Khi phụ nữ làm “thuyền trưởng” đưa gia đình vượt qua thử thách

Bích Thảo - Yên Hưng
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lão Tử từng ví von: “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được”. Phụ nữ cũng vậy, các chị giống như dòng nước mềm mại, dịu dàng nhưng lại vô cùng kiên cường, mạnh mẽ trước khó khăn. Chẳng thế mà biết bao phụ nữ dù nhỏ bé, mảnh mai nhưng lại là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp gia đình vượt qua bao thử thách, vươn tới những điều tốt đẹp.

Đời giúp mình, mình giúp người

Giữa tiết se lạnh của những ngày đầu xuân, khung cảnh yên bình của thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội khiến bất cứ ai đặt chân tới đều chẳng muốn rời xa. Không chỉ đẹp về cảnh mà con người nơi đây cũng rất đẹp, sống nghị lực và luôn yêu thương, sẻ chia, đồng sức đồng lòng giúp nhau phát triển.

Trong ngôi nhà làm theo kiến trúc cổ, khang trang và sạch đẹp, bà Nguyễn Thị Liên (SN 1958) với nụ cười phúc hậu niềm nở đón khách tới chơi. Kết hôn năm 1979, bà Liên thiệt thòi hơn so với nhiều chị em phụ nữ khác vì chồng sức khỏe yếu, bị bệnh thận mạn tính, mọi công việc từ lớn tới nhỏ đều do mình bà một tay gánh vác.

Sau này, khi bệnh của chồng nặng hơn, thận suy, bà Liên trở thành tài xế, đều đặn 1 tuần 3 lần từ 2 giờ chiều đến 8-9 giờ tối, ngày hè cũng như ngày đông đưa chồng đến bệnh viện chạy thận nhân tạo. Những lúc không chăm chồng ở viện, bà lại cặm cụi canh tác trồng rau, cây ăn quả trên phần ruộng hơn 5 sào của gia đình; tăng gia đàn gà để có thêm thu nhập. May mắn bà được anh chị em trong nhà giúp đỡ, hỗ trợ thêm phần nào cả vật chất, tinh thần nên không quá túng quẫn, nhưng cũng chỉ đủ ăn.

Điều đáng quý ở bà Liên theo đánh giá từ gia đình, làng xóm là ở cái nết chịu thương chịu khó, vất vả thế nào cũng không bỏ cuộc mà nỗ lực gánh vác, chu toàn việc nhà. Nếu phải suy nghĩ, điều khiến bà Liên trăn trở nhất có lẽ là từng không đủ thời gian và tiền bạc để chăm lo kỹ lưỡng cho 3 con của mình.

Về phần các con, thương mẹ vất vả, cũng biết gia đình không có đủ tiền đi học đại học nên tốt nghiệp cấp 3, các con bà lần lượt đăng ký đi làm công nhân gần nhà, kiếm thêm đồng ra đồng vào giúp mẹ. Mới gần đây, khi kinh tế gia đình khấm khá hơn, con thứ hai và con út của bà mới quyết định đi học đại học lại sau khi trúng tuyển.

Khi phụ nữ làm “thuyền trưởng” đưa gia đình vượt qua thử thách - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Liên (phải) hướng dẫn hội viên phụ nữ kê khai hồ sơ vay vốn phát triển kinh tế. Ảnh: NVCC

Để có được sự khấm khá ấy cũng là quá trình đánh đổi, hy sinh của bà Liên trong nhiều năm. Năm 2004 chồng bà qua đời sau thời gian lâm bệnh. Tới 2008, khi các con đều đã tự lo được cho mình, bà theo chị chồng sang Tiệp Khắc chạy chợ, làm thuê… Nhờ tằn tiện, bà Liên tiết kiệm được một khoản vốn kha khá, học thêm tiếng người bản địa nên mở được một siêu thị nhỏ, nguồn thu ổn định hơn.

Sau này con gái lớn của bà sang thay mẹ quản lý siêu thị, rồi lập nghiệp và sinh sống bên Tiệp. Hai người con còn lại ở Việt Nam, tiếp tục học đại học. Năm 2010, bà Liên quyết định trở về Việt Nam chăm sóc bố mẹ chồng già yếu, hoàn thành vai trò người dâu thảo. Trở về, bà tham gia các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ để có cơ hội san sẻ khó khăn, vất vả với những người xung quanh mình, cùng mọi người sống tốt đẹp hơn. 

Bà Liên tâm sự: “Người hạnh phúc không phải là người có nhiều tiền mà là người biết sẻ chia hạnh phúc cho những người xung quanh từ chính trái tim của mình. Và không phải ai sinh ra đã có sẵn một cuộc sống giàu sang, có gia đình hạnh phúc toàn diện, sống trọn vẹn trong tình thương yêu của bố mẹ. Xã hội còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, đau thương. Vì vậy, tôi chỉ góp chút công sức nhỏ nhằm động viên để xua tan đi buồn phiền, khó khăn trong cuộc sống”.

Trong Hội Phụ nữ, bà Liên phụ trách hoạt động kết nối, lo thủ tục cho hội viên vay vốn chính sách phát triển kinh tế nên hàng tháng cũng được chút thù lao. Tất cả số tiền ấy bà đều để vào một quỹ riêng; cùng với tiền riêng từ chăn nuôi, trồng trọt của mình để hàng năm làm từ thiện. Có nhiều ủng hộ nhiều, có ít ủng hộ ít. Trung bình, mỗi năm bà đóng góp cho hoạt động nhân đạo từ thiện của địa phương từ 10 - 15 triệu đồng để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong thôn và xã. Rất nhiều người nhờ có bà Liên động viên, kết nối cho vay vốn của ngân hàng thông qua Hội Phụ nữ đã thoát nghèo, có nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định, thay đổi cuộc đời.

Vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế

Mấy năm gần đây, nếu có dịp tới xã đảo Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội), chắc chắn nhiều người sẽ thốt lên ngạc nhiên vì sự đổi mới, phát triển ở nơi này so với 5 năm trước. Có được điều ấy công lớn phải kể đến sự hy sinh, mạnh dạn chuyển đổi công tác của các chị em phụ nữ nơi này. 

Từ sáng 3h30 sáng, bà Nguyễn Thị Huế (SN 1962, xã Minh Châu, huyện Ba Vì) đã lục tục thức giấc, chuẩn bị đồ đạc, cắm máy bơm để quét dọn, vệ sinh chuồng bò thật sạch sẽ, tắm cho bò rồi mới vắt sữa. Vắt xong lại mang sữa đi cân để bán. Trở về, bà lại ra đồng cắt cỏ tranh, nhổ củ cải, củ sắn dể cho bò ăn trong cả một ngày. Tới 15h30 chiều, công việc lặp lại hệt như buổi sáng. Từ ngày nuôi bò sữa, bà Huế và người dân nơi đây miêu tả công việc bận hơn chăm con mọn; nhiều khi nhà có đám hiếu nhưng tới giờ vẫn phải đi vắt sữa bò bình thường. Thế nhưng, để có những ngày bận rộn mà vui này cũng là sự nỗ lực, sự táo bạo, quyết liệt của bà Huế với khát vọng đưa gia đình vượt qua khó khăn, đôi khi là bế tắc trong đời sống. 

Khi phụ nữ làm “thuyền trưởng” đưa gia đình vượt qua thử thách - ảnh 2
Nhờ quyết tâm vay vốn nuôi bò sữa, cuộc sống của gia đình bà Huế nay đã khấm khá, không còn bữa no bữa đói. Ảnh : T.H

Ai cũng biết gia cảnh nhà bà Huế vất vả, chỉ trông vào gánh hàng rau chạy chợ, từng lo ăn từng bữa. Lựa chọn vay vốn thông qua kênh kết nối của Hội Phụ nữ là một sự liều lĩnh, được ăn cả mất trắng tay của bà Huế. Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Thắm – Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Châu, năm 2018, thông qua nguồn vốn giải quyết việc làm, hộ cận nghèo, cùng số tiền vay sổ đỏ, bà Huế mạnh dạn mua 8 con bò sữa, thuê 5 sào ruộng trồng cỏ tranh. Mấy năm đầu, để gây giống nên bò không cho thu hoạch nhiều sữa. Nuôi bò, nhiều khi người có thể đói nhưng bò nhất định phải được ăn uống đủ. Tất cả tâm huyết, công sức bà Huế đều dồn vào đàn bò.

Từ 8 con bò ban đầu, đến nay đàn bò của gia đình bà Huế đã lên tới 21 con, thời gian cao điểm mỗi ngày thu được 3,7 tạ sữa, trừ đi chi phí lãi thu về có thể lên tới 80 triệu/tháng. Nợ ngân hàng đã trả gần hết, cuộc sống của gia đình như sang trang mới, không còn cảnh ăn bữa nay lo bữa mai. Bà Huế bảo, nếu mọi việc thuận lợi, nguồn thu ổn định, vài năm nữa bà sẽ có đủ tiền xây lại căn nhà khang trang, rộng rãi. Đi được quá nửa cuộc đời, bây giờ bà đã thấy tương lai phía trước. Với những gì vợ chồng chị xây dựng, các con bà cũng sẽ có chỗ nương nhờ.

Câu chuyện của gia đình bà Huế ở xã Minh Châu không phải cá biệt. Hiện nay ở Minh Châu có 1.200 hội viên phụ nữ. Thông qua kênh kết nối của Hội LHPN xã với các nguồn vốn vay ngân hàng, và số tiền tiết kiệm của hội viên (500.000đ/người/năm), riêng năm 2022 đã có 45 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, cận nghèo. Nhiều người trong số đó là phụ nữ đơn thân, chồng mất sớm hoặc ốm yếu… Khó khăn, vất vả bộn bề nhưng các chị em luôn nghị lực, trở thành trụ cột, thuyền trưởng của “con tàu” gia đình, đưa gia đình vượt qua thử thách, khó khăn để có đời sống no ấm tốt đẹp. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.