Khám phá chùa Nôm

NGỌC PHẠM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chùa Nôm nằm trong quần thể di tích làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Cách Thủ đô Hà Nội 30km, ngôi chùa hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ cổ kính đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ và được xem như là ngôi chùa tam quan lớn nhất nhì Việt Nam.

Đến chùa Nôm vào những ngày đầu Xuân, hiện ra trước mắt tôi là một khung cảnh nhộn nhịp của người dân khắp nơi về đây thắp hương kính phật, xin được nhiều bình an và sức khỏe trong tháng mới.

Theo nhiều bậc cao niên kể lại, ngôi chùa được xây dựng giữa rừng thông đại thụ nên còn được gọi là Linh Thông cổ tự. Nơi đây chùa nằm ẩn mình dưới những tán cây với kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, có nghĩa là bề thế kiên định. Trước khi vào chùa hành lễ, ta sẽ phải đi qua một cây cầu đá được làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối, bắc ngang qua dòng Nguyệt Đức.

Vào thế kỷ XVI, cây cầu này được làm bằng gỗ lim, thời Tự Đức (1848 - 1883) cầu được thay hoàn toàn bằng đá. Mặt cầu rộng gần 2m, làm bằng đá xanh nguyên khối, ghép khít lại với nhau.

Khám phá chùa Nôm - ảnh 1

Cầu rộng hơn 1m, xây 9 nhịp; hai bên thành còn hầu như nguyên vẹn; các mỏm đá dầm cầu hình chữ nhật, được chạm trổ vân mây, một họa tiết thường sử dụng trang trí trong kiến trúc cổ, được tạo tác nghệ thuật, rất xảo diệu và cầu kỳ, trông như những đầu rồng. Chân cầu là những cột đá hình trụ, không đều nhau được đẽo thô để gác dầm cầu. Mỗi dầm cầu được chống đỡ bởi ba cột đá.  

Ngoài cây cầu đá, tại làng Nôm còn lưu giữ được cây cầu gạch cổ nằm tại vị trí giữa ao làng. Cầu được xây dựng vào năm 1929 (thời Nguyễn) với tổng diện tích 28m2. Hai bên thành cầu được xây bằng gạch, đắp vôi vữa. Mặt cầu lát gạch chỉ nghiêng. Phía dưới gầm cầu được ghép bằng hai thanh sắt chắc chắn.

Hiện tại, cầu gạch cổ làng Nôm có chức năng nối hai bên bờ hồ tạo thành một điểm nhấn giữa hồ, góp phần tô điểm thêm cho không gian cảnh quan cổ kính nơi đây.

Tuy là một địa danh nổi tiếng ở Hưng Yên nhưng chùa Nôm được xây dựng từ lúc nào thì vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Hiện tại có hai tấm bia đặt bên trong khuôn viên chùa ghi chép lại lịch sử trùng tu: Vào năm 1680 thời Hậu Lê, sau khi lên ngôi nhà vua đã cho xây lại chùa.

Tiếp theo vào các năm 1692, 1697, 1698 ngôi chùa được tu sửa lại hành lang, tiền đường và hậu cung. Đến năm 1700 (năm Chính Hòa 21) các cột trụ trong chùa được tu sửa, mở rộng sân và tạo thêm tượng. Năm 1796 tiếp tục mở rộng hành lang và xây gác chuông.

Khám phá chùa Nôm - ảnh 2
Tam quan chùa (Ảnh: Int)

Trải qua biết bao biến cố lịch sử cùng nhiều lần tu sửa nhưng do tác động của thiên tai, lũ quét, chùa Nôm có một số phần bị xuống cấp nghiêm trọng. Những hình thái kiến trúc nguyên sơ đã không được giữ trọn vẹn. Vì thế mãi đến năm 1998, chính quyền địa phương bắt tay cùng Đại Đức Thích Đồng Huệ góp sức, kêu gọi tôn tạo lại chùa. Ngày nay chùa Nôm đã được xây dựng khá mới nhưng những nét kiến trúc cổ kính vẫn luôn tồn tại trong khuôn viên rộng lớn.

Theo tìm hiểu, cổng tam quan của chùa Nôm được đánh giá là to đẹp nhất nhì vùng Đông Nam Á. Cánh cổng được làm bằng gỗ nâu, bên trên mái đỏ vảy cá mang đặc trưng chùa cổ của Đông Bắc Bộ. Không chỉ vậy, cánh cổng còn thiết kế theo kiểu hai tầng tám mái, trên gác mái được trang trí chạm trổ hoa văn mềm mại tinh xảo. Du khách thập phương có thể bước theo cầu thang gỗ hai bên lên gác mái để ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh xung cảnh chùa.

Bước chân vào bên trong chùa là một không gian yên tĩnh, ngát hương hoa thanh tịnh, dáng vẻ uy nghi, trầm mặc lạ thường. Bước qua tam quan chùa là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng ở hai bên. Những cột gỗ của hai lầu được chạm khắc tỉ mỉ từng đường nét mang tính thẩm mỹ cao. Ngày ngày tiếng chuông được thỉnh lên âm vang trong trẻo giúp không gian chùa trở nên thanh tịnh.

Đặc biệt, chùa còn có lầu Quan Âm nằm giữa hồ nước như một đài sen lộng lẫy. Dẫn vào lầu Quan Âm là cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ, phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc cổ.

Khám phá chùa Nôm - ảnh 3
Người dân tới thắp hương cầu nguyện tại lầu Quan Âm (Ảnh: Ngọc Phạm).

Không chỉ là ngôi chùa quan lớn nhất nhì Việt Nam mà chùa Nôm còn nổi tiếng xa gần cũng bởi nó sở hữu hơn 122 pho tượng đất nung kỳ bí. Các pho tượng phật lớn nhỏ làm bằng đất, nằm rải rác khắp nơi với những kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Các bức tượng ở đây được khắc họa với những cử chỉ, nét biểu cảm trên khuôn mặt vô cùng sinh động, bao gồm Tam Thánh, Tam Thế, A Di Đà, Bát bộ Kim cương, Thập bát La hán... Có những pho tượng cao trên 3m nhưng đôi khi chỉ to bằng nắm tay. Tất cả đều được đặt trong không gian linh thiêng của Tòa Tam Bảo.

Sự tài ba của các nghệ nhân ngày xưa khi thổi hồn vào mỗi bức tượng không chỉ biểu hiện trên nét mặt mà còn biểu thị ở sự tinh tế, thanh thoát của trang phục. Dù ở tư thế nào thì khi nhìn vào các bức tượng ấy du khách vẫn sẽ cảm nhận được sự trong sáng của tâm hồn, sự thanh cao của trí tuệ và sự dằn vặt với nỗi đau của nhân loại.

Hàng năm nhất là dịp Tết, chùa Nôm được đông đảo du khách thập phương đến thắp hương để cầu lộc cầu tài. Việc người dân đến thắp hương, vãn cảnh chùa cũng chính là những nét văn hóa có từ lâu đời. Với những giá trị cổ truyền quý báu đó, chùa Nôm sẽ là nơi giao thoa văn hóa tâm linh, góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần của người dân, đồng thời tạo đà cho nền văn hóa Việt Nam phát triển.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.