Không quan hệ khi yêu: Nỗi sợ và những vướng mắc tâm lý

Gia Thịnh
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Tình yêu không có tình dục chỉ là tình đồng chí”. Đi ngược lại với quan điểm đó, nhiều người trẻ lựa chọn không làm “chuyện ấy” khi yêu. Tuy nhiên, điều này tạo ra không ít lo sợ và bất an cho chính họ.

Tình dục thường được xem là “gia vị” không thể thiếu trong tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng nhiều các bạn trẻ chủ động không tham gia những “cuộc vui” trong tình yêu. Lựa chọn không quan hệ tình dục giúp người trẻ đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần ở trạng thái tốt nhất trong một mối quan hệ. Tuy nhiên, nó cũng để lại nỗi lo âu và nhiều mâu thuẫn trong tâm lý.

Mắc kẹt trong chiếc “bẫy” tâm lý của đối phương

Trong một mối quan hệ, các bạn trẻ không coi tình dục là yếu tố tiên quyết, nhưng đôi lúc không tránh khỏi những bất an, lo sợ. Họ sợ không đem lại cho nửa kia những giây phút “thăng hoa”, không làm đối phương hạnh phúc, lo lắng đối phương nghĩ mình không yêu họ, và mối quan hệ giữa hai người không thể bền chặt.

“Thao túng tâm lý” (Gaslighting) là một loại ảnh hưởng xã hội nhằm mục đích thay đổi hành vi hoặc nhận thức của người khác. Đối với tình yêu, một trong những hình thức của thao túng tâm lý là gây áp lực, khiến đối phương cảm thấy cần phải quan hệ tình dục với mình để “giữ lửa” mối quan hệ. Nữ TikToker Kimmy Phượng (chủ tài khoản TikTok có trên 174 nghìn lượt theo dõi) từng nói lên suy nghĩ về hành vi này: “Những người đàn ông có chủ đích muốn quan hệ tình dục với bạn, họ sẽ có những “chiến thuật”.

Nữ TikToker chia sẻ thêm: “Những người đàn ông gặp bạn, họ sẽ rất ga lăng, chăm sóc, rủ đi ăn… nhưng hễ không gặp mặt là anh ấy nhắn tin một cách hững hờ, thậm chí không nhắn tin. Bạn sẽ nghĩ rằng, những lúc anh ấy gặp mình là lúc anh ấy có thể yêu mình, vậy càng cần gặp anh ấy nhiều nữa. Anh ta bắt đầu gặp nữa, gặp lâu hơn, gặp chỗ riêng tư và anh ta “dụ” bạn “lên giường”. Trong câu chuyện này, phương thức thao túng được sử dụng để làm cho đối phương cảm thấy quan hệ tình dục là nghĩa vụ bắt buộc để có thể “hâm nóng” tình yêu. Rơi vào trường hợp bị động, nhiều người cảm thấy chơi vơi và mơ hồ trong tình yêu của chính mình.

Không quan hệ khi yêu: Nỗi sợ và những vướng mắc tâm lý - ảnh 1
Ảnh minh họa

Làm theo lời nói, cuốn theo những âm mưu của “kẻ săn mồi” đồng nghĩa với việc rơi vào trạng thái thỏa hiệp với họ. Đối phương biết rõ “con mồi” phụ thuộc vào họ và những chiếc “bẫy” được giăng ra cho những cuộc hẹn tiếp theo. Trong tình yêu và tình dục, sự thỏa hiệp này còn nguy hiểm hơn bởi nó mang lại cảm giác không thoải mái, mất đi sự thân mật từ cả hai phía, thậm chí để lại những vết sẹo và tổn thương trong tâm lý của kẻ yếu thế.

Mâu thuẫn tâm lý khởi nguồn từ định kiến

Bên cạnh mặc cảm về bản thân, một số bạn trẻ bị tác động từ những định kiến vô hình của thời nay. Giới trẻ bây giờ khá coi trọng sự hiện diện của tình dục trong tình yêu, cá nhân lựa chọn không tình dục vô tình trở thành “kẻ lạc loài”. Họ lo lắng bản thân là đối tượng nhắm đến của những lời đánh giá, bình phẩm không thiện chí từ xã hội, dù đôi khi chỉ là sự tưởng tượng của họ. Họ thường trực nỗi bất an phải đối mặt với những suy nghĩ từ người ngoài: “Sao đến tuổi này rồi mà chưa quan hệ?”, “Có bị bệnh gì không đấy?”...

Khi đã bị nỗi sợ xâm chiếm, các bạn trẻ dễ dàng rơi vào vòng lặp tâm lý không lối thoát. Bản thân không muốn làm chuyện “yêu” nhưng dưới áp lực của nỗi sợ và định kiến xã hội, họ thử tìm đến tình dục. Họ mong muốn xóa bỏ cảm giác có lỗi với đối phương và giảm bớt sức nặng của định kiến đang đè lên đôi vai. Tuy nhiên, điều này không những không giúp các bạn trẻ tự tin hơn, ngược lại làm họ cảm thấy không thoải mái, thậm chí sợ hãi và trốn tránh chuyện tình dục sau này. Kết quả chỉ khiến người trong cuộc thêm đau khổ. Đây là một mâu thuẫn tâm lý điển hình của hầu hết các cá nhân cố gắng loại bỏ tình dục ra khỏi mối quan hệ tình cảm.

