Không thực hiện giãn cách xã hội sẽ bị xử phạt như thế nào?

Chia sẻ

Câu hỏi
Hiện nay Hà Nội đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên trong ngõ nhà tôi vào buổi chiều có mấy chị hàng xóm vẫn ngồi tụ tập với nhau nói chuyện phiếm. Xin hỏi báo Phụ nữ Thủ đô nếu họ không tuân thủ quy định về việc “không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng” theo Chỉ thị mới nhất của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, người vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Hoàng Thi Thái (Thanh Trì, Hà Nội)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời
Một trong các biện pháp chống dịch trong thời gian có dịch, theo điểm c khoản 1 Điều 52 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 là “hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch”.

Điều kiện để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người là dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đường lây truyền của dịch bệnh là đường hô hấp và nguy cơ lây truyền ở mức độ cao.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng trong trường hợp dịch xảy ra trên địa bàn từ hai huyện trở lên theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh.

Theo điểm a khoản 4 Điều 17 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ, “Quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng phải quy định rõ các hình thức tập trung đông người, hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng bị cấm, phạm vi và thời gian áp dụng quyết định”.

Trước những diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên cả nước, với chủng virus Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa xác định được nguồn lây; để đảm bảo an toàn cho Thủ đô, an toàn và sức khỏe cho Nhân dân là trên hết, trước hết, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố để phòng chống dịch Covid-19. Trong đó yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Có nghĩa rằng, người nào không chấp hành yêu cầu nêu trên là vi phạm điều cấm của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người vi phạm bị xử lý như sau:

1. Xử lý hành chính:

Theo điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ, hành vi “không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng” do cá nhân thực hiện bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, nếu là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

2. Xử lý hình sự:

Điều 295 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017 của Văn phòng Quốc Hội quy định Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người như sau:

“1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Làm chết 2 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. Mục đích của việc tuân thủ cũng là để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chính mình, của cộng đồng, góp phần phòng chống dịch bệnh lây lan. Người vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chị nên nhắc nhở và nói rõ để các chị hàng xóm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Luật sư Hồng Hải

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.