Giáo dục con từ sớm:

Không phải cứ xuất phát nhanh là sẽ về đích trước

Hoàng Lan (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - "Giáo dục con từ sớm” là cụm từ được nhiều cha mẹ quan tâm và có thể đang áp dụng cho con. Tuy nhiên, giáo dục con từ sớm như thế nào cho đúng, làm sao để cha mẹ có thể kích thích tiềm năng trí tuệ ở con, có hiểu lầm nào của cha mẹ về phương pháp giáo dục con từ sớm. Dưới đây là chia sẻ của nhà sáng lập group “Giáo dục con toàn diện từ sớm” Triệu Nguyễn Tài với Đời sống gia đình về vấn đề này.

Theo quan niệm của anh, giáo dục con từ sớm là như thế nào? Anh thấy các bậc cha mẹ hiện nay suy nghĩ về giáo dục sớm ra sao?

Để biết suy nghĩ của các cha mẹ về giáo dục sớm, tôi cũng đã thử đặt câu hỏi với hơn 100 cha mẹ. Thật ấn tượng, 99% trong số đó đều trả lời một câu gần giống nhau là: “Giáo dục cho con từ sớm là dạy con những kỹ năng và rèn luyện tư duy từ sớm, cụ thể như Toán, đọc chữ, tiếng Anh, kỷ luật và rất nhiều tiêu chí liên quan đến trí thông minh”. Tôi nghĩ, không ngẫu nhiên mà phần nhiều cha mẹ lại có cùng một câu trả lời tương đồng đến như vậy.

Câu trả lời này của các cha mẹ nói lên điều gì? Đó là đa số cha mẹ hiện nay thường ít khi nghĩ đến việc “phát triển thể chất - tinh thần” cho con từ sớm mà mới chỉ quan tâm làm sao phát triển trí thông minh, các kỹ năng tính toán nhanh, kỹ năng ghi nhớ nhanh và rất nhiều những kỹ năng khác.

Cá nhân tôi cho rằng, điều này xuất phát từ việc nhiều cha mẹ chưa hiểu chính xác về giáo dục sớm.  Chính vì cha mẹ quan niệm giáo dục sớm chỉ là rèn luyện khả năng tư duy và những kỹ năng về Toán học, số học, Ngoại ngữ, trí nhớ cho con nên khi con chỉ mới 4, 5 tuổi, nhiều cha mẹ đã nhồi, ép, đẩy con đi học thêm rất nhiều. Hoặc, nếu không đi học thêm thì chính cha mẹ lại lao vào dạy con. Cha mẹ cứ nghĩ rằng dạy Toán cho con từ lúc 3 tuổi và học liên tục liên tục hàng ngày là mình đang “giáo dục sớm” – đó là sai lầm cơ bản và cực kỳ nguy hại.

Không chỉ ép con học hàng ngày, thời lượng học của trẻ cũng nhiều tương ứng. Trong khi đó, khoa học đã chỉ ra, một đứa trẻ 4, 5 tuổi không thể tập trung sâu quá 15 phút. Các con cần học trong sự vui vẻ và thoải mái, chứ không thể học trong khuôn phép. Ngoài ra, lượng kiến thức dạy con cũng không căn bản vì cha mẹ cứ muốn con vượt trội, học trước, đi nhanh, đốt cháy giai đoạn nên cho rằng, cứ phải học thật khó, hóc búa thì con mới giỏi.

Không phải cứ xuất phát nhanh là sẽ về đích trước - ảnh 1
Anh Triệu Nguyễn Tài cùng vợ và con trai

Vậy theo anh, vấn đề cốt lõi nhất trong giáo dục con từ sớm là gì?

Theo tôi, phần quan trọng nhất trong giáo dục con từ sớm là phát triển thể chất và vận động cho con. Việc dạy con Toán sớm, chữ sớm, Ngoại ngữ sớm, tư duy sớm đều không đạt kết quả tốt. Các con sẽ bị mệt và kiệt sức, kéo theo tinh thần con đi xuống và cuối cùng là tuổi thơ của con không còn. Thể lực kém cũng khiến con bị phát triển lệch, cơ thể không khỏe, sức bền kém. Con ít được vận động, ít được trải nghiệm thiên nhiên ngoài trời kéo theo tư duy và nhận thức của con bị hạn chế.

Với tôi, giáo dục con từ sớm phải thỏa mãn 2 vấn đề sau:

- Trước tiên, cha mẹ cần giúp con phát triển theo 4 khía cạnh. Thứ nhất là phát triển khả năng thể chất/vận động cho con. Thứ hai là phát triển tinh thần cho con để giúp con hạnh phúc như vốn dĩ con có. Phát triển tinh thần cũng chính là phát triển cảm xúc cho con. Thứ ba là phát triển ngôn ngữ cho con. Cha mẹ đừng nhầm tưởng phát triển ngôn ngữ là học chữ /học Ngoại ngữ sớm mà là giúp con giao tiếp và phát triển kỹ năng xã hội. Và cuối cùng là tạo nề nếp tốt cho con từ sớm và phù hợp với lứa tuổi của con thông qua việc đảm bảo giấc ngủ, dinh dưỡng, rèn thói quen sinh hoạt tốt.

