Khám phá, trải nghiệm về Tết Trung thu

Bài, ảnh: TUẤN SƠN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cứ vào dịp tháng Tám âm lịch, trẻ em khắp nơi lại nô nức chuẩn bị đón Tết Trung thu, cùng nhau rước đèn ông sao, phá cỗ, trông trăng, thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo, đón chị Hằng, chú Cuội. Dù có nhiều loại đồ chơi hiện đại, nhưng những loại đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn được quan tâm. Ở những làng nghề truyền thống làm đồ chơi Trung thu, cũng như các nghệ nhân đang tất bật chuẩn bị, góp phần làm nên Tết Trung thu trọn vẹn.

Nơi lưu giữ, tạo hồn cho đồ chơi Trung thu

Làng ông Hảo hay còn gọi là làng Hảo ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên khởi thủy làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Tại đây, những người thợ, tiêu biểu như nghệ nhân Vũ Huy Đông hàng ngày cần mẫn sản xuất ra những chiếc trống, mặt nạ, đầu sư tử…với rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Những món đồ chơi Trung thu hoàn toàn được làm thủ công 100%, từ các nguyên liệu thân thiện như tre, nứa…

Đặc biệt, mặt nạ giấy bồi ông Hảo được làm từ giấy, hồ dán bột sắn, sơn màu tổng hợp vẽ lên, phơi khô. Qua nhiều năm, mặt nạ giấy bồi có thêm những mẫu mã đa dạng, trước đây chỉ có mặt nạ Tễu, ông Địa, thằng Bờm về sau có thêm mặt nạ Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, đầu sư tử hay hình ảnh con vật ngộ nghĩnh đầy màu sắc, nổi bật qua từng nét vẽ của nghệ nhân.

Ngoài mặt nạ, tại làng ông Hảo còn sản xuất các loại trống Trung thu, được làm từ da trâu, tang trống được làm bằng gỗ mỡ hoặc gỗ bồ đề vì gỗ xốp, dễ đục đẽo, tạo hình. Trước đây thân trống (còn gọi là tang trống) được làm bằng tay, do người thợ đục đẽo thành. Ngày nay, người dân làng ông Hảo sử dụng máy tiện, công đoạn làm thân trống được rút ngắn. Người thợ chỉ phải tập trung xử lý da và bưng trống là công đoạn giáp da vào trống.

Quy trình bưng trống là công đoạn cần sự khéo léo của những người thợ lành nghề. Nếu bưng quá căng, trống sẽ không tròn tiếng, còn lại nếu quá chùng thì tiếng sẽ non, sản phẩm nhanh hỏng. Thợ lành nghề chỉ cần từ 5-10 phút để bưng xong một cái trống cỡ nhỡ. Trống bưng xong, lần nữa lại được phơi khô một hai ngày nắng, rồi mới đến khâu quét sơn và vẽ hoa văn sao bắt mắt. Hiện nay, trung bình mỗi năm làng ông Hảo xuất xưởng hàng chục nghìn trống các loại bé nhất có đường kính 10cm, to nhất khoảng 30cm, đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Khám phá, trải nghiệm về Tết Trung thu - ảnh 1
Nghệ nhân Vũ Huy Đông làng ông Hảo làm mặt nạ giấy bồi

Đã từ lâu, làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Trực Nam, Nam Định được biết đến là làng làm đèn ông sao lớn nhất miền Bắc. Những chiếc đèn ông sao của làng Báo Đáp đều được chế tạo theo phương pháp thủ công. Để làm được chiếc đèn ông sao, người làng phải chuẩn bị rất lâu. Nguyên liệu làm khung đèn ông sao là nứa và luồng ở Thanh Hóa. Khi mua về, luồng được bổ, chia đoạn rồi ngâm dưới ao để đảm bảo độ dẻo khi uốn. Còn giấy trang trí thì nhập ngoại.

Khi làm, người thợ lấy bột gạo loại bột dán được nấu theo công thức riêng sau khi quét lên thân tre sẽ giúp chiếc đèn bền hơn và rất an toàn cho trẻ em. Đèn ông sao được chia thành nhiều loại, trong đó loại lớn có đường kính  lên tới 1m, loại vừa 50cm, loại nhỏ 30cm, thậm chí còn có cả loại đại làm theo đơn đặt hàng. Trung bình mỗi nghệ nhân làm được khoảng từ 30- 40 chiếc loại to, với loại nhỏ thì một người có thể làm từ 100-120 chiếc/ngày.

Ở phố Hàng Than, Hà Nội có gia đình ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Giang là những nghệ nhân cuối cùng của phố cổ Hà Nội còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống. Hơn 40 năm nay, hai ông bà Hòa, Giang vẫn miệt mài tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi mang giá trị nguyên bản, đơn sơ, mộc mạc nhất của món đồ chơi ngày Tết Trung thu.

Để làm nên chiếc mặt nạ giấy bồi, trước tiên phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn, rồi tiếp tục các lớp còn lại. Lớp trước dán chồng lên lớp sau, kết dính bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn bồi lên nhau sẽ tạo ra khuôn của chiếc mặt nạ, nên mới gọi là mặt nạ giấy bồi. Đối với mặt nạ giấy bồi, mỗi lần tô chỉ được tô một màu, mặt nạ nhiều màu phải tô thành nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được tươi bền.

