Khi mẹ chồng là người thứ 3

Hải Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cưới nhau chưa đầy hai năm, Hồng dần cảm thấy mình chỉ là "bạn cùng nhà" của chồng. Mỗi bữa ăn, mỗi món đồ gia dụng, thậm chí cả chuyến du lịch hai vợ chồng… đều cần “qua phê duyệt” từ mẹ chồng.

Chiều thứ Sáu, trời bất ngờ đổ mưa lớn. Hồng ra khỏi công ty lúc gần 7 giờ tối, người mệt rũ sau một tuần chạy tiến độ dự án. Cô bắt vội chiếc xe ôm công nghệ, len lỏi qua dòng người hối hả, chỉ mong về nhà có bữa cơm nóng và một chút yêu thương chờ đợi.

 Nhưng vừa mở cửa căn hộ nhỏ, cảnh tượng đập vào mắt cô là cảnh Thịnh đang ngồi khoanh chân giữa phòng khách, tay cầm tô mì, điện thoại bật video call. Đầu dây bên kia, giọng nói quen thuộc vang lên:

 - Mẹ coi này, con nấu đúng như mẹ dặn! Trứng bỏ vào lúc nước đang sôi, ngon không?

 Mẹ chồng cô, bà Dung, cười hớn hở:

 - Giỏi lắm, con trai mẹ! Lần sau cho thêm hành lá, rau mùi nữa cho thơm.

- Tủ lạnh nhà con chẳng còn gì, không thì con cũng cho thêm chút rau xanh ăn cho đỡ nóng ruột đấy!

 - Đấy lấy phải vợ đoảng khổ thế đấy? Con về nói với cái Hồng đi chứ, không biết công việc bận thế nào mà chuyện nhà cửa, cơm nước cho chồng lại bỏ bê suốt như vậy. Thật sự là không ổn”.

Hồng đứng ngay cửa, người còn lấm tấm nước mưa, lòng lạnh ngắt. Bếp không nấu gì, nồi niêu sạch bóng, chồng cô dù về sớm cũng không chuẩn bị cho bữa tối để vợ chồng quây quần bên mâm cơm. Hồng lặng lẽ cởi áo khoác, vào bếp. Cô nấu tạm bát mì gạo với thịt băm, trong khi Thịnh vẫn ngồi nhâm nhi tô mì và nói chuyện với mẹ không ngớt.

Khi mẹ chồng là người thứ 3 - ảnh 1
Ảnh minh họa

 Hồng biết mẹ chồng thương con trai, nhưng sống trong một cuộc hôn nhân mà mọi thứ, từ việc nhỏ đến chuyện lớn đều phải chờ ý kiến của “mẹ chồng ở xa” thì đúng là mệt mỏi. Một lần, cô định mua máy hút bụi vì tòa chung cư gần đường cao tốc rất là nhiều bụi, mà cô thì bị dị ứng nặng. Cô tìm được mẫu nhỏ gọn, không dây, đang giảm giá. Nhưng khi đến siêu thị, Thịnh lại rút điện thoại gọi mẹ:

 - Mẹ ơi, con tính mua máy hút bụi, loại này được không mẹ?

 - Không dây hả? Mấy cái đó nhanh hư lắm. Mua máy to như hồi xưa nhà mình ấy, dùng mới tốt.

Thế là Thịnh quay sang nói với vợ mua theo ý của mẹ vì “mẫu em chọn nó không bền, mua về dùng được vài bữa lại vứt đi”.

 Lần khác, Hồng muốn đổi bàn ăn. Nhà nhỏ, cái bàn vuông vừa cồng kềnh vừa chiếm chỗ. Cô gợi ý mua bàn tròn, kiểu Nhật, ngồi sát đất cho gọn. Thịnh lưỡng lự, rồi vẫn gọi mẹ. Tuy nhiên lý do mẹ chồng đưa ra nghe vô lý quá nên Hồng không làm theo. Cô vẫn quyết định mua chiếc bàn tròn về, chính vì điều này mà Thịnh giận cô hơn một tuần.

