HOA TẦM XUÂN
(PNTĐ) - Bế Kiến Quốc (1949 - 2002) quê Nam Định, sống cuộc đời giản dị, chân thành, là nhà thơ rất nổi tiếng. Ông có năng khiếu làm thơ từ sớm, từng đạt giải của báo Văn nghệ về thơ khi đang là sinh viên. Thơ ông nhiều bài đạt tới "độ trong của tâm hồn, độ lắng của cảm xúc"; "Hoa tầm xuân" là một sáng tác như thế. Bài thơ tái hiện bức tranh chiều quê yên bình, thanh nhã, tâm trạng bâng khuâng nhung nhớ biểu hiện tình yêu quê hương sâu lắng của tác giả.
Tầm xuân hoa nở bên rào
Mưa phơn phớt ngõ, gió xao xuyến chiều
Ngày đang khuất, mắt trông theo
Cánh chim bé tẻo tèo teo cuối trời
Ngây ngây chút nhớ xa vời
Giơ bàn tay, với ra ngoài không gian
Chạm vào một nhánh tầm xuân
Vẫn xanh biếc nụ, dẫu ngần ấy quên
Lích cha lích chích vành khuyên
Mổ từng hạt nắng đọng nguyên sắc vàng
Thấy thương con nhện lang thang
Chăng tơ cứ tưởng thời gian mắc vào...
Bế Kiến Quốc
LỜI BÌNH
Bế Kiến Quốc (1949 - 2002) quê Nam Định, sống cuộc đời giản dị, chân thành, là nhà thơ rất nổi tiếng. Ông có năng khiếu làm thơ từ sớm, từng đạt giải của báo Văn nghệ về thơ khi đang là sinh viên. Thơ ông nhiều bài đạt tới "độ trong của tâm hồn, độ lắng của cảm xúc"; "Hoa tầm xuân" là một sáng tác như thế. Bài thơ tái hiện bức tranh chiều quê yên bình, thanh nhã, tâm trạng bâng khuâng nhung nhớ biểu hiện tình yêu quê hương sâu lắng của tác giả.
Thi phẩm ra đời tháng Chạp 1989, in trong tập Cuối rễ đầu cành (1994); ấn phẩm là sự tiếp nối và khẳng định bước tiến mới rõ rệt của thơ Bế Kiến Quốc. Bài thơ nói về tầm xuân, một loài hoa hồng leo, có đặc điểm gần giống với hoa hồng nhưng lá cây nhỏ, cánh hoa mỏng và bông cũng nhỏ hơn.
Dùng hình thức thơ lục bát, thi nhân kết cấu bài ba phần rõ rệt. Đoạn mở đầu kết hợp giữa tự sự và trữ tình: "Tầm xuân hoa nở bên rào/ Mưa phơn phớt ngõ, gió xao xuyến chiều/ Ngày đang khuất, mắt trông theo/ Cánh chim bé tẻo tèo teo cuối trời". Những câu thơ giàu hình ảnh gợi tả một không gian làng quê yên tĩnh thanh bình, nhiều thi vị. Ngôn ngữ thơ giàu giá trị tạo hình, làm rõ đặc điểm của loài cây tầm xuân, thường được người dân trồng làm hàng rào xung quanh vườn, ruộng, mọc thành bụi, có sức sống mạnh mẽ. Hoa tầm xuân có màu hồng tím rực rỡ, nở rộ vào cuối mùa xuân, được nhiều người yêu thích bởi nó mang ý nghĩa về tình anh chị em gắn bó, yêu thương, gia đình đoàn tụ, đầm ấm.
Trong bài, tác giả rất sáng tạo khi dùng biện pháp tu từ nhân hóa kết hợp với các từ láy. Nghệ thuật đảo ngữ trong câu nhấn mạnh ý thơ: mưa, gió thiên nhiên cũng như có tình ý: "Mưa phơn phớt ngõ, gió xao xuyến chiều". Hai vế câu thơ giàu hình ảnh, rất đăng đối tả cảnh vật gam màu nhẹ nhàng, thanh nhã. Câu thơ "Cánh chim bé tẻo tèo teo cuối trời" thật giàu sức gợi hình. Nhà thơ có biệt tài trong việc sử dụng từ láy đa âm tiết: Phơn phớt, xao xuyến, ngây ngây, tèo tèo teo, lích cha lích chích… Người thơ hướng tầm mắt theo cánh chim đang nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút phía trời xa. Đoạn thơ tiếp là tâm trạng hoài niệm của nhân vật trữ tình trước sự chảy trôi của thời gian. Sống trên đời, có ai tìm được thời gian đã mất? Chẳng ai cả. Chỉ có thứ hoa dại bên rào đang lặng lẽ tỏa sắc hương riêng mình. Hình ảnh bàn tay chạm khẽ vào nhánh tầm xuân cho thấy tâm hồn và cảm xúc của thi nhân tinh tế vô cùng: "Chạm vào một nhánh tầm xuân/ Vẫn xanh biếc nụ, dẫu ngần ấy quên". Thơ Bế Kiến Quốc mang hồn cốt của anh. Thơ ấy gợi người đọc nhớ câu ca dao cổ: "Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc..." Bài thơ và bài ca dao có sự đồng điệu cảm xúc, cùng một niềm nuối tiếc, bâng khâng…
Trong bài, câu chữ như hút lấy nhau, ý thơ chặt chẽ mà chứa chan tình cảm. Người thơ nhớ tiếc thời gian nên tìm đến không gian để thả hồn trong đó, để cảm nhận và trân quý hơn hiện tại: Con chim vành khuyên đang mổ từng hạt nắng, tích góp từng hạt vàng hoàng hôn quý giá: “Mổ từng hạt nắng đọng nguyên sắc vàng”. Riêng chú nhện ca dao thì giăng từng sợi tơ mảnh và nhà thơ đã có sự liên tưởng thú vị "cứ tưởng thời gian mắc vào..." rất mới lạ. Đúng là thơ Bế Kiến Quốc mang hồn cốt của anh, một con người đa cảm, dễ rung động trước cảnh vật thiên nhiên, quê hương đất nước, con người và cuộc đời.
Hoa tầm xuân cũng như những bài thơ hay khác của Bế Kiến Quốc đã và sẽ sống mãi với thời gian. Tuy thi nhân đã đi xa đã hơn 20 năm nhưng giá trị những thi phẩm của anh dâng tặng cuộc đời như hương thơm sẽ còn lan tỏa mãi.