Hôn nhân dễ tan vỡ nếu để cảm xúc tiêu cực tích tụ

Chia sẻ

Khi tôi bấm máy điện thoại gọi cho người chồng, nói với anh ấy rằng: “Xin lỗi, anh có phải là chồng của cô H không? Tôi là cán bộ của văn phòng tư vấn tâm lý, ở đường X, quận Y. Vợ anh đến tư vấn, chuyện khá dài, hiện nay cô ấy bị ngất tại chỗ chúng tôi.

Chúng tôi đã cho cô ấy uống trà gừng, sữa, cô ấy khá hơn một chút. Tuy nhiên, chúng tôi không yên tâm khi để cô ấy trở về bằng taxi hay xe ôm. Anh vui lòng đến đón cô ấy nhé!”, người đàn ông có vẻ tức giận, hỏi tới tấp nhiều câu hỏi: Sao cô ấy lại bị ngất? Sao cô ấy lại ngất ở chỗ anh? Cô ấy tư vấn chuyện gì mà tôi không biết? Cô ấy bỏ nhà đi từ chiều, để tôi phải ôm hai đứa con, đứa nhỏ mới có 8 tháng. Thật quá đáng…

Rồi cuối cùng người chồng cũng đồng ý đến đón vợ, trước khi dừng máy, anh ấy hỏi rất kỹ địa chỉ, số điện thoại liên lạc…

Cả hai bên gia đình, bạn bè, họ hàng, khu phố đều cho rằng họ là những người thành đạt, có đủ mọi thứ mà bất cứ đôi vợ chồng nào cũng mong ước. Chồng sinh năm 1985, vợ sinh 1986, là “dân tỉnh lẻ”, học giỏi, tự lập và thành đạt trong lĩnh vực công tác của mình. Người chồng làm ở một ngân hàng, cũng có chút “chức sắc” nhất định. Ngoài công việc chính ở ngân hàng, anh còn là một tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ khá thành công, nên thu nhập rất khá. Cô vợ làm kế toán của một công ty có tiếng. Ngoài làm chính cho công ty lớn này, cô còn nhận làm kế toán thuế cho hàng chục công ty TNHH nhỏ và vừa khác, nên thu nhập cũng không kém chồng nhiều lắm. Kết quả, kết hôn 8 năm, họ đã kịp sinh 2 đứa con, mua được chung cư cao cấp và một vài “mảnh đất nhỏ”, coi như có chút vốn cho tương lai, hai vợ chồng hai xe ô tô. Ngoài việc lo cho cuộc sống của gia đình riêng, họ cũng giúp đỡ cha mẹ đôi bên có cuộc sống khá giả so với những người cùng quê khác.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mọi chuyện buồn bắt đầu từ trước khi cô vợ sinh đứa con thứ hai vài tháng.

Đầu tiên, người vợ nhận ra một số thay đổi nhất định ở người chồng. Chồng hay đi sớm, về khuya, ít ăn cơm nhà, hay tắt điện thoại, thỉnh thoảng lại đi công tác một vài ngày, điện thoại đã được cài mật khẩu và lúc nào cũng kè kè bên mình, kể cả khi đi vệ sinh. Đêm người chồng cũng có những cuộc điện thoại và tin nhắn gửi đến. Có những cuộc điện thoại của khách hàng (anh ấy là tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ), khi ấy anh nghe công khai và nói to cho vợ và cả nhà biết. Nhưng có những cuộc điện thoại, nhìn số là anh ấy tắt đi ngay, rồi ra chỗ kín gọi lại hoặc nhắn tin. Đặc biệt, người chồng cũng ít hỏi han đến sức khỏe, sự phát triển của thai nhi như lần người vợ mang thai lần thứ nhất. Anh cũng lấy lý do kiêng, nên không “yêu vợ” trong thời gian mang thai, mặc dù cả hai đều là người có hiểu biết, lần mang thai trước cả hai vẫn duy trì quan hệ đều đặn mà an toàn. Có hôm vợ quàng tay qua bụng chồng, định dở trò “gạ gẫm”, liền bị chồng gỡ tay ra, nói rằng anh ấy mệt, cần ngủ để mai còn đi làm. Người vợ biết chồng không mệt đến mức từ chối “chuyện ấy”. Tổng hợp tất cả những dấu hiệu kể trên, người vợ kết luận chồng mình chắc chắn có bồ.

Người vợ bóng gió nhắc nhở, liền bị chồng quy cho tội “ghen tuông vớ vẩn”, mang thai, ngồi nhà nên hay nghĩ linh tinh.

Để có thông tin chính xác, chắc chắn, để buộc người chồng phải “tâm phục khẩu phục”, rồi phải thú nhận, rồi hứa hẹn từ bỏ người tình, quay về với vợ con, trở thành người chồng, người cha có trách nhiệm, người vợ đã nhờ một “cậu em giỏi IT” phá được mật khẩu zalo, facebook của chồng. Chỉ cần ngồi nhà, người vợ theo dõi, nắm chắc chồng mình hôm đó gọi điện cho ai, chat chít, nhắn tin cho ai, đi đến những đâu. Nhưng bất hạnh đến từ những “điều biết” đó.