 Vào đợt nghỉ phép giữa năm, Hồng đề xuất với chồng đi du lịch Đà Lạt để thay đổi không khí, hâm nóng tình cảm vợ chồng. Cô đã xin nghỉ, lên kế hoạch kỹ lưỡng, chọn phòng khách sạn, thậm chí còn chuẩn bị áo khoác mới cho hai người.

- Mình đi đổi gió chút, anh cũng mệt rồi. Lâu rồi mình không đi chơi riêng.

 Thịnh nhìn lịch, rồi gật gù:

 - Để anh hỏi mẹ coi

 Chưa đầy 15 phút sau, anh quay lại, vẻ mặt dửng dưng:

 - Mẹ nói đi 4-5 ngày, lại bay khứ hồi thì tốn tiền lắm. Về quê ăn cơm mẹ nấu, vừa tiết kiệm, vừa nghỉ ngơi được nhiều.

Hồng im lặng, cảm giác như không còn tiếng nói trong chính cuộc hôn nhân của mình. Hồng đã định sẽ đi một mình tuy nhiên công ty lại xếp lịch công tác vào đúng thời điểm đó nên cô đành hủy chuyến đi trong tiếc nuối.

 Chưa dừng lại ở đó, có một lần Hồng rủ chồng về quê ngoại chơi hai ngày cuối tuần. Lâu rồi cô chưa về, bố mẹ cô cũng hay nhắn hỏi thăm. Tuy nhiên, chưa kịp sắp đồ, Thịnh đã nhấc máy:

 - Mẹ ơi, con tính đưa Hồng về nhà ngoại chơi vài hôm.

 Một lát sau, anh đặt điện thoại xuống, quay sang cô:

 - Mẹ nói Tết mình đã về ngoại rồi. Giờ có ngày cuối tuần thì ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, đi lại tốn tiền xe mà thêm mệt.

 Hồng bật cười. Một tiếng cười khô khốc:

 - Vợ chồng mình không có quyền quyết định gì hết hả anh?

 - Thì hỏi mẹ cho phải phép thôi mà…

 - Anh năm nay gần 30 tuổi rồi đấy Thịnh ạ, mà từ cái chuyện bé như cái kim anh cũng hỏi là sao? Nhà bố mẹ cách chưa đến 30km mà mấy tháng nay em chưa về một lần nào đấy. Còn nhà anh, xa hơn 100km thì về bao nhiêu lần rồi?

 Cô kéo vali ra cửa, ánh mắt mệt mỏi:

 - Anh cứ ở đây… cho tiện gọi điện thoại với mẹ.

 Thịnh ngớ người:

 - Ơ, em giận thật à?

Hồng về nhà bố mẹ nhưng vì giận chồng nên cô xin ở lại luôn khoảng 2 tuần. Cho dù đi làm có xa hơn nhưng về nhà được ăn cơm mẹ nấu khiến tinh thần cô vui vẻ hơn nhiều.

Khi mẹ chồng là người thứ 3 - ảnh 2
Ảnh minh họa

  Còn Thịnh, ngày đầu vắng vợ, anh cảm thấy bình thường. Mẹ vẫn gọi mỗi ngày, vẫn dặn ăn uống, dặn mặc ấm, dặn ngủ sớm. Nhưng đến ngày thứ ba, khi đi làm về, thấy nhà cửa lộn xộn, không ai nấu cơm, không ai hâm nóng canh, anh mới thấy trống trải.

 Những bữa ăn lẻ loi bằng mì gói, những buổi sáng tự dậy, tự chọn áo, không còn ai càm ràm chuyện sơ vin hay xịt nước hoa quá tay. Và cả những tiếng cằn nhằn "anh vứt tất đâu thế" cũng biến mất. Anh bắt đầu nhớ vợ, nhớ mùi dầu gội của cô, nhớ tiếng mở tủ lạnh, tiếng xoong nồi va chạm.

 Một buổi tối, Thịnh gọi điện cho bố vì anh không muốn mẹ mình biết chuyện Hồng về nhà ngoại đến nay vẫn chưa quay lại.

 Thịnh nói khẽ:

- Hồng giận con. Về nhà ngoại mấy ngày rồi bố ạ.

Bố của Thịnh - một người từng trải và hiểu ngay, nói với con trai:

 - Mẹ con tốt, nhưng cái gì cũng can thiệp quá đà. Bây giờ con mà không biết bảo vệ vợ, sớm muộn gì nó cũng buông con đấy!