Khi tô màu, người tô cũng cần hết sức cẩn trọng trong từng nét vẽ, có như vậy mới tạo ra một chiếc mặt nạ mềm mại, sinh động và có hồn. Mỗi mùa Trung thu, vợ chồng ông Hòa sản xuất được trên 2.000 chiếc mặt nạ các loại.

Khám phá, trải nghiệm về Tết Trung thu - ảnh 2
Rước mô hình tại lễ hội Thành Tuyên

Đón Tết Trung thu tưng bừng muôn nơi

Cứ vào dịp Tết Trung thu nhiều gia đình, du khách trong nước và quốc tế, nhất là các em nhỏ đều cùng nhau đến phố Hàng Mã và các tuyến phố như Hàng Lược, Hàng Rươi trong khu phố cổ Hà Nội để ngắm nhìn các đồ chơi, chụp ảnh, tận hưởng không khí sôi động của Tết Trung thu và chọn mua một loại đồ chơi Trung thu theo sở thích.

Tại đây, đồ trang trí rất đa dạng với nhiều mẫu mã, xuất hiện song song với những món đồ chơi truyền thống được bày bán như: Lân, mặt nạ ông địa, mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao, đèn lồng… Nếu như trước đây, những món đồ chơi được thiết kế to, thì nay đã có những phiên bản nhỏ hơn, phù hợp làm quà tặng các bé nhỏ vào dịp Tết Trung thu. Càng gần đến Tết Trung thu, người mua hàng càng đông, nhất là vào dịp cuối tuần. 

Hàng năm, vào dịp Tết Trung thu, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội lại tổ chức  các chương trình, hoạt động gắn liền với Tết Trung thu truyền thống. Chương trình Trung thu năm 2022 với chủ đề “Sức sống đồ chơi dân gian” có sự tham gia của các nghệ nhân dân gian đã có nhiều năm gắn bó, bảo tồn đồ chơi truyền thống như ông Tiến sỹ giấy, ông đánh gậy, đèn kéo quân, tàu thủy sắt tây, trống bỏi…

Chương trình đem đến nhiều trải nghiệm văn hóa thú vị qua các hoạt động gắn với chủ đề Tết Trung thu. Du khách đặc biệt là các em nhỏ được các nghệ nhân hướng dẫn làm các món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn con thỏ, mặt nạ giấy bồi… Ngoài ra, khách tham quan, nhất là các em nhỏ còn có cơ hội thưởng thức những màn múa lân sư sôi động và trải nghiệm thử tài múa lân.

Khám phá, trải nghiệm về Tết Trung thu - ảnh 3
Các em trải nghiệm múa lân

Đối với những ai yêu thích khám phá ẩm thực sẽ thêm phần hào hứng khi được làm thử bánh dẻo, giã cốm theo kỹ thuật dân gian. Bên cạnh đó, du khách cũng có cơ hội chơi một số trò chơi truyền thống như nhảy dây, kéo co, đi cà kheo, ô ăn quan, đi goòng. Tết Trung thu năm nay, đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, du khách nhất là các em nhỏ còn được khám phá Tết Trung thu Việt Nam và Hàn Quốc thông qua mâm cỗ Trung thu. Ngoài ra, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng chú trọng đến những bức tranh về chủ đề Trung thu được ghép từ những nguyên liệu tái chế sẽ là một hoạt động thú vị mang ý nghĩa bảo vệ môi trường dành cho các bạn trẻ.

Sau 2 năm vắng bóng vì đại dịch Covid-19, Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 được tỉnh Tuyên Quang tổ chức gắn với chuỗi các sự kiện lớn và hàng loạt các hoạt động mới mẻ.
Hoạt động sối nổi nhất của lễ hội chính là Đêm hội Thành Tuyên với chủ đề “Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên” tổ chức vào đêm ngày 4/9/2022. Ngoài chương trình nghệ thuật hấp dẫn, đêm hội có hơn 50 mô hình đèn Trung thu khổng lồ, đủ màu sắc. Những chiếc đèn lồng mô phỏng các nhân vật trong truyện cổ tích hoặc các đặc sản, danh thắng do bàn tay tài hoa của người dân địa phương tạo nên.

Bên cạnh các hoạt động chính, Lễ hội Thành Tuyên còn có các chương trình, hoạt động: Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch; vòng chung kết cuộc thi “Người đẹp xứ Tuyên”. Một số hoạt động đặc sắc được tổ chức tại huyện Na Hang như: Trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, nghi lễ sinh hoạt truyền thống của các dân tộc; không gian văn hóa gắn với giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; trình diễn, giới thiệu nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc có giá trị đặc sắc, tiêu biểu của địa phương… Ngoài ra, tại TP Tuyên Quang cũng diễn ra nhiều chương trình hấp dẫn như: Chương trình “Trưng bày, giới thiệu ẩm thực các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”; Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2022. Tại phố đi bộ TP Tuyên Quang sẽ trưng bày, giới thiệu các gian hàng và các hoạt động vui chơi, giải trí, trưng bày 12 mô hình đèn Trung thu tại khu vực lòng hồ công viên Tân Quang..

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.