Khoảng cách vô hình...

Lê Thị Xuyên
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Gặp lại chị trong đợt tập huấn chính trị đầu năm học, thấy chị xởi lởi chuyện trò, nụ cười rạng rỡ hẳn trên gương mặt vốn lúc nào cũng ẩn chứa bao điều muốn nói, tôi lân la hỏi chuyện:

- Anh Thịnh dạo này đỡ hơn không chị? 

Chị vẫn cười, tuy cái cười có bớt đi chút ít vui vẻ. Chị trả lời bằng cái giọng khẽ khàng đến mức dường như chỉ muốn một mình tôi nghe thấy:

- Vẫn thế thôi em à! Làm sao sửa được khi nó đã trở thành bản chất ngấm vào trong máu thịt.

Nói một cách chân thực thì chị là một người phụ nữ chẳng có gì nổi bật lắm, duy chỉ có dáng người hơi cao ráo, mảnh mai nhưng đổi lại, chị gầy sọp, hai hõm má tóp lại, nâng gò má cao lên trông thấy. Khuôn mặt rỗ với những đám mụn đầu đen chen nhau mọc chi chít, đỏ tấy thành từng mảng. Nước da nâu, mái tóc chắn ngang lưng xoăn tít thành từng lọn, màu vàng hoe khiến chị già đi khá nhiều so với cái tuổi 36 hiện tại. Trong khi bạn bè, đồng nghiệp sửa soạn váy này, quần nọ, chị vẫn trung thành với gu ăn mặc quần tây, áo sơ mi. Thói quen ấy theo chị từ khi về trường tôi nhận công tác. Tôi kém chị hai tuổi. Tuy chẳng cùng tổ, cũng chẳng cùng chuyên môn với chị, thế nhưng tôi và chị hợp nhau ở nhiều điểm. Bởi thế, mỗi khi có chuyện buồn, chuyện vui của gia đình hay công việc, chị đều chọn tôi là người trước tiên để trút bầu tâm sự.

Khoảng cách vô hình... - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cha mẹ mất sớm, chị được anh trai chu cấp tiền học xong đại học rồi lập nghiệp ở xứ người. Nhiều khi, chị cảm thấy mình lẻ loi, cô độc, dù bên cạnh chị đã có chồng và hai đứa con trai kháu khỉnh. Chẳng biết ông tơ bà nguyệt se duyên thế nào lại cho chị gặp anh, một anh thợ chuyên sửa đồng hồ, bề ngoài không mấy điển trai nhưng được cái ăn nói có duyên. Chị còn nhớ như in cái buổi trưa cách đây hơn mười năm về trước. Sau tiết dạy cuối, chị mệt lả cắp cặp, đội mũ vải lững thững bước ra vệ đường vẫy tay xin đi nhờ xe về nhà bạn. Trong dòng xe cộ tấp nập, anh dừng lại, mỉm cười trìu mến, hỏi han chị vài ba câu và chở chị đến đúng nơi chị cần. Có được số điện thoại của nhau, anh chị cũng thường xuyên liên lạc, rồi thêm vài lần đi nhờ xe nữa, thế là… chị và anh nên vợ nên chồng trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Ngày chị mới về làm dâu, mẹ chồng đã nhắc nhở thẳng thừng:

- Nhập gia thì phải tùy tục con ạ. Con ở ngoài Bắc thì thế nào cũng được, nhưng đã vào đây thì cũng nên tập nói giọng trong này. Chứ mẹ thấy cái giọng Bắc kỳ nghe khó quá. 
Chị cảm thấy tự ái, nhưng chẳng hiểu sao chị lại lí nhí:

- Dạ, thưa mẹ!

