Khúc ca ”khải hoàn”

Chia sẻ

Bố về làng trên “con bình bịch”, ngồi phía sau là một người đàn bà, tay ẵm đứa bé trai mới tập bò. Biết tin, mẹ tôi hỏa tốc về. Mẹ ngồi trong gian dĩ*, nghe rõ mồn một từng lời giữa bố với ông nội:

- Thầy ạ, đây là Châu, chúng con đã có với nhau một cháu. Nay con đưa cô ấy về ra mắt thầy, u.

Ông nội tôi mắt trừng trừng nhìn bố tôi. Người đàn bà ngồi co rúm lại, ôm con mặt cúi gằm. “Choang”! Cái chén nước trên tay ông tan tành dưới nền nhà. Thằng bé con khóc thét:

- Mày nói gì, vợ ư!? Nhà tao không có loại theo không, con dâu nhà này là con Thoa.

Bố im lặng, gương mặt ông vẫn bình thản:

- Chính vì không cưới xin gì nên con mới đưa cô ấy về. Thế ý thầy…

- Cút! Cút ngay!

Bố cũng không vừa, ông lồng lên như con thú khi bị thợ săn dồn tới đường cùng.

- Thầy quá lắm! Vợ con cũng do thầy chọn, thầy cưới, nay con đưa cháu, đưa người con thương về, thì thầy hắt hủi. Rồi thầy phải ân hận! Đi thôi!

Nước mắt mẹ tôi tràn ra. Mẹ khóc rống lên như đứa trẻ bị oan đòn. Thằng bé con cũng khóc nấc lên gằm đầu vào lòng mẹ nó. Con Honđa 67 nổ inh tai, để lại trong sân một ụ khói đen kịt như người ta đốt đống nhấm trên đồng sau khi thu hoạch mùa xong. Với theo làn khói ấy là tiếng khóc của bà nội tôi: “Con ơi là con, cho u xin. Đừng, đừng có đi!”.

Mẹ cắp tôi như mèo tha con, vụt chạy về nhà ngoại. Tay tôi níu chặt lấy áo mẹ như sợ mất đi một cái gì đó. Bầu trời đông một màu xám ngắt. Tiếng gió rít trên triền đê phần phật thổi. Những đám cỏ may cuối vụ chi chít bám vào gấu quần tôi và mẹ như muốn níu kéo...

*
Bà nội kể, bố tôi là người đào hoa, sáng sủa, cao ráo. Bố có nét giống ông Chiêu - anh trai của ông nội. Ông Chiêu thông minh sáng dạ từ nhỏ, ông thạo chữ Nho. Mười tám tuổi, ông Chiêu bị Pháp bắt đi quân dịch. Sau nghe nói ông làm bác sĩ cho người Pháp. Sau 1954, ông chuyển vào Sài Gòn, năm 1990, ông mới về thăm quê, sau gần 70 năm phiêu bạt tha hương. Ông Chiêu quy tập mồ mả tổ tiên về một nơi. Xây cất xong, hoàn thành tâm nguyện. Năm sau, ông theo các con sang Mỹ định cư.

Bố tôi là con út trong một nhà có chín anh em. Nội tôi là lính pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến tranh ác liệt là thế, bạn bè đồng đội hy sinh gần hết, riêng ông chỉ bị thương nhẹ. Trong kháng chiến chống Mỹ, các bác tôi lần lượt khoác ba lô Nam tiến. Ngày cả xã liên hoan chia tay các bác lên đường nhập ngũ, lúc ấy bố tôi mới còn ẵm ngửa. Chiến tranh kết thúc. Các bác trở về mà không hề hấn gì. Bà nội bảo đó cũng là phúc cả mả dầy, được tổ tiên phù hộ chở che mới được như vậy.

Khi bố tôi học hết lớp 9 trường làng là thời điểm cả xã đang hăng hái trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Theo chủ trương của xã, phá dỡ bỏ tục làm chuồng lợn bằng cũi tre. Xây mới chuồng lợn và hố xí hai ngăn bằng gạch nung, đảm bảo vệ sinh, tăng nguồn phân hữu cơ cho sản xuất trồng trọt. Khi cái loa cầm tay của ủy ban oang oang thông báo, có người của Ty Xây dựng về xã tuyển công nhân, bố có mặt trong tốp đầu đi học xây dựng...

