hương đi thật xa rồi lại trở về nơi trái tim mình. Sau bao năm tháng, hương hoa hay hình bóng một người vẫn thổn thức, vẫn thiết tha, vẫn khắc khoải, vẫn đau đáu trong lòng. Bài thơ có một cái kết mà như chưa thể kết được, lời cuối mà như mở ra một sự khởi đầu:

Hoa sữa mùa thu ta không cầm lòng được nữa
Thứ hương thơm day dứt một đời người
Hoa sữa mùa thu ta không cầm lòng được nữa...

Nhà thơ Thái Thăng Long đã gọi ra đúng tên gọi của loài hoa bằng cảm nhận của mình. Hoa sữa là “hương thơm day dứt một đời người”, hoa ướp hương kỉ niệm, hương xưa cứ thế thấm vào trái tim người, vào từng hơi thở, đọng trong từng con chữ.

Đọc xong bài thơ, mỗi người sẽ có một cảm nhận cho riêng mình. Có người đồng cảm vì thấy bài thơ đã nói hộ lòng mình, có người đang suy tư, có người lặng im. Chỉ biết rằng, cũng như hoa sữa đang nồng nàn trên từng con phố của Hà Nội, của nhiều con phố trên cả nước, trước “hoa sữa mùa thu” ta “không cầm lòng được nữa...”.

MAI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.