 Câu nói ấy khiến Thịnh thức tỉnh.

 Một tuần sau, Thịnh lặng lẽ đến nhà bố mẹ vợ. Không còn dáng vẻ thong dong hay tự tin như mọi lần, anh bước qua cánh cổng quen thuộc với vẻ mặt bối rối, hai tay nắm chặt. Bố vợ là người mở cửa. Nhìn thấy con rể, ông thoáng ngạc nhiên nhưng vẫn nhẹ nhàng mời vào. Hồng đang ở trên lầu, chưa biết anh đến.

Thịnh cúi đầu, giọng chậm rãi, chân thành:

- Con xin lỗi… vì đã để Hồng phải tủi thân, phải bỏ về nhà. Con sai, vì không biết bảo vệ vợ, không hiểu được cảm xúc của cô ấy.

Mẹ vợ nhìn anh, ánh mắt pha chút nghiêm khắc:

- Làm chồng thì phải là chỗ dựa cho vợ. Vợ chồng con hay hỏi xin ý kiến của bà thông gia là tốt, nhưng cũng cần có sự độc lập, tự chủ nhất định, con ạ.

Thịnh gật đầu, giọng trầm lại:

- Con hiểu rồi mẹ ạ. Con đến đây… không phải để biện minh gì, chỉ mong bố mẹ cho con gặp Hồng một lát. Con hứa sẽ thay đổi, sẽ làm đúng trách nhiệm của một người chồng.

Nghe vậy, bố vợ im lặng một chút rồi nhẹ nhàng nói:

- Lên đi. Nhưng nhớ, lời nói ra rồi thì phải giữ lấy.

Thịnh lên gác. Hồng đang ngồi đọc sách bên cửa sổ, ánh nắng cuối chiều rọi vào khiến cô trông dịu dàng, lặng lẽ.

Cô ngẩng lên, thấy anh, ánh mắt thoáng ngỡ ngàng rồi lại lạnh đi:

- Anh đến làm gì?

Thịnh ngồi xuống chiếc ghế đối diện, không vội vàng, không biện minh. Anh chỉ nhìn cô và nói chậm rãi:

- Anh sai rồi. Anh hứa từ giờ sẽ tôn trọng ý kiến của em, không phải lúc nào cũng hỏi mẹ nữa.

Hồng nhìn anh, ánh mắt không còn lạnh lùng, nhưng vẫn giữ chút đề phòng.

- Nói thì dễ, làm mới khó!

- Anh biết. Nên anh không xin em tha thứ ngay, chỉ xin em… cho anh bắt đầu lại

Cô im lặng, rồi thở dài:

- Em chưa sẵn sàng quay về. Nhưng em không muốn giận hoài. Cứ coi như em… đang suy nghĩ

Thịnh khẽ gật đầu, như chấp nhận mọi điều kiện.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đêm trăng suông

Đêm trăng suông

(PNTĐ) - Vừa bước xuống sân khấu, Diệp Linh nghe ai đó gọi tên mình, và một cánh tay giơ lên vẫy vẫy, Diệp Linh chưa kịp nhận ra ai thì cô nhận được cái bắt tay thật chặt, “Anh Nam đây! Lâu quá rồi! Anh vẫn nhận ra em, em không thay đổi mấy”.
Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

(PNTĐ) -  Cháu tôi có vay nợ một khoản tiền, đến hạn nhưng chưa trả đủ. Vừa rồi, khi cháu đang đi trên đường thì bị chủ nợ cho người chặn đường lấy xe máy để trừ nợ. Xin hỏi hành vi trên của chủ nợ có bị xử lý theo quy định pháp luật không? Lê Hồng Khanh (Sóc Sơn, Hà Nội)
Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

(PNTĐ) - Trẻ em cần được sinh ra và nuôi lớn trong môi trường yêu thương, lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, một số cha mẹ lại có cách hiểu sai trong quá trình nuôi dạy con dẫn tới trẻ bị tổn thương. Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu, giáo viên dạy Kỹ năng sống tại Trung tâm Kỹ năng KTC với các cha mẹ về phương pháp nuôi dạy con tích cực.