Đám cưới bố mẹ tôi và năm cặp nữa được tổ chức tại UBND xã. Đó là một ngày tháng Tám, khi những trái bưởi lủng lẳng trên cành đã ngả sang màu da lươn. Giọng ông chủ tịch xã vang như chuông đồng khi xướng lên từng “đôi chim hạnh phúc” trong mùi thuốc là sông Cầu, trà mạn hảo, những tiếng vỗ tay như pháo rang.

Ngày bố tôi còn đi học, ông nội đã nhắm được người làm vợ cho bố. Mẹ tôi là con thứ ba, con gái ông Hòa "cối", bởi nhà có đến ba đời làm nghề đóng cối. Ông Hòa "cối" là tổ viên trong tổ kéo hợp tác xã do ông tôi làm tổ trưởng. Thời ấy quê tôi có tục dạm ngõ rất kỳ. Hễ bố mẹ thuận đám nào là đánh tiếng, sau đó sắm cơi trầu, tối đến nhà đặt gạch, xí phần. Trường hợp nhà gái không thuận thì trả lại lễ, vẫn cái lễ đó lại đi tìm đám khác bao giờ tìm được mới thôi. Cũng có khi trầu cau đã úa cả mà vẫn chưa tìm được đám nào. Làng gọi là tục "quăng tải".

Sau mười tám tháng học tập ở trường xây dựng, bố ra trường với tay nghề thợ nề bậc 3. Hoàn thành công việc xây dựng nông thôn mới, bố tôi xin vào công ty xây dựng, còn mẹ cũng đi thoát ly làm công nhân.

Ngày tôi ra đời cả họ vui như đi hôi cá ao làng, nhất là ông nội, vì chắc chắn một trăm phần trăm, tôi là cháu đích tôn. Bởi lẽ, bác cả, bác ba đều công tác ở Hà Nội, ai cũng yên bề. Bác cả sinh được một chị, nhưng tâm tính không bình thường. Đó là hậu quả của những tháng năm ở Trường Sơn. Còn bác ba may mắn hơn được hai cô con gái đều lành lặn cả. Như vậy bố tôi là số một của dòng họ Trần. Ông nội tên Khải nên đặt tên tôi là Hoàn, "Trần Khải Hoàn", là "khúc ca khải hoàn", ông vẫn thường khoe với mọi người như thế.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm.

***

Tôi lên tám thì cơ quan mẹ tôi chuyển về Vĩnh Yên, tôi được gửi về ở với ông bà nội để thuận tiện việc đi học. Những năm đầu của thập niên 80, làng tôi đói lắm. Nhà nội đông miệng ăn, đến bữa cứ phải hai mâm mới đủ. Từ sáng tinh mơ, bà đã phải dậy để sắp bữa cho cả ngày. Nhìn những củ khoai lang cạo vỏ, những quả chuối xanh được sắt làm ba, làm tư, ngô, sắn mọt được ngâm nước cho ải. Ngô hạt đun với nước vôi trong đến khi ngô bung ra như hoa sở. Khi cơm sôi sền sệt lấy đũa cả đánh cho thật đều. Biết tôi không ăn được cơm độn, nên khi độn, bà thường tránh một góc gạo không khuấy đến. Mẹ vẫn gửi lương thực về đều đặn, nhưng toàn gạo đỏ, bột mì, bo bo rất khó ăn.

Ngày nghỉ, bố tranh thủ về nhận làm thêm cho các nhà trong làng. Thời đó, nhà nào khá giả chuẩn bị xây cất, mướn được bố là oách lắm. Chẳng gì ông cũng là tay thợ nề được đào tạo ở trường xây dựng hẳn hoi. Người xưa dạy: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh chẳng bao giờ sai.

Tôi còn nhớ những ngày lẵng nhẵng bám theo bố đi xây. Tôi thích cái cảm giác được lăn, lê, bò, trườn trên cát mát lịm cả người. Bố xây, tôi cũng xây. Công trình của tôi là những viên gạch dựng đứng được xếp hàng, chỉnh tề có khoảng cách đều nhau, chạy dài tít tắp như toa tàu Thống Nhất. Rồi toa đầu tiên đổ, thế là một loạt những toa tiếp nối, tạo ra những nhịp điệu, những viên gạch đổ rạp chạy dài chụm vào nhau trông thật thích mắt. Có lẽ trò này trẻ em thời ấy ai cũng biết.