Tôi xin nhấn mạnh rằng, phát triển 4 điều trên từ khi con còn nằm trong nôi rất quan trọng. Đây là nền tảng của con sau này. Chúng giống như những viên đá tảng của chân móng Kim Tự Tháp vững chắc. Khi chân móng chắc chắn con có thể xây lên cao bao nhiêu mà không sợ lung lay hay gãy đổ. Việc giúp con phát triển toàn diện chiếm tỷ lệ tới 90%.

Sau khi các con đã được bồi đắp và phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, cha mẹ bắt đầu có thể giúp con phát triển về tư duy như khả năng về Toán, đọc sách sớm, Ngoại ngữ sớm, tăng trí nhớ. Những nội dung này cha mẹ chỉ cần đầu tư 10% là đủ.

Vậy, làm thế nào để cha mẹ có thể thực hiện tốt 4 khía cạnh trên?

Các cụ có câu: “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Các kỹ năng mà có thể giúp cha mẹ thực hiện tốt 4 khía cạnh trên là: Kỹ năng quan sát con; kỹ năng giữ bình tĩnh mỗi khi con làm sai hoặc trái ý cha mẹ; kỹ năng kiểm soát mong cầu và cơn giận đòi hỏi con đáp ứng nguyện vọng theo cha mẹ.

Tại sao cha mẹ phải quan sát con. Đó là bởi khi quan sát con, cha mẹ sẽ thấy những hành vi ngộ nghĩnh đáng yêu, điểm mạnh điểm yếu của các con, và đặc biệt đó là cha mẹ tăng trưởng tình yêu với con. Điều này chỉ khi cha mẹ quan sát con sau một thời gian cha mẹ sẽ thấy tình yêu tăng trưởng. Khi quan sát đủ ta sẽ có những nhận xét và lộ trình ngắn hạn và dài hạn trong việc đồng hành với con.

Không phải cứ xuất phát nhanh là sẽ về đích trước - ảnh 2
Anh Triệu Nguyễn Tài 

Tại sao phải giữ bình tĩnh, ôn tồn với con. Đó là có những khi con không quy củ hoặc làm tổn hại đến người xung quanh, cha mẹ không nhất thiết phải bỏ qua nhưng cần hành xử một cách ôn tồn, lắng nghe con thay vì chỉ trích và đay nghiến.

Tại sao cần kiểm soát mong cầu/ kiểm sát cơn giận của cha mẹ. Đó là vì cơn giận xuất phát từ sự kỳ vọng và mong cầu của cha mẹ ở nơi con. Cha mẹ có thể mong con đứng đầu lớp, mong con vượt trội so với nhiều bạn cùng trang lứa. Vô tình cha mẹ có thể đẩy con lao đầu vào học nhiều thứ để đáp ứng kỳ vọng cũng như mong muốn vị kỷ của cha mẹ. Một khi sự kỳ vọng và mong cầu ở con, trong khi con chưa đáp ứng được, hoặc năng lực của con chưa tới, cha mẹ vô tình trút giận bằng đòi roi bạo lực hoặc bạo lực lời nói, so sánh con với bạn nọ bạn kia.

Và lời khuyên của anh đối với các bậc cha mẹ là…?

Theo tôi, cha mẹ đừng dạy con nhiều, thay vào đó hãy quan sát con và yêu con mỗi ngày. Việc học và rèn luyện tư duy không phải 1 sớm 1 chiều mà phải có lộ trình dài hạn. Trên đường đua không phải cứ xuất phát nhanh là sẽ về đích trước. Hãy đẩy con ra ngoài thiên nhiên, cho con chạm vào cỏ cây hoa lá, nắng, mưa... và đừng sợ con ốm, nếu con có ốm xíu cha mẹ chăm con cũng không sao. Chính những lúc này trí tuệ của con sẽ phát triển một cách tự nhiên. Khi nói chuyện với trẻ nhỏ, cha mẹ nên nhìn vào mắt con và đừng quên với một ánh mắt trìu mến và nụ cười nhẹ nhàng. Điều này giúp con tăng trí tuệ cảm xúc và có thêm sự bình an ở cha mẹ.

Những điều chia sẻ của tôi xuất phát từ một người làm bố rất yêu bản thân mình và yêu các con, hy vọng sẽ có có chút bổ ích cho các cha mẹ.

Xin cảm ơn anh!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.