Trường chị dạy cách nhà chồng hơn hai chục cây số. Cứ sáng ra bắt xe buýt đi sớm, chiều lại lên xe buýt về nhà. Vừa đi dạy, vừa lo việc nhà chồng, chăm chồng, chăm con, nhiều đêm trằn trọc thấy tủi thân, nước mắt chị lại ướt đầm lưng gối. Chồng chị là con út trong nhà nên được bố mẹ cưng chiều. Song, vì nhà có tới chín anh chị em nên anh chẳng được học hành tử tế. Hết lớp 12, anh học được cái nghề sửa đồng hồ rồi mở cái quán nhỏ ven đường kiếm năm, ba chục một ngày đủ bao thuốc lá, tách cà phê cùng đám bạn. Trong trường chị ngày đó, mấy người mai mối cho chị thầy này, thầy khác, chị đều từ chối. ông Trời kể cũng lạ. Chị chặc lưỡi:

- Ông trời vốn không công bằng với chị! Người ta nói “Hồng nhan bạc mệnh”. Còn chị thì… 

Chị bỏ lửng câu nói, chị thấy sống mũi mình cay cay, mắt rơm rớm như muốn khóc. 
Một ngày bù đầu với dạy dỗ, họp hành, với lũ học trò ngỗ nghịch, chị đã mỏi mệt lắm.

Về đến nhà, lại cơm nước, giặt giũ… Cứ thế, chị quay như chong chóng. Đêm đến, khi cả nhà đã chìm vào giấc ngủ ngon lành, chị lại miệt mài với những trang giáo án, những bài kiểm tra. Không gian tĩnh lặng khiến chị có thể phân biệt rành rõ tiếng thở nhẹ nhàng, đều đều của hai đứa con, tiếng ngáy khò… khò của chồng và cả tiếng muỗi vo ve trong phòng, tiếng kêu ồm ộp của mấy chú ếch ngoài bờ ao. Có đêm, chị gục đầu thiếp đi ngay trên mặt bàn lúc nào chẳng biết. Trong cơn mơ chóng vánh, hình ảnh những con điểm trên những trang giấy với từng dòng chữ nắn nót của học trò cứ bay nhảy lởn vởn trong đầu chị.

Ai cũng nói chị là người dũng cảm. Với số tiền lương ít ỏi, tiết kiệm, dành dụm chẳng được là bao, chị vay mượn thêm thầy cô, bạn bè mua miếng đất ngay cạnh trường chị dạy rồi cất lên ngôi nhà cấp bốn. Ngày ba mẹ con chị chuyển xuống ở nhà mới, trước mặt chị, anh tuyên bố một câu xanh rờn:

- Với tôi, quan trọng nhất vẫn là ông bà già, sau đó mới đến vợ con.

Câu nói đó chị đã nghe nhiều lần nên đâm quen. Có buồn đôi chút, có tự ái đôi chút, thế nhưng chị nghĩ như thế cũng đúng vì phận làm con, ai chẳng yêu cha mẹ mình nhất. Chị tỏ ra mạnh mẽ. Chị vùi mình trong việc dạy và toan lo cho hai con ăn học, trong khi anh thì vẫn cứ lên xuống, một tuần ở nhà với mẹ con chị được hai, ba ngày lại trở về nhà ông bà ba, bốn ngày. 

Khoảng cách vô hình... - ảnh 2
Ảnh minh họa

 Anh yêu chị. Chị biết rõ điều đó. Thế nhưng anh cũng là chúa ghen tuông. Đàn ông vốn dĩ có lòng tự trọng rất cao. Họ bao giờ cũng muốn mình là điểm tựa, là niềm tự hào của vợ con, cũng muốn giữ khư khư cái mà mình đang có. Thế nhưng anh nghĩ mình chỉ là tay sửa đồng hồ quèn, chẳng có vai vế, tiếng nói gì trong xã hội. Và rồi, anh ngày càng trở thành một gã đàn ông đa nghi, mặc cảm trước vợ. Anh lấy việc dò xét, xem tin nhắn điện thoại của chị hằng ngày, xem việc cấm đoán chị đi cùng bạn bè đồng nghiệp những ngày lễ Tết là sự quan tâm của một người chồng với vợ. Còn chị, dĩ nhiên chị không thích điều đó. Nhưng mỗi khi chị cố giải thích cho anh hiểu, anh lại vùng vằng bằng cái giọng ý tứ, mai mỉa. Chị bực dọc không nói. Anh cũng chẳng đoái hoài. 

 Ngày 20/11, trường tổ chức liên hoan, chị diện bộ váy màu xanh nõn chuối, điểm thêm trên má, trên môi chút phấn son hồng phơn phớt, chị thấy mình đẹp và trẻ ra nhiều. Ấy vậy mà nhìn chị, anh chẳng thèm mở miệng khen một tiếng. Thấy chị xách đôi giày cao từ trong nhà bước ra bục cửa, mặt anh hầm hầm, tỏ vẻ không hài lòng:

- Đi chút thôi rồi về lo cơm nước cho con đấy! 