Đúng là người chồng có bồ, bồ của anh chính là một chị làm cùng trong nhóm với người chồng. Chị này hơn chồng khá nhiều tuổi, đã bỏ chồng, có một cô con gái khá lớn và chị ấy cũng là “chỗ đi lại” của nhiều người đàn ông khác. Người vợ biết chị này, bởi có lần chị ấy đến nhà chơi. Người chồng gọi chị này là “chị”, xưng “em” ngon lành.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đọc được đoạn chat của người chồng với “chị bồ”, người vợ phát hiện hai người đó có quan hệ tình dục với nhau nhiều lần, nhất là những tháng gần đây. Chị kia khen người chồng “vừa tham, vừa khỏe”. Người chồng cũng trêu lại chi ấy rằng mình bị bỏ đói lâu ngày, vợ mang thai thì không còn hứng thú nữa, lại gặp chị ấy có “tay nghề cao”, nên mọi cuộc yêu đều “trên cả tuyệt vời”. Chị kia có lúc hờn dỗi, nói rằng chị ấy đang bị thiệt thòi, vướng vào “cuộc yêu” với người chồng chẳng được cái gì, không quà, không tiền, không dành thời gian chăm sóc, không được đi đây đi đó với nhau thoải mái. Lần nào gặp nhau cũng chỉ là “làm chuyện đó”, rồi lại vội vã chia tay nhau, để trong lòng chị ấy biết bao hụt hẫng. Chị ấy cũng hờn dỗi rằng người chồng chỉ coi chị ấy là chỗ “lấp chỗ trống”, là “ăn tạm” khi vợ mang thai, chứ chắc sẽ quên chị ấy, bỏ chị ấy ngay sau khi vợ chồng hai người yêu nhau trở lại. Người chồng động viên chị ấy, nói rằng thật sự có cảm tình, có cảm xúc, tiếc rằng “đúng người, sai thời điểm”. Người chồng còn nói giá họ gặp nhau 7, 8 năm trước thì sẽ hạnh phúc mĩ mãn. Người chồng cũng hứa sẽ yêu thương chị ấy lâu dài, cố gắng “bù đắp thiệt thòi” cho chị ấy ở mức cao nhất có thể…

Biết hết chuyện này, người vợ âm thầm chịu đựng, không muốn làm to chuyện, sợ mọi người biết chuyện sẽ ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, làm ăn của cả hai. Đặc biệt, người vợ đang mang thai, không muốn có chuyện đổ vỡ lúc này. Tuy nhiên, người vợ có làm vài việc nho nhỏ. Cô ấy đã dùng điện thoại có sim rác để gọi cho “chị kia”, nhưng khi chị kia a lô, người vợ lại không biết nói gì, nên bỏ máy. Với người chồng, người vợ chỉ cố gắng nói bóng gió xa xôi về tình cảm cha con, về chuyện con mong có bố ở nhà, chơi với con nhiều hơn. Người vợ cũng cố gắng đòi hỏi “chuyện ấy”, nói với chồng rằng cô tự nhiên thấy có ham muốn, nhưng cô vẫn bị chồng cự tuyệt.

Người vợ suy nghĩ nhiều, không ngủ được, ít ăn, người thất thần. Rồi người vợ sinh non, đứa con yếu ớt.

Người chồng về quê đưa mẹ lên chăm sóc vợ con cho mình, còn mình vẫn đi tối ngày như trước đó. Người vợ càng trở nên “khó ở”. Cô ít ngủ, ít ăn, nên sữa cho con cũng không đủ, phải dùng sữa ngoài là chính. Đứa con lại hay ốm đau do đề kháng kém. Đọc sách, thấy các nhà chuyên môn nói đến bệnh “trầm cảm sau sinh”, người vợ nhận ra mình có phần lớn những dấu hiệu của căn bệnh đó. Tuy nhiên, người vợ không chia sẻ, không tâm sự, không nói cho ai biết, không dám nói với chồng, chỉ âm thầm chịu đựng và mua thuốc ngủ, thuốc an thần về uống.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rồi một hôm, khi đứa con đã được 4 tháng, cô vợ lại thấy họ chat nói chuyện với nhau. Để yên theo dõi, cô vợ đọc được rằng “đôi kia” hẹn sẽ có con với nhau để gắn kết tình cảm lâu dài. Chị bồ của chồng nói rằng không muốn tái hôn, bởi cuộc sống vợ chồng nhiều phức tạp. Chị lại có đứa con gái, rồi nó sẽ lớn, sẽ lấy chồng, sẽ rời bỏ chị. Chính vì thế chị ấy dự định “xin” người chồng một đứa con, được con trai thì tốt. Chị ấy thừa sức để làm người mẹ đơn thân, có đủ điều kiện cho con mình một cuộc sống đầy đủ, không thua kém ai. Chị ấy cũng hứa không làm phiền người chồng, chị muốn có con với anh ấy là vì muốn có cái giống, cái “gen tử tế” mà thôi. Người chồng không từ chối, họ bàn nhau tìm dịp thuận lợi để “làm việc đó”.

Lần này thì người vợ suy sụp tinh thần hoàn toàn. Cô lên mạng tìm kiếm số điện thoại, địa chỉ của trung tâm tư vấn tâm lý. Rồi cô nói với chồng rằng ở nhà trông con phụ với mẹ chồng để cô đi có chút việc. Cô đã đến với văn phòng tư vấn của chúng tôi. Câu chuyện cô tâm sự kéo dài nhiều giờ đồng hồ bởi nó là sự xả bỏ những cảm xúc tiêu cực do tích tụ lâu dài. Tới lúc gần kết thúc cuộc tư vấn, xảy ra chuyện người vợ bị tụt huyết áp, hạ đường huyết, ngất xỉu…

Rồi người chồng cũng “đánh xe” đến đón vợ. Anh ấy im lặng, không mắng mỏ vợ vì biết vợ đến một nơi có chức năng chia sẻ, tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc của mọi người về tâm lý. Anh chỉ nói với vợ: “Sao đến nông nỗi này? Em có chuyện gì khó nói, khó giải quyết, sao không nói với anh? Các bác ấy làm sao có thể giải quyết hết mọi chuyện của em được”. Người chồng dìu vợ ra xe. Chúng tôi mong mọi chuyện sẽ ổn với gia đình họ.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.