Tuổi thơ tôi thích nhất là những tháng ngày được đi theo bố, được ăn chực, được chơi trò mình thích. Kể cũng sướng thật. Chẳng phải làm gì đến bữa được ăn no cơm trắng có cả thức ăn. Nhà nào rộng tay thì có cá, thịt. Nhà kiệt đi nữa cũng có gắp cá mắm nướng, bẻ ăn với cơm trắng, đượm, bùi hao cơm lắm!

Rồi thời kỳ bao cấp cũng qua đi, cơ chế thị trường mở cửa, nhiều nhà có bát ăn, bát để. Làng Nội đua nhau xây dựng. Những căn nhà trát vách rơm được thay bằng nhà cấp bốn, trát vữa ba ta, quét vôi trắng tinh. Có nhà còn trát cả trần nhưng không phải là đổ bê tông như bây giờ, mà cốt đan bằng tre, trát vữa vôi rơm.

Nhu cầu xây dựng của làng Nội ngày càng nhiều. Một số tay trong làng biết làm ăn, lên tận mạn ngược học nghề nung vôi, có kẻ nhanh nhẹn hơn xuôi về Kinh Bắc học cách dựng lò đốt gạch. Thế là làng Nội có gạch, có vôi, chẳng phải đi xa mua.

Gạch đẹp họ dùng để xây nhà. Gạch phồng, rộp thì xây hàng rào, chuồng lợn, chuồng tiêu… Còn lát nền họ mua gạch nhà nước tận ở Xuân Hòa. Gạch đẹp, nhưng mà đắt. Để tiết kiệm, có nhà nghĩ ra cách bổ gạch ra làm đôi theo chiều có lỗ, như vậy mua một thành hai. Bố thật khéo, những viên gạch trong tay ông cứ răm rắp vâng lời. Viên nào cứng đầu cũng chỉ cạch đến tiếng thứ ba là phanh mình “trắng bụng” như anh chàng đấu vật bị thua.

Bố làm không hết việc, ông đào tạo cả một đội thợ có tay nghề, thi thoảng ông lại đoảng về kiểm tra. Có lần bố ở nhà rất lâu, không thấy đến cơ quan. Nội sinh nghi, khi hỏi đến, thì bố cứ ậm ờ cho qua chuyện. Và việc bố nghỉ việc cơ quan cũng đến tai nội. Biết chuyện, nội giận tím mặt, ông bảo:

- Nhà nước cho mày đi học để xây dựng đất nước, nay có tí nghề ngỗng trong tay, bỏ ra ngoài đầu cơ. Như vậy là tư bản, là chủ nghĩa cá nhân, ra ngoài vô tổ chức không đoàn, không Đảng rồi cũng thành mất dạy!

Bố không nói gì. Làng Nội ngày một bề thế, nhưng cũng không níu được chân bố.
Một ngày kia, bụi bay mù mịt. Con xe Jeep khựng giữa sân. Đám trẻ con trong làng nhao đến bu đen bu đỏ nhìn, ngắm, sờ vào chiếc xe như một vật thể lạ. Đó là xe của người bạn học công nhân cùng bố, nghe nói ông ta về rủ bố tôi lên vùng cao làm công trình xây dựng.

Từ ngày bố bỏ đi với người đàn bà kia, không thấy bố về nhà nữa. Năm sau, ông nội tôi bệnh nặng rồi mất. Lúc lâm chung, ông cầm tay mẹ và tôi, mắt ngấn lên ầng ậc:

- Đừng trách thầy con nhé, đây là nhà của con. Hãy lựa chọn cho mình một bến đỗ. Chỉ xin con hãy dạy dỗ thằng Hoàn, nó nối dõi của dòng họ Trần. Thầy xin con…

Nói rồi, ông nội đi…

Làng cắt cử người đi tìm bố, nhưng vẫn vô vọng. Rồi đến lượt bà nội cũng bỏ mẹ con tôi mà đi, bố vẫn biệt tăm.

Tốt nghiệp đại học, tôi về công tác tại một trường cấp ba gần nhà. Đang trên lớp, tôi nhận điện thoại mẹ giọng nghiêm trọng:

- Thu xếp công việc, về nhà ngay, có việc!