Nhận diện bản thân là một Panromantic Asexual (người bị thu hút về mặt tình cảm với tất cả các bản dạng giới, nhưng không bao gồm yếu tố tình dục), Uyên (25 tuổi, TP HCM) từng gặp vướng mắc trong tâm lý khi không đặt nặng vấn đề quan hệ với người yêu, cô chia sẻ: “Trong trường hợp người yêu muốn mình giúp về mặt tình dục, chỉ cần họ tôn trọng mình và nếu yêu cầu không quá đáng, mình vẫn có thể giúp họ với điều kiện tiên quyết là mình là người chủ động. Tuy nhiên mình cảm thấy không thoải mái cho lắm với những vấn đề liên quan đến chuyện tình dục”.

Không coi quan hệ tình dục là điều kiện tất yếu trong tình yêu, không có nghĩa Uyên né tránh hoàn toàn những giây phút ái ân. “Có lần vì cảm thấy có lỗi mà giúp người yêu cũ giải quyết chuyện tình dục, nhưng vẫn là dưới nguyên tắc mình đã đề cập. Sau đó người ấy thấy mình chịu thỏa hiệp nên càng đòi hỏi nhiều hơn. Kết quả là bọn mình chia tay, vì đi hơi quá giới hạn của mình” - cô nàng giãi bày.

Chia sẻ của Kimmy Phượng và trường hợp của Uyên chỉ là một trong số nhiều các bạn trẻ đã và đang loay hoay định vị cho mình một tình yêu tích cực và lành mạnh. Yếu tố tình dục, nếu không đặt đúng nơi, đúng thời điểm, sẽ tạo ra bầu không khí căng thẳng và sự khó xử trong mối quan hệ. Khi yêu, tâm lý cần được coi trọng không kém sinh lý, chỉ khi đó những nút thắt trong lòng mới dần được cởi bỏ và gỡ rối.

Không quan hệ khi yêu: Nỗi sợ và những vướng mắc tâm lý - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cán cân tình yêu có thăng bằng?

Tình yêu phải đến từ cả hai phía, xuất phát từ mối giao cảm giữa hai người. Nếu coi những ý muốn riêng biệt của bản thân là kim chỉ nam trong mối quan hệ giữa hai người mà phớt lờ nhu cầu của đối phương, đây có phải là sự ích kỷ trong tình yêu?

Thoát ra khỏi những mối quan hệ độc hại để xây dựng mối quan hệ mới, Uyên luôn thẳng thắn về xu hướng tính dục và tình dục của bản thân với đối phương để không làm mất thời gian và tình cảm của nhau. Hiểu được người yêu mình, T (32 tuổi, người yêu hiện tại của Uyên) sẵn sàng tôn trọng mong muốn của người mình yêu. Anh chưa bao giờ đề cập đến chuyện quan hệ hay ép người yêu mình phải vào thế khó xử và phải thỏa mãn nhu cầu của mình bao giờ. 

Chia sẻ về điều này, anh Thanh Hưng (Hà Nội) bộc lộ quan điểm: “Mình nghĩ đây không phải là sự ích kỷ trong tình yêu. Thực chất các bạn trẻ đang bảo vệ cho tình yêu, bảo vệ chính bản thân các bạn cũng như bảo vệ người yêu. Bởi không ai có thể lường trước được việc quan hệ tình dục có thể dẫn đến những hệ lụy như thế nào. Hơn nữa, có thể bây giờ họ đang yêu nhau nhưng sau đó do những xích mích mà không thể tiếp tục đến với nhau được nữa, sẽ để lại những vấn đề khó xử cho cả hai bên”.

Sự ích kỷ trong tình yêu, có hay không, là do cách nhìn nhận của mỗi cặp đôi. Nếu hai người sẵn sàng mở lòng chia sẻ tâm tư, tình yêu được xây dựng trên nền móng của sự thấu hiểu, khi đó trong mối quan hệ sẽ có những “luật chơi” riêng. Quan trọng là “luật chơi” đó được tôn trọng từ cả hai phía và miễn là không ai “vượt rào”. Khi đó tình yêu sẽ không bị coi là sự ích kỷ của riêng một người. 

Cần phải hiểu rằng, chấp nhận hay không việc quan hệ tình dục trong tình yêu là tùy thuộc vào mỗi người, không ai có quyền áp đặt quan điểm của mình lên bất cứ cá nhân nào. Thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng của bản thân với nửa kia là cách giúp hai người thấu hiểu nhau hơn và chuẩn bị hành trang bước vào một tình yêu lành mạnh.

Nỗi lo và những vướng mắc trong tâm lý khi chủ động nói không với “chuyện ấy” là khó tránh khỏi. Khi rơi vào trạng thái ấy, hiểu và ưu tiên cho nhu cầu cũng như sự thoải mái của bản thân là điều cần thiết. Bởi tình dục chỉ là một trong rất nhiều “chất xúc tác” của tình yêu, nếu thiếu đi tình dục mối quan hệ giữa hai người vẫn có thể đậm đà và vẹn nguyên.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.