Chín giờ tối, tiếng chuông điện thoại trong chiếc túi xách của chị réo nhạc inh ỏi. Chị biết anh gọi nhưng làm thinh. Lâu rồi mới có dịp, chị thích được vui vẻ với đồng nghiệp như chẳng có chuyện gì. Nán lại thêm một chút, rồi chị cũng sốt ruột ra về. Gõ liên hồi ba, bốn tiếng: Cốc! cốc! cốc! cùng với tiếng gọi anh, chị vẫn không thấy anh trả lời. Chị biết anh giận, anh vẫn nằm trong giường, chưa ngủ nhưng im lặng. Chị ngồi sụp xuống cạnh cửa để lộ khuôn mặt rỗ lớt phớt hồng dưới ánh trăng. Nước mắt chị cứ lã chã lăn trào xuống hai gò má rồi rơi xuống cái váy màu nõn chuối loang dần. Chưa bao giờ chị thấy mình buồn đến thế. 

Nhấc điện thoại lên, tôi nghe rõ giọng chị khản đặc:

- Em nói chuyện với chị một chút được không? 

Tôi biết chị đang rất buồn. Ước gì khi đó, tôi ở bên chị để chia sẻ một phần tâm tư trĩu nặng trong lòng chị. Tôi chỉ biết nghe chị nói và xem đó như cách để chị trút bỏ mọi khổ đau trong lòng. Tôi thương chị như tình thương của một người em dành cho người chị gái bất hạnh. Những lúc trong lòng cảm thấy hụt hẫng nhất, chị thường nói với tôi trong nước mắt:

- Chắc chị làm đơn ly hôn thôi em ạ. Ban đầu, tôi ủng hộ chị vì không muốn chị khổ, nhưng rồi nghĩ đến hai đứa con của anh chị hãy còn nhỏ dại, tôi lại nhẹ nhàng:

- Chị nên nghĩ đến hai đứa nhỏ chứ. Chị bưng mặt khóc rưng rức. 

Có một dạo, anh nghiện rượu. Tối nào cũng vậy, anh đi về ngật ngưỡng với mùi bia rượu nồng nặc, nôn ói giữa nhà rồi cứ thế chửi bới cả đêm, khiến hàng xóm cũng phải đau đầu nhức óc. Hai đứa con khóc lóc, chị lầm lũi, im lặng thu dọn như một người giúp việc trong nhà. Cứ thế, hết ngày này đến ngày khác, chị không thể nào chịu đựng thêm nữa. Trưa hôm đó, anh không có ở nhà, chị mua sẵn lọ thuốc sâu rồi năn nỉ hai con sang nhà hàng xóm chơi. Chẳng biết linh tính báo trước cho hai đứa bé về một điều không hay sẽ xảy ra với mẹ chúng sắp đến hay sao mà cho dù chị năn nỉ thế nào, chúng vẫn chỉ muốn ở nhà với mẹ. Ngồi lặng ngắm hai con chơi với nhau giữa nhà, tự nhiên cái ý nghĩ tự tử bỗng tan biến trong đầu chị.

Rồi thời gian cứ trôi dần qua. Bao nhiêu buồn vui và cả những nỗi đau trong tâm hồn chị chai sạn dần. Ngoài giờ dạy trên lớp, chị còn nuôi thêm gà, thêm mấy con dê và trồng rau tăng gia sản xuất. Chị lấy hai con làm niềm vui cho chính mình.

Với chị, anh không phải là người xấu. Cũng bởi vì lòng tự trọng của anh quá cao, vì giữa anh và chị có một khoảng cách vô hình nào đó ngăn cản, và cũng bởi chị là người nắm giữ tài chính gia đình nên anh đâm ra như vậy. Chị vừa kể vừa thả ánh mắt nhìn xa xăm. Rồi bỗng nhiên chị khoe với tôi:

- Hôm trước, thầy hiệu trưởng trong trường có xuống nhà chị nói anh Thịnh nhận chức bảo vệ thay cho ông Bảy đã già. Anh cũng đã nhận lời rồi. Nhìn chị, tôi như thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.