Chưa bao giờ mẹ nói với tôi như thế! Bỗng tim tôi thình thịnh đập: “Chuyện gì đây? nhà mình thì có chuyện gì quan trọng bằng việc sắp tới mình đưa người yêu về ra mắt? Hay là…!..?”.

Lao nhanh về, thấy mẹ đang ngồi tiếp chuyện với một thanh niên trẻ nhưng nom khá chững chạc. Tôi bước vào nhà mình mà rụt rè như khách:

- Chào anh Hoàn.

Tôi gật đầu, ngồi xuống miễn cưỡng

- Đây là Hà - em cùng cha với con đấy - mẹ tôi nói như người dẫn chuyện.

Tôi thừ người ra định hỏi, nhưng Hà đưa ra tấm ảnh của bố thời trẻ, bức ảnh được phục chế ngay ngắn trong khung, kèm theo lá thư đã úa màu.

Lai Châu, ngày… tháng… năm…

Thầy, U, kính nhớ!

Em và con, hãy tha thứ cho anh!... Nghề xây dựng cứ đó đây, một lần anh nhận công trình thuộc một xã vùng cao Lai Châu. Thật không may cho anh trúng phải sốt rét rừng, do xa trung tâm thuốc men thiếu thốn. Những cơn hôn mê, co giật hành hạ anh như người chết đi sống lại. Nghe bà con mách trong bản Thái có ông lang trị được bệnh này. Sau khi tỉnh, anh mới biết, người cứu mình là Châu con gái thầy lang. Muốn cắt cơn sốt rét rừng phải tìm đủ 7 con giun đất sao vàng hạ thổ rồi sắc với thuốc Nam mà phải là loài giun ăn sương dưới gốc cây Tùng trăm tuổi trên núi Mun. Để có vị thuốc đặc trị ấy, đêm đó Châu một mình lên núi Mun, giăng đèn phục bên gốc tùng chờ sương xuống. Sau đận ốm thập tử nhất sinh, anh và Châu đã cảm mến nhau. Dù biết anh có vợ nhưng Châu vẫn thương. Châu bảo không trách gì anh hết... Anh không thể vô trách nhiệm, và anh quyết định đưa cô ấy cùng con về quê thưa chuyện với thầy u, với em. Ngặt nỗi, thầy không thông cảm. Sau nhiều đêm suy nghĩ anh quyết định viết thư cho em, mong em hiểu. Anh cạn nghĩ nên nói vậy thôi. Một ngày gần nhất anh sẽ trở lại xin thầy u. Xin em chấp nhận Châu...

Giờ thì tôi mới hiểu, sau khi rời làng Nội, bố theo cô Châu về Lai Châu. Hai người được ông lang dựng cho căn nhà nhỏ trong bản. Biết vùng cao thiếu vôi xây dựng, với nghề trong tay, bố quyết định tìm đá, mở lò nung vôi bán cho bà con phố huyện. Để có được loại đá tốt, bố phải đi xa lên những dãy núi cao hẻo lánh mà người dân hay gọi là cổng trời. Có đận cả tháng bố không về nhà. Lần đó cô Châu quyết định vào lán cùng bố khai thác đá, đốt lò và đỡ đần công việc.

Cái tin dữ bay về bản Thái, trên cổng trời mìn nổ, đá sập, chết người. Ông lang ngất xỉu khi đích thân cán bộ xã đến nhà thông báo hầm đá vôi sập. Phải ba ngày sau đào bới mọi người mới đưa được thi thể hai người về bản Thái làm ma. Hà khi ấy mới lên ba. Ngày ông lang về trời có trao cho Hà chiếc va ly, ngoài nhưng kỷ vật của bố và cô Châu, có một bức thư bố viết chưa kịp gửi.

Tôi nhìn di ảnh, mắt bố như đang cười với tôi. Tôi tiến về phía ban thờ, thắp hương cho ông bà nội, chợt sống mũi mình cay cay. Phía sau lưng tôi là Hà đang đứng đó, cũng khuôn mặt thanh tú, mũi cao, da trắng giống cha tôi. Hình như, đằng sau khúc ca khải hoàn còn bao nhiều điều khuất lấp. Nhưng câu chuyện buồn nào kết thúc cũng sẽ bắt đầu mở ra một điều gì mới mẻ cho những người hôm nay.
----------------------------
* Gian dĩ: gian buồng (thường nhà 5 gian, thì có 1 gian gọi là dĩ).

HÀ